Sáng ngày 29/9/2023, Nhóm Nghiên cứu cạnh Phát triển du lịch và Ngoại ngữ đã kết nối và mời chuyên gia TS. Kumar Bhatta, đến từ Đại học Kyushu, Fukuoka, Nhật Bản thăm quan thực địa tại một số điểm du lịch như làng nghề hoa cây cảnh tại xã Xuân Quan, làng gốm Bát Tràng, khu đô thị Ecopark, và các khu sinh thái trải nghiệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chiều cùng ngày, nhóm Nghiên cứu mạnh Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ tổ chức buổi seminar chuyên gia nhằm tăng cường việc trao đổi thông tin và thảo luận các chủ đề liên quan tới phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới. Tham dự seminar có sự tham gia của chuyên gia du lịch nông nghiệp TS. Kumar Bhatta, đến từ Đại học Kyushu, Fukuoka, Nhật Bản, các cán bộ, giảng viên, sinh viên đến từ Khoa Du lịch và Ngoại ngữ và các đơn vị khác trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn, Khoa Kế toán & QTKD…).

Nối tiếp các seminar và hội thảo về du lịch, du lịch xanh, du lịch bền vững… đã được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, buổi seminar này tập trung vào chủ đề phát triển du lịch nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 TS. Kumar Bhatta trong bài chia sẻ tại Khoa DL&NN

Trong buổi hội thảo, TS. Kumar Bhatta đưa ra đôi nét giới thiệu về du lịch nói chung tại Nepal và tình hình phát triển du lịch nông nghiệp nói riêng tại đất nước này. Theo đó, chuyên gia nhận định các vấn đề có ảnh hưởng đến phát triển du lịch nông nghiệp tại đây gồm: xu thế phân bố dân cư tại khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ đói nghèo tại các khu vực này, đặc biệt là vùng nông thôn, tình trạng thất nghiệp, và sự chênh lệch khoảng cách giữa thu nhập của người dân hai khu vực này. Dân cư phân bố tăng dần về nông thôn cùng với tình trạng thất nghiệp, nạn đói nghèo gia tăng dưới ảnh hưởng của giai đoạn dịch Covid bùng nổ tạo cơ hội cho du lịch nông nghiệp phát triển, mang lại thu nhập đáng kể và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Trong nghiên cứu của mình tại Nepal, TS. Kumar đã xây dựng bảng khảo sát các bên liên quan dựa trên một mô hình phát triển du lịch nông nghiệp gồm 6 yếu tố: (1) các tiềm năng, (2) nông dân và cộng đồng, (3) nguồn nhân lực, (4) nhà hàng khu vực nông thôn, (5) cơ sở vật chất, (6) khách du lịch, trong đó bốn yếu tố đầu tiên đã được kiểm chứng thông qua khảo sát và nghiên cứu thực địa. Tiến sĩ Kumar đưa ra ví dụ minh họa về một số câu hỏi đa lựa chọn trong bảng khảo sát đã sử dụng, trong đó mô hình phân tích ma trận SWOT (strengths, weaknesses, opportunities, threats) được áp dụng trong phân tích số liệu. Kết quả nghiên cứu được tính toán thông qua công thức sau:

leftcenterrightdel
 

PSS chính là chỉ số dùng để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp. Chỉ số này tại Nepal là 0,65% > 0,5, chứng tỏ đất nước này có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cụ thể, có 36% số nông dân tham gia khảo sát thể hiện sự sẵn sàng cho việc tự vận hành mô hình du lịch nông nghiệp, 30% cho thấy sự tích cực đối với tham gia vận hành du lịch nông nghiệp theo cộng đồng, 65% bày tỏ sự cởi mở trong triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn nông dân có trình độ giáo dục chưa cao, chưa được đào tạo bài bản; lao động nữ tỏ ra có lợi thế hơn trong hoạt động du lịch nông nghiệp… Ngoài ra, dịch vụ nhà hàng tại Nepal trong lĩnh vực du lịch hiện đạt được lợi nhuận tương đối cao so với các hoạt động nông nghiệp trong cùng khu vực mặc dù nông nghiệp là hoạt động chủ yếu của khoảng 60% số chủ nhà hàng này. Nếu có sự kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp và dịch vụ nhà hàng có thể sẽ mang lại lợi nhận tích cực hơn. Tuy có 31% số chủ nhà hàng mong muốn cung cấp dịch vụ cho du lịch nông nghiệp nông thôn nhưng các yếu tố liên quan như chất lượng cơ sở dịch vụ và kiến thức về du lịch nông nghiệp của đối tượng này còn hạn chế, đây chính là thách thức tương đối lớn đối với việc phát triển du lịch nông nghiệp nói chung.

leftcenterrightdel
 

Qua kết quả nghiên cứu tại Nepal, TS. Kumar đã đưa ra một số nhận xét cùng các đề xuất về việc phát triển du lịch nông nghiệp nói chung ở khu vực nông thôn các nước đang phát triển. Đó là, tuy có tiềm năng về tài nguyên, sự cởi mở của người nông dân và các chủ nhà hàng nhưng vẫn cần có biện pháp để đào tạo bài bản, nâng cao kiến thức cho các đối tượng này; ngoài ra để tạo điều kiện cho phát triển du lịch nông nghiệp, cũng cần chú ý đến các yếu tố khác như chính sách nhà nước (đặc biệt là liên quan đến đất đai cho phát triển du lịch), xây dựng các cơ sở hạ tầng, sự hợp tác tích cực giữa các bên liên quan trong hoạch định và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp.

Trong suốt buổi seminar, đã có nhiều câu hỏi thảo luận tích cực được đưa ra nhằm làm rõ các kết quả nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm cũng như tiềm năng triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp tương tự tại Việt Nam. Qua buổi seminar, các thành viên tham dự đã có cơ hội tích lũy thêm thông tin về mặt nghiên cứu cũng như thực tiễn phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu chuyên môn tiếp theo về lĩnh vực du lịch nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Nhóm nghiên cứu mạnh Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ