Theo GS.TS. Phạm Văn Cường: Nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong gần một thập niên qua đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ và luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục phát triển tốc độ cao, đã đóng góp hơn 15% GDP, trong đó xuất khẩu năm 2018 đã vượt con số 40 tỷ USD.
Cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, vấn đề ứng dụng công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa nói chung và chế biến nông sản, thực phẩm nói riêng đã đạt được thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Tận dụng cách mạng 4.0, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, việc phát triển ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa theo hướng công nghiệp là cần thiết để tạo ra bước phát triển nhảy vọt về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã được lắng nghe các báo cáo, ý kiến tham luận tập trung ở ba mảng chính: Đánh giá thực trạng công nghệ chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam; Các định hướng phát triển công nghệ chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; Các định hướng chiến lược trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nền nông nghiệp trong thời kỳ 4.0.
Các báo cáo, ý kiến tham luận đã làm rõ được những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, từ đó đưa ra những phương án, đề xuất để phát triển lĩnh vực này. Các báo cáo, ý kiến tham luận được Thứ trưởng đánh giá cao, có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Nâng cao năng lực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản phải đồng bộ, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam, thực hiện đầu tư theo chuỗi giá trị, đi từ khâu sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đến sơ chế, chế biến rồi đóng gói. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng, kế thừa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện phải có lộ trình, giai đoạn, phân cấp mức độ rõ ràng, có bộ tiêu chí để so sánh, đánh giá sản phẩm. Xác định lực lượng, đối tượng, sản phẩm chủ lực để nâng cao năng lực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong thời đại hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng 4.0./.
(Theo http://www.thoivietbao.vn/)