Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong gần một thập kỷ qua, vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ GD& ĐT, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước.
Ngày 28/3/2014, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở tổ chức lại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội theo Quyết định 441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 873/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015 – 2017 với mục tiêu chung là Học viện chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu trở thành Đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại Học viện.
Triển khai theo Quyết định của Thủ tướng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao trong các lĩnh vực hoạt động của các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc, bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với năng lực, điều kiện và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối, thống nhất và kiểm tra giám sát của Học viện và thúc đẩy liên thông, liên kết toàn diện giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung, tạo thêm giá trị gia tăng để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện thí điểm tự chủ (Quyết định 873/QĐ-TTg) giai đoạn 2015-2017 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy những kết quả mà Học viện đạt được sau hai năm thực hiện thí điểm tự chủ, thể hiện trên các mặt: Tổ chức bộ máy, nhân sự; Đào tạo; Khoa học công nghệ; Hợp tác quốc tế; Tài chính; Đầu tư, mua sắm; Chính sách học bổng, học phí cùng các công tác khác. Theo đó, về cơ bản Học viện đã xây dựng thành công và phát huy thế mạnh mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao tiếp cận chuẩn quốc tế, bồi dưỡng nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, xây dựng và phát triển các ngành mới, tổ chức đào tạo theo chuẩn quốc tế; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước nhờ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đạt được một số kết quả mang tầm quốc tế như tăng số lượng đề tài, dự án khoa học công nghệ nhờ đấu thầu và hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tiếp cận trình độ quốc tế, có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước; gắn kết nghiên cứu khoa học và đào tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ; đẩy mạnh công bố quốc tế đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế; hiện đại hoá trang thiết bị, tiên phong xây dựng thành công các nhóm nghiên cứu mạnh, các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO quốc tế; chủ động thực hiện một cách sáng tạo chủ trương, đường lối, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo.
Trong những kết quả đạt được đó, lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự được đánh giá là thực hiện thành công nhất, được giao quyền tự chủ cao nhất theo quyết định 873/QĐ-TTg. Từ những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện tự chủ, Học viện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để có thể tiếp tục triển khai các hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Xác định mục tiêu người học làm trung tâm của quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo lên hàng đầu, Học viện xứng đáng là địa chỉ tin cậy để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phấn đấu đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Hiện tại, Học viện xếp thứ 3 trong các trường đại học của Việt Nam, thứ 50 trong top 100 trường đại học Đông Nam Á, nằm trong top 20 tổ chức công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam. Học viện còn là trường đại học hàng đầu về kết quả kiểm định chất lượng đại học với rất nhiều đóng góp cho đất nước về đào tạo và khoa học công nghệ.
Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và Học viện, Thứ trưởng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực mà Học viện đạt được trong thời gian thực hiện thí điểm tự chủ, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học”, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ đắc lực cho công cuộc tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Học viện đã đóng góp lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương ưu tiên của Chính phủ; đồng hành cùng Chính phủ trong việc đẩy mạnh việc thực hiện các đề án phát triển hệ tri thức Việt số hóa của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Điều đó đã khẳng định hướng đi đúng đắn, thể hiện tư duy, sáng tạo, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo cùng sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ viên chức và người học của Học viện, góp phần nâng cao vị thế của Học viện trước xã hội.
Sau hai năm được trao quyền tự chủ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nỗ lực khai thác những thế mạnh của quyền tự chủ đó, với sự quản lý Nhà nước, sự chỉ đạo và giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu với tình thần trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, của đội ngũ các các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ, học viên, sinh viên, Học viện đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp cho việc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, phù hợp với tầm nhìn mà Học viện đã đưa ra đó là trở thành Đại học tự chủ, đa ngành, đa phân hiệu theo mô hình của đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực; trung tâm xuất sắc của quốc gia, khu vực về đổi mới sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tri thức và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn./.