Nằm ở vùng đất phía đông của Thủ đô, khuôn viên 192ha của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang như một đại công trường. Đánh dấu năm thứ 64 xây dựng và trưởng thành, ngôi trường đại học có bề dày truyền thống này đang từng ngày, từng giờ thay đổi để trở thành một điểm sáng của vùng đô thị phía Đông Hà Nội.
|
|
Các Dự án đang được thi công tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam |
Việc khởi động Dự án thành phần “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới” thuộc Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” với nguồn vốn mà Chính phủ Việt Nam vay từ Ngân hàng Thế giới 50.000.000 USD, tương đương hơn 1000 tỷ đồng Việt Nam đang biến khuôn viên của ngôi trường đẹp bậc nhất Việt Nam những ngày tháng 10 năm 2020 rộn rã như một đại công trường. Dự án có mục tiêu: Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và khu vực, đồng thời phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể của Dự án là (1) Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành; (2) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và khu vực; (3) Tăng cường quản trị đại học, thực hiện hiệu quả tự chủ đại học và (4) Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đào tạo và quản trị đại học.
Phù hợp với mục tiêu đó, Dự án xác định các hoạt động chính trong hợp phần Phát triển nghiên cứu gồm: Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu; Thành lập Hội đồng tư vấn nghiên cứu khoa học quốc tế; Tổ chức tập huấn, cử cán bộ nghiên cứu/kỹ thuật viên/giảng viên đi tập huấn nâng cao năng lực; Tổ chức Tuần lễ nghiên cứu thường niên; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và liên kết với nông dân, doanh nghiệp; Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ nghiên cứu (Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp và Khoa học sự sống gồm Trung tâm nghiên cứu cây trồng và dược liệu, Trung tâm nghiên cứu công nghệ gen, vac-xin thế hệ mới, thuốc và chế phẩm điều trị bệnh, Trung tâm dịch vụ chẩn đoán, xét nghiệm, kiểm định và phân tích đạt chuẩn ISO; Mua sắm thiết bị cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu; Phát triển nguồn tài liệu số - Mua tạp chí chuyên khảo). Đối với hợp phần Phát triển đào tạo, các hoạt động chính của Dự án gồm: Đổi mới 03 chương trình đào theo định hướng thị trường lao động; Kiểm định 07 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN; Tăng cường trao đổi sinh viên; Cử giảng viên tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn tại nước ngoài; Thu thập thông tin việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ đào tạo (Xây dựng 01 giảng đường; Xây dựng nhà phục vụ đào tạo và thực hành cho các khoa Cơ điện, Công nghệ thực phẩm, Môi trường, Công nghệ sinh học, Thú y, Kế toán và Quản trị kinh doanh, Kinh tế và Phát triển nông thôn, Khoa học xã hội, Sư phạm và Ngoại ngữ; Xây dựng Trung tâm Giáo dục thể chất; Mua sắm thiết bị các phòng thực hành thực tập cho các khoa Cơ điện, Công nghệ thực phẩm, Môi trường, Công nghệ sinh học, Chăn nuôi, Thú y, Nông học, Quản lý đất đai, Thủy sản. Còn hợp phần 3 về Quản trị đại học và chia sẻ thông tin, các hoạt động chính của Dự án gồm: Nâng cao năng lực quản trị đại học (tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, hành chính về quản trị đại học, cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm quản lý; Thực hiện số hóa tài liệu phục vụ quản trị đại học; Thực hiện báo cáo đánh giá việc thực hiện cơ chế tự chủ; Xây dựng CSVC hỗ trợ quản trị đại học (Xây dựng Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế và dịch vụ xã hội; thiết lập phầm mềm quản trị đại học; Thực hiện công tác truyền thông chia sẻ thông tin.
Như vậy, sự thay đổi về cơ sở vật chất trong khuôn viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam những ngày tháng này chỉ là biểu hiện bên ngoài của Dự án. Với cơ sở vật chất ấy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi thực sự về chất lượng đúng như tên gọi của Dự án là: “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” với biểu hiện cụ thể là tăng 30% số lượng công trình nghiên cứu (Scopus, ISI, đào tạo NCS) sau 2 năm, 50% sau 5 năm; 3 giải pháp hữu ích/bằng phát minh/sáng chế/chế phẩm/qui trình được công nhận và tăng 12% các chế phẩm/giống cây trồng/giống vật nuôi/qui trình/chế phẩm được công nhận Quốc gia; 7 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN; 80-90% số lượng sinh viên học các chương trình được kiểm định hoặc các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE) có thể tìm được việc làm 6 tháng sau khi tốt nghiệp; tăng thời lượng thực hành/sinh viên/tiết thực hành; nâng cao trình độ và kỹ năng quản trị đại học cho cán bộ quản lý; thiết lập phầm mềm quản trị đại học góp phần thực hiện quản trị đại học hiệu quả.
Cơ sở vật chất của Học viện sau khi thực hiện xong dự án WB
Sự chuyển biến lớn lao ở tuổi thứ 64 là một bảo đảm để Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện thành công sứ mạng “đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao KHCN, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp & PTNT; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước” trên chặng đường phát triển của mình.
Ban CTCT&CTSV