Hướng tới ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và bẩu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra ngày 23 tháng 5 năm 2021, trân trọng giới thiệu Phần 1 bài – Những tấm gương nhà giáo Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đại biểu Quốc hội.

1.      Nhà giáo Nguyễn Thị Lan

leftcenterrightdel
 

Nhà giáo Nguyễn Thị Lan sinh năm 1974 tại vùng ven đô - xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Qua gần 30 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Lan đã làm chủ nhiệm và tham gia hơn 20 đề tài khoa học cấp vụ, nhà nước và quốc tế, công bố hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong đó nổi bật là 30 bài báo trên các tạp chí ISI/Scopus danh giá của quốc tế. Với thành tích khoa học xuất sắc, năm 2018 nhà giáo, nhà khoa học Nguyễn Thị Lan được phong hàm giáo sư, trở thành vị giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Học viện Nông nghiệp Việt Nam và của ngành thú y. Với uy tín khoa học của mình, giáo sư được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Thú y Châu Á. Cũng trong năm 2018, cô được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông” và là cá nhân trẻ tuổi nhất được nhận Giải thưởng Kovalevskaia. Nhà giáo Nguyễn Thị Lan có nhiều gắn bó với đất nước mặt trời mọc - Nhật Bản, cô thực hiện chương trình nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Miyazaki từ năm 2002 đến năm 2007; là giáo sư danh dự của ĐH Yamaguchi và là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Miyazaki. Hiện nay nhà giáo Nguyễn Thị Lan là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Nông nghiệp Việt Nam và là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội. Nhà giáo Nguyễn Thị Lan là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (đại biểu lần đầu ứng cử và trúng cử), thuộc đoàn đại biểu thành phố Hà Nội; hiện cô là Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

2. Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường

leftcenterrightdel
 

Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường sinh năm 1937 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư ngành Cơ khí, chuyên ngành cơ khí nông nghiệp. Cô là một trong những nhà giáo, nhà khoa học được phong hàm giáo sư đầu tiên và là một trong những nhà khoa học hàng đầu của chuyên ngành này. Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2010 và cho tới nay cô là một trong hai nữ nhà giáo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được phong tặng danh hiệu cao quý này. Trong quá trình công tác Cô từng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội nhiệm kỳ 1983 - 1992; Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội; Trưởng Ban cán sự các Trường Đại học của Thành ủy Hà Nội. Nhà giáo Trần Thị Nhị Hường là đại biểu Quốc hội các khoá V, khóa VII, khóa VIII, kéo dài 12 năm không liên tục, trong đó nhiệm kỳ Quốc hội khóa V chỉ kéo dài 1 năm. Cô là Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội.

3. Nhà giáo Lê Duy Thước

Nhà giáo Lê Duy Thước sinh năm 1918 tại Nghệ An. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1945, thầy làm Chánh Văn phòng Bộ Thanh niên. Năm 1950, nhà giáo lê Duy Thước là Phó Đổng lý Văn phòng bộ Canh Nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Năm 1951, thầy học tập tại Liên Xô và năm 1955 tiếp tục về công tác tại Bộ Nông nghiệp. Năm 1958, nhà giáo Lê Duy Thước trở thành đại biểu tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN(SEV) ở Mát-xcơ-va. Năm 1964, thầy là Uỷ viên uỷ ban Kế hoạch - Ngân sách của Quốc hội. Từ 1976 đến 1983, thầy Lê Duy Thước là Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I – nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông được phong học hàm Giáo sư đợt đầu năm 1980, danh hiệu Nhà giáo nhân dân và được coi là "Ông tổ" của ngành khoa học Đất Việt Nam. Cụm công trình “Điều tra, phân loại, lập bản đồ đất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” của thầy cùng các cộng sự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 trong lĩnh vực Khoa học Nông nghiệp.

leftcenterrightdel

 GS.TS.NGND Lê Duy Thước – Phó Giám đốc (1959-1960),

Hiệu trưởng (1976-1983)

4. Nhà giáo Vũ Tuyên Hoàng

Nhà giáo Vũ Tuyên Hoàng sinh năm 1939 tại Hà Nội, là con trai nhà văn, nhà nghiên cứu văn học hiện đại và văn học dân gian Việt Nam Vũ Ngọc Phan với nhà thơ Hằng Phương; là giáo sư, tiến sĩ khoa nông nghiệp xuất sắc, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên bang Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Thế giới đang phát triển, Đông Nam Á với nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, giải thưởng Lúa Thế giới… Cuộc đời, sự nghiệp của giáo sư Vũ Tuyên Hoàng gắn bó với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1955 đến năm 1960 ông học tập tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội; từ năm 1961 đến năm 1968 là giảng viên, sau đó giữ chức trưởng Bộ môn Di truyền chọn giống cây trồng trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Nhà giáo Vũ Tuyên Hoàng giữ nhiều chức vụ: Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp, Uỷ viên Hội đồng Giải thưởng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII và VIII, uỷ viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khoá VIII, XI và XII, kéo dài không liên tục 14. Mới đây, ông được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

leftcenterrightdel
 Nhà giáo Vũ Tuyên Hoàng
 

5. Nhà giáo Lương Định Của

Nhà giáo Lương Định Của sinh năm 1920 tại tỉnh Sóc Trăng, mất năm 1975 là một nhà nông học, nhà tạo giống cây trồng. Thầy từng học tại các trường y khoa và kinh tế tại Hồng Kông và Thượng Hải Trung Quốc, tuy nhiên lại có nhiều gắn bó với đất nước Nhật Bản - từng học tại trường Đại học Quốc lập Kyushu, có vợ là người Nhật Bản, bà Nubuko Nakamura - từng làm phát thanh viên tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà giáo Lương Định Của từng là Phó giám đốc trường Đại học Nông Lâm/Học viện Nông Lâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Thầy là một trong số những nhà trí thức yêu nước đã từ bỏ vị trí công tác tại nước ngoài trở về đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà giáo Lương Định Của là đại biểu Quốc hội các khóa II đến khóa IV, liên tục trong 15 năm (từ năm 1960 đến năm 1975 ).Với các đóng góp lớn lao của mình, nhà giáo, nhà khoa học Lương Định Của được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996 (cùng đợt với Giáo Sư Bùi Huy Đáp, Giám đốc đầu tiên của Học viện Nông Lâm/Đại học Nông lâm, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập một giải thưởng mang tên Lương Định Của. Tên của ông hiện được đặt cho một con đường ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh và một con phố ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội và Trung tâm thông tin Thư viện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Bức tượng nhà giáo Lượng Định Của phía trước Trung tâm Thông tin - Thư viện Lượng Định Của


                                                
Ban CTCT&CTSV