\r\n Nằm cách trung tâm thị trấn Bắc Hà gần 30 cây số, bản Nậm Sỏm (xã Bản Già, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nằm cheo leo trên những vách đá dựng đứng tưởng như tới tận trời. Điều kiện canh tác và giao thông không thuận lợi khiến cuộc sống của những người dân nơi đây chồng chất những khó khăn…

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Đường đến bản Nậm Sỏm

\r\n

\r\n Lo lắng về đàn vật nuôi

\r\n

\r\n Những ngày đầu đông, Nậm Sỏm rực rỡ trong cái nắng vàng như rót mật trên từng thửa ruộng bậc thang. Từng đám mây mơn man, có lúc như chạm mặt níu chân người đi đường. Để đi được từ Nậm Sỏm đến con đường nối ra trung tâm thị trấn, hàng trăm hộ dân trong bản phải di chuyển mất ít nhất hơn 1 tiếng đồng hồ bằng xe máy. Theo ông Vàng Văn Thiêng - Trưởng bản Nậm Sỏm chia sẻ: “100% là dân tộc Tày. Trong đó mới có 12 hộ thuộc diện thoát nghèo, còn lại đa số đều có điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Hệ thống điện chiếu sáng vẫn còn là niềm ao ước đối với chúng tôi”.

\r\n

\r\n Nương rẫy ít nên những con vật nuôi trở thành nguồn sống đối với những hộ dân nơi đây, trong đó đàn gia súc, gia cầm là những con vật nuôi chủ đạo. Ông Thiêng cho biết, hộ chăn nuôi ít nhất là có 1 con trâu, nhiều nhất có thể lên tới 5 con trâu hoặc bò cùng với heo, gà… Đặc biệt, trong chương trình tặng bò giống giúp người nghèo biên giới, 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thôn được trao tặng bò cũng khiến đàn gia súc của thôn tăng lên đáng kể.

\r\n

\r\n Được coi là những con vật nuôi chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhưng đa số các hộ nông dân dân tộc Tày vẫn chưa biết cách chăm sóc cho đàn vật nuôi của mình. Kinh tế khó khăn khi bốn miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào hơn 2 sào nương, gia đình chị Vàng Thị An (35 tuổi) nuôi thêm mấy chú heo nái để tăng gia. Tuy nhiên, những ngày gần đây, đàn heo nhà chị An có biểu hiện tiêu chảy kéo dài, chán ăn, mệt mỏi mà chị không biết cách nào chữa trị. Không có tiền đi mua thuốc chữa bệnh cho heo, chị cứ ngồi nhìn đàn heo gầy mòn chờ chết còn chồng chị ngày nào cũng “xúi” vợ giết thịt để… có mồi nhậu. Không chỉ có gia đình chị gặp khó khăn trong vấn đề chăm sóc đàn vật nuôi mà đó còn là nỗi lo chung của hầu hết các hộ gia đình trong thôn. Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, mỗi khi đàn vật nuôi bị bệnh, họ không chữa mà giết thịt để làm mồi nhậu cho cánh đàn ông, cải thiện bữa cơm cho trẻ nhỏ. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nếu đàn vật nuôi chết hàng loạt mà cách xử lí này còn vô cùng nguy hiểm bởi những căn bệnh từ vật nuôi dễ dàng truyền từ vật sang người qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, khi được cảnh báo về những hiểm nguy có thể gặp phải khi ăn thịt vật nuôi đã bị bệnh, anh Vàng Văn Chương (30 tuổi) tặc lưỡi: “Không biết thì cứ ăn thôi!”.

\r\n

\r\n Người bạn của nhà nông

\r\n

\r\n Đến với những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của Nậm Sỏm, cán bộ, giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng hàng chục sinh viên của Câu lạc bộ chuyên ngành Thú y tận tình hướng dẫn bà con nông dân cách nuôi, trị bệnh cho đàn vật nuôi của mình cùng nhiều loại thuốc thú y.

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Anh Nguyễn Văn Minh, Giảng viên Khoa Thú y - Học viện Nông nghiệp Việt Nam

\r\n

\r\n hướng dẫn bà con cách chăm sóc đàn vật nuôi

\r\n

\r\n Phải di chuyển bằng nhiều phương tiện qua những đoạn đường đá cheo leo hiểm trở với những khúc cua gấp đầy hiểm nguy, mất nhiều giờ liền, Nguyễn Thị Hương, sinh viên K56 – khoa Thú y cùng các bạn của mình mới tới được Nậm Sỏm. Cô gái trẻ nhanh tay sắp xếp từng loại thuốc dành cho từng loại vật nuôi, hỗ trợ thầy giáo trao thuốc tới tận tay bà con nông dân, hướng dẫn họ cách sử dụng. Hương chia sẻ: “Trước đó, mình và các bạn đã có một buổi khảo sát địa bàn, tìm hiểu về những khó khăn trong chăn nuôi của bà con nơi đây. Càng tìm hiểu, càng thấy thương họ hơn vì những tập tục sinh hoạt lạc hậu, thiếu hiểu biết và đầy nguy hiểm cho tính mạng như ăn tiết canh con vật đã bị bệnh, giết thịt gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại kém…”

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Các hộ nông dân nhận thuốc trị bệnh cho vật nuôi

\r\n

\r\n Đến với những hộ nông dân, các cán bộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chăm chú lắng nghe những chia sẻ của bà con về khó khăn gặp phải trong chăn nuôi, các loại bệnh mà đàn vật nuôi gặp phải. Không chỉ tận tình hướng dẫn bà con cách chăm sóc đối với từng con vật nuôi, trị từng căn bệnh cụ thể, hàng trăm gói thuốc các loại được trao tặng bà con, giúp họ dự phòng chăm sóc đàn vật nuôi của mình. Ông Vàng Văn Thiêng xúc động: “Đây là những món quà rất ý nghĩa không chỉ là vật chất. Chương trình rất thiết thực với bà con nông dân, để chúng tôi biết cách chăm sóc vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời biết cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Mong là bà con sẽ ngày càng hiểu hơn nữa để kinh tế dần thoát khỏi khó khăn, đói nghèo và lạc hậu”.

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng thuốc

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n ... và hướng cách cho bò uống thuốc

\r\n

\r\n Với sự tham gia của 25 sinh viên Câu lạc bộ chuyên ngành Thú y, hành trình “Hơi ấm vùng cao” 2015 vừa được tổ chức ngày 18 - 23/11/2015 đã trao tặng bà con nông dân Nậm Sỏm, xã Bản Già (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) hàng nghìn gói thuốc chữa các bệnh về đường hô hấp, kí sinh trùng, giun sán, trị các bệnh về tiêu hóa, thuốc bổ, men tiêu hóa cho đàn vật nuôi của Công ty thuốc Toàn cầu, Công ty TNHH Biovet, Cty TNHH Hải Nguyên, Trung tâm Anh ngữ Pascal. Bên cạnh đó, hàng trăm cuốn vở viết, đồ dùng học tập, quần áo ấm cũng được các em sinh viên của câu lạc bộ vận động quyên góp trao tặng cho các em nhỏ.

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n Trao tặng nhiều sách vở cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

\r\n