Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát triển toàn diện nền nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, nâng cao mức sống cho nhân dân, đồng thời, Người luôn thấy được mối quan hệ biện chứng giữa nông nghiệp và công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách, pháp luật để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp, Hồ Chí Minh luôn coi trọng nông nghiệp, đồng thời, Người luôn nhận thức rõ mối quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp đến nay vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn.

* Phát triển nền nông nghiệp toàn diện

Theo Hồ Chí Minh, phát triển nền nông nghiệp toàn diện là phải đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định, trong trồng trọt phải “trồng cà phê, trồng lúa nhưng đồng thời phải chú ý trồng lạc, trồng vừng vì lạc, vừng là thứ hàng xuất khẩu rất tốt để đổi lấy máy móc…” [2, tr. 286].

leftcenterrightdel
Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Bác Hồ (1958)
 Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Bác Hồ (1958)
      

Cùng với phát triển ngành trồng trọt, Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm phát triển ngành chăn nuôi để có thêm thịt ăn, thêm sức kéo, thêm phân bón phục vụ cho trồng lúa, hoa màu, đồng thời phát triển ngành ngư nghiệp và các ngành kinh tế gắn liền với biển.

leftcenterrightdel
Bác Hồ thăm nông dân Bắc Giang, tháng 2/1955
 Bác Hồ thăm nông dân Bắc Giang, tháng 2/1955
 

* Phát triển công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Theo Hồ Chí Minh, “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta: Con đường công nghiệp hóa nước nhà” [1, tr. 445].

leftcenterrightdel
Bác Hồ về thăm Khu gang thép Thái Nguyên năm 1964
 Bác Hồ về thăm Khu gang thép Thái Nguyên năm 1964
 

*  Một số định hướng phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp hiện nay

Thứ nhất, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng địa phương.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu
 

Thứ hai, giải quyết tốt vấn đề đầu ra của nông sản, trong đó, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm cả công nghệ cao trong trong chuỗi giá trị nông sản.

Thứ tư, tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Như vậy, những quan điểm của Hồ Chí Minh về nông nghiệp, mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá có giá trị lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân hiện nay. Qua hơn 30 năm thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân được cải thiện góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội …

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2.       Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

TS. Lê Văn Hùng - Khoa KHXH