Lịch sử đất nước Việt Nam mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với những tấm gương anh hùng, nhưng đằng sau những tấm gương anh hùng đó là những hình bóng người thầy – người bồi đắp tri thức, lễ khí, tiết tháo và tinh thần yêu nước cho họ. Vai trò của người thầy từ lâu đã được khắc ghi trong lịch sử:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy

Đời nhà Trần, có danh nho Chu Văn An, một thầy giáo tiêu biểu, ông vốn có tính cương trực, trọng nghĩa khinh tài, không thích việc quan trường và tránh những thị phi. Ông mở trường dạy học bên sông Tô Lịch và nổi tiếng là người có tiết tháo thanh cao, giữ mình trong sạch, không cầu danh lợi, học trò theo rất đông. Trong số môn đệ của ông có hai người tài giỏi là Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát, làm quan đến nhất phẩm triều đình, nhưng khi đến thăm Thầy vẫn khép nép nghe thầy giảng dạy.

Đời nhà Lê có bảng nhãn Lương Đắc Bằng, từ quan về quê dạy học, trong số môn sinh có hai người lỗi lạc là Nguyễn Văn Đạt tức Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thừa Hưu đỗ thám hoa, đến thăm Thầy lễ phép, vâng lời chỉ bảo của Thầy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành nhà giáo dục nổi tiếng ở thời nhà Mạc, cũng như Thầy mình, từ quan về dạy học ở am Bạch Vân, ông đào tạo được nhiều người văn hay chí lớn như Phùng Khắc Hoan (Trạng Bùng). Nguyễn Dữ, tác giả cuốn "Truyền kỳ mạn lục" và Lương Hữu Khánh (con của thầy Lương Đắc Bằng), tuy là những người uyên thông, nhưng họ vẫn thường xuyên đến xin sự chỉ giáo của Thầy.

Đến đời Nguyễn, phải kể đến án sát Nguyễn Siêu, cũng từ quan về dạy học, trong số các học trò của ông có Cao Bá Quát, mà người đương thời tặng cho ông cùng Thầy giáo của ông danh hiệu "Thần Siêu, Thánh Quát".

Trong thời Pháp thuộc, dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến nhưng truyền thống "Hiếu học, tôn sư trọng đạo" của nhân dân ta vẫn được giữ gìn phát huy và phát triển.Những tấm gương sáng tiêu biểu của những thầy giáo giàu lòng yêu nước thương dân như cụ Đồ Chiểu, Nguyễn Thiếp, cụ Trần Đình Phong, cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phan Bội Châu, cụ Vương Thúc Quý, cụ Dương Quảng Hàm, cụ Bùi Kỷ...

Đặc biệt trong giai đoạn này, chúng ta phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người hiện thân của những giá trị vĩnh hằng thuộc về mọi người, mọi dân tộc và thời đại, trong đó có giá trị về tấm gương mẫu mực của một bậc thầy lỗi lạc, đào luyện nên những thế hệ lãnh đạo cách mạng “khai quốc công thần” của Đảng ta, Quân đội ta và nhân dân ta.

Trải qua thời gian, lịch sử được bồi đắp thêm bởi các thế hệ Nhà giáo nhân dân tiêu biểu như Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn... Ngày nay lớp lớp học trò biết tôn sư, trọng đạo, học giỏi, tu dưỡng tốt, học sinh giỏi quốc tế, học sinh giỏi quốc gia, học sinh nghèo vượt khó học giỏi... là những món quà vô giá kính tặng các nhà giáo.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Người cũng đã dạy chúng ta “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, vai trò và nhiệm vụ của người thầy lại càng quan trọng hơn, bởi họ có trọng trách tạo nên đội ngũ học sinh có tri thức, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ngành Giáo dục nước ta trong suốt mấy chục năm qua đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đã giáo dục và đào tạo cho hàng triệu triệu người học có kiến thức, kỹ năng và nhân cách để học tiếp lên cao, học nghề hoặc  áp dụng vào cuộc sống lao động sản xuất… Đạt được những thành tựu đó là nhờ có sự lãnh đạo sát sao và toàn diện của các cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ nhà giáo, cán bộ viên chức,  ngành Giáo dục, trong đó đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò quan trọng.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam với bề dày 60 năm xây dựng và phát triển, đã đào tạo ra nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp tốt, phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Trong số giảng viên của trường, có nhiều nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, tiêu biểu như: GS. Bùi Huy Đáp, thầy Nguyễn Đăng, GS. Lương Định Của… sáng cả về đức và tài. Bước vào thời kỳ hội nhập, Học viện cũng đã có rất nhiều tấm gương sáng trong công tác đào tạo và quản lý, số lượng nữ nhà giáo tiêu biểu tăng lên, trong đó có Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm – nhà khoa học được cả nước biết đến khi đã lai tạo ra nhiều giống lúa mới, có giá trị thực tiễn cao; PGS.TS. Nguyễn Thị Lan – nhà khoa học nữ trẻ, giải Nhất Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, là nữ Giám đốc/Bí thư Đảng ủy trẻ nhất của Học viện, đại biểu Quốc hội khóa XIV… Dù ở bất kỳ thời kỳ nào, họ đều là những người thầy mà các thế hệ sinh viên ngành Nông nghiệp của nước nhà nói chung và sinh viên Học viện nói riêng ngưỡng mộ và noi theo.

Thế hệ các thầy cô giáo của ngành giáo dục trước đây, hiện tại và mai sau mãi mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành giáo dục từng bước phát triển vững chắc và đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Mỗi dịp chào đón ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, các thầy cô giáo và những người làm công tác giáo dục đều cảm thấy vinh dự và tự hào hơn với truyền thống của ngành. Càng vinh dự và tự hào, các nhà giáo càng ý thức được trách nhiệm lớn lao mà ngành Giáo dục phải phấn đấu để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Mỗi giáo viên cần phải “yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu”. Mỗi thầy cô giáo của ngành giáo dục và đào tạo hãy luôn cố gắng rèn luyện để trở thành “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo” được các thế hệ học trò và nhân dân kính trọng./.