Hiện nay, nỗi lo thất nghiệp đang ám ảnh nhiều người, nhưng nó không ám ảnh nhiều nghề. Có những ngành học “hot” và nghề thời thượng, như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng... lại là những ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc ra trường phải làm trái ngành. Trong khi có những ngành nghề “bị chê” thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, lại có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Vì thế, nghề nông không thể mất đi mà sẽ phát triển hơn và còn phát triển hơn thế nữa.

 

Hiểu đúng đắn hơn về Nông nghiệp 

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp có thể kết hợp với các ngành khác để đẩy nhanh tăng trưởng, giảm nghèo và bảo tồn môi trường.



Vai trò gốc rễ của nông nghiệp đối với mọi nền văn minh của nhân loại cũng thể hiện qua ngôn ngữ: nông nghiệp - agriculture trong tiếng Anh và Pháp có culture, tức văn hoá trong tiếng Anh và cả hai nghĩa văn hoá và trồng trọt trong tiếng Pháp. Câu nói của cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac cách đây 10 năm vẫn nguyên giá trị: "Không thể có cuộc sống nếu không có đất đai, đất đai nuôi dưỡng con người. Không thể tách rời nhân văn (culture humaine) và cày cấy (culture de la terre)".

Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là ngành trồng trọt ngũ cốc (crops/cereals husbandry) mà tự thân đã bao hàm một chuỗi giá trị liên hoàn của nhiều ngành khác nhau như nương rẫy và rau quả (horticulture), trồng hoa (floriculture), thủy sinh (hydroponics), chăn nuôi (livestock/animal husbandry),  v.v., chưa kể còn liên quan chặt chẽ với các ngành kỹ nghệ như kỹ nghệ chế biến thức ăn gia súc (animal feed industry) và trích ly dầu thực vật (solvent extraction industry), và giữ vai trò quan trọng trong các chương trình trồng cây gây rừng (afforestation), trồng cây gây rừng tái lập (reforestation), và nuôi trồng thủy sản (aquaculture), v.v. 



Tổng quan về việc làm ngành Nông nghiệp trên toàn thế giới 

Hai phần ba giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp thế giới đang được tạo ra ở các nước đang phát triển. Tại các quốc gia này, nông nghiệp chiếm trung bình 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giải quyết vấn đề việc làm cho 65% lực lượng lao động. Ở các nước công nghiệp tiên tiến nông dân chỉ còn lại khoảng 6% dân số nhưng vẫn có thể nuôi sống toàn bộ xã hội và xuất khẩu nông sản. Họ có thể canh tác từ vài chục đến vài trăm héc-ta bằng máy móc nông nghiệp và có năng suất lao động rất cao.

Công nghiệp hóa là xu hướng chung trên thế giới, các nước đã thành công với công nghiệp hóa thường diễn ra theo một kịch bản là, ban đầu công nghiệp hóa lấy nguồn lực từ nông nghiệp, sau khi đã thành công thì công nghiệp sẽ quay lại “trả nợ”, đền bù cho nông nghiệp dưới hai hình thức: tạo việc làm cho lao động nông thôn, và trợ cấp cho nông nghiệp. Nước Mỹ có diện tích đất rộng rãi, điều kiện rất tốt cho phát triển nông nghiệp, thế nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 5% GDP, và chiếm 2% lao động toàn xã hội. Nhờ nguồn thuế khổng lồ của các ngành khác, họ dành 10% để bù đắp cho nông nghiệp. Nông nghiệp hiện là một trong những ngành dễ kiếm học bổng nhất cho sinh viên tại Mỹ. 

Ngành Nông nghiệp tại Việt Nam và cơ hội việc làm cho những ai đam mê ngành này

Theo Ông Paul Deane – chuyên gia kinh tế lĩnh vực nông nghiệp, bộ phận nghiên cứu thuộc Ngân hàng ANZ toàn cầu- trong một cuộc gặp với các khách hàng tổ chức của ANZ tại TPHCM mới đây đã phát biểu: “Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ngàn vàng với ngành nông nghiệp Việt Nam. Đây là thời điểm chúng ta cần nắm bắt”.

Một trong những yếu tố đem lại cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp là giá nông sản trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh từ năm 2013. Ông Herur Vinayak, trưởng bộ phận quan hệ khách hàng tổ chức tín dụng của Ngân hàng ANZ cho rằng đây là thời điểm vàng cho Việt Nam cất cánh về ngành nông nghiệp bởi những ưu thế không nước nào có: dân số vàng, khí hậu nhiệt đới, lực lượng lao động đông đúc và văn hóa nông nghiệp truyền thống.

Là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế từ các sản phẩm nhiệt đới nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực, làm động lực cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, sản phẩm có khả năng cạnh tranh thì việc đầu tư vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết. Nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp ở Việt Nam đang chiếm lực lượng lao động lớn nhất (xấp xỉ 50%) nhưng thiếu lao động có trình độ.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, mỗi năm cả nước cần tới trên 1 triệu lao động, nhưng đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp, nông thôn chỉ có khoảng 9% có trình độ đại học, cao đẳng; 39,4% trung cấp và 9,8% sơ cấp... Trước đây, một số ngành học thuộc khối nông nghiệp không hấp dẫn nhưng tương lai đây sẽ là nghề tạo ra cơ hội việc làm lớn nhất.



Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì: các ngành nông học, thú y, môi trường, chăn nuôi, quản lý đất đai hiện đang rất thiếu nhân lực so với nhu cầu xã hội, khi các em chưa ra trường đã có các công ty lớn đặt hàng. Hàng năm Học viện đều tổ chức Ngày hội việc làm nhằm đáp ứng nguyện vọng tìm kiếm việc làm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đồng thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp theo phương châm “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Học viện – Doanh nghiệp và người lao động”. Trong Ngày hội việc làm 2016 được tổ chức tại Học viện, đã có 62 doanh nghiệp đặt hàng và tuyển dụng 3432 chỉ tiêu lao động (ngoài ra còn có các doanh nghiệp tuyển dụng không giới hạn chỉ tiêu). Như vậy có thể thấy rằng, nghề nông – không bao giờ lo đói hay thất nghiệp, mà là nghề dễ xin việc làm, sinh viên các ngành này cũng có nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai.