Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là một trong những yếu tố cốt lõi trong việc xoá đói giảm nghèo, cùng với tạo việc làm và giữ gìn hệ sinh thái ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, nó còn là nguồn cung quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, từ việc giảm nghèo ở các nước đang phát triển đến đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho các nước phát triển. Chẳng những thế, ngày nay, các phương pháp canh tác truyền thống và mô hình sản xuất ở các nước đang phát triển còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Mặt khác, để đánh giá sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ cũng như để xây dựng chính sách phát triển một cách hiệu quả, cần xem xét mạng lưới giao dịch của người nông dân mà trong đó thương lái là một trong những mắc xích quan trọng nhất, đóng vai trò trung gian giữa nông dân và nơi tiêu thụ (siêu thị, doanh nghiệp chế biến, v.v.).

Xuất phát từ thực trạng đó, từ năm 2020 cho đến nay, dự án “Mạng lưới thu mua nông sản ở Việt Nam” được nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên của Bộ môn Xã hội học (Khoa Khoa học xã hội) kết hợp với Trung tâm Sinh thái nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hợp tác với Đại học De Monfort, Vương quốc Anh thực hiện với mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hệ thống phân phối nông sản, cụ thể là mặt hàng rau, định lượng khả năng thích ứng của mạng lưới thu mua nông sản, tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự kém phát triển của mạng lưới thu mua nông sản, từ đó đề xuất các biện pháp cho các tác nhân trong mạng lưới.

Việc hình thành cũng như khả năng phục hồi của mạng lưới giao dịch trong mua bán và sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn định. Mặt khác, trong khi các mối quan hệ xã hội của người nông dân cho thấy khả năng ảnh hưởng lên các hành vi mua bán của người nông dân, hình thành mối quan hệ với thương lái, nghiên cứu về các yếu tố hành vi của người nông dân chỉ xoay quanh việc áp dụng các biện pháp, ứng dụng công nghệ trong canh tác hay mua bảo hiểm bảo hộ. Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi phân tích cũng như đánh giá khả năng phục hồi mạng lưới mua bán nông sản ở ba xã khác nhau ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các yếu tố hành vi, cụ thể là mức độ lo ngại rủi ro, thị hiếu về thời gian và vai trò giới tính có khả năng tác động lên việc hình thành cấu trúc mạng lưới cũng được phân tích.

Khảo sát được thực hiện ở ba xã là Vân Hội (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), và thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Trong khi Vân Hội và Văn Đức thuộc vùng ven đô thị của hai thành phố Vĩnh Phúc và Hà Nội, Phạm Trấn thuôc khu vực nông thôn xa thành phố. Trồng trọt, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính đã tồn tại ở ba xã này hơn ba mươi năm. Thông tin về nhân khẩu học, các loại rau được trồng, thu nhập từ trồng trọt được thu thập từ mẫu dữ liệu gồm 176, 180 và 123 hộ gia đình ở Văn Hội, Văn Đức và Phạm Trấn. Bên cạnh đó, các hình thức, chiến lược mua bán, mối quan hệ với người mua cũng như các yếu tố hành vi cũng được khảo sát.

Kết quả phân tích và đánh giá cho thấy tính đa dạng trong mạng lưới mua bán ở ba xã, tuy nhiên, nhìn chung khả năng phục hồi của mạng lưới mua bán nông sản ở nông thôn Việt Nam còn kém. Trung bình, mỗi hộ gia đình không bán nông sản cho hơn hai thương lái. Đặc biệt, quan hệ giữa nông dân và thương lái đã kéo dài trung bình hơn mười năm, và thương lái thường xuyên đến thăm nơi canh tác. Mỗi thương lái ở Văn Đức và Vân Hội hợp tác với ít hơn mười hộ gia đình. Ở Văn Đức, hơn một nửa hộ gia đình được khảo sát bán nông sản cho một thương lái duy nhất và hơn ba phần tư hộ chỉ bán nông sản qua một kênh thương mại (thương lái, hoặc hợp tác xã, hoặc chợ địa phương). Ngược lại, ở Vân Hội, trung bình mỗi hộ gia đình mua bán với hơn hai thương lái và thông qua nhiều kênh khác nhau. Do đó, so với Văn Đức, mạng lưới mua bán ở Vân Hội có khả năng phục hồi tốt hơn. Mạng lưới mua bán ở Phạm Trần (với tổng số thương lái hoạt động là tám, nhỏ hơn đáng kể so với hai xã trên) như trường hợp trung gian của hai trường hợp trên. Ở Phạm Trấn, mạng lưới mua bán được chi phối bởi chủ yếu ba thương lái mà trong đó mỗi thương lái có có khả năng thu mua nông sản của hơn 50 hộ.

Giới tính và tính lo ngại rủi ro là hai trong ba yếu tố cho thấy khả năng tác động tiêu cực đến việc mở rộng mối quan hệ cũng như đối tác của nông dân. Nam giới thường là chủ gia đình, nhờ vào các hoạt động bên ngoài mà có thể có nhiều mối quan hệ. Trong khi đó, nữ giới thường chịu trách nhiệm với công việc nhà. Chúng tôi nhận thấy rằng người vợ tham gia vào hầu hết các quyết định mua bán trong gia đình. Ở Vân Hội và Văn Đức, các hộ gia đình mà người chồng quyết định việc bán cho thương lái dường như hợp tác với nhiều thương lái hơn so với những hộ gia đình mà quyền bán được thực hiện bởi vợ hoặc cả hai vợ chồng. Điều này xuất hiện rõ nét hơn ở Phạm Trần, mặc dù chỉ có một số nhỏ hộ gia đình việc bán cho thương lái được thực hiện bởi người chồng. Đặc biệt, dựa trên phân tích hồi quy, chỉ ở Phạm Trần cho thấy kết quả có ý nghĩa thống kê. Do đó, có sự đa dạng trong mối liên hệ giữa giới tính của người quyết định bán và số lượng thương lái mà mỗi hộ gia đình tương tác.

Tương tự, chúng tôi cũng đánh giá ảnh hưởng của mức độ lo ngại rủi ro và thị hiếu về thời gian của người được phỏng vấn đối với việc hình thành mua bán và mạng lưới giao dịch. Biểu đồ phân bố số lượng thương lái dựa trên mức độ lo ngại rủi ro của người được phỏng vấn cho thấy những cá nhân không thích rủi ro có ít khả năng phụ thuôc chỉ duy nhất một thương lái, nhưng cũng không tương tác với nhiều hơn ba thương lái. Điều này phù hợp với các hộ gia đình không thích rủi ro muốn đa dạng việc mua bán (không dựa vào chỉ một thương lái) nhưng thận trọng việc thay đổi các mối quan hệ (dẫn đến việc không hợp tác với rất nhiều thương lái). Chúng tôi cũng thấy rằng những người có tính trì hoãn công việc (so với những người cố gắng hoàn thành công việc ngay lập tức) trong khảo sát về thị hiếu thời gian có nhiều khả năng phụ thuộc vào một thương lái. Sự trì hoãn thường tạo ra sự chậm chạp trong thay đổi. Phân tích hồi quy cho thấy chỉ ở Vân Hội, nơi mà mạng lưới mua bán với khả năng phục hồi cao nhất trong ba xã, những người không thích rủi ro tương tác với ít thương lái hơn. Khả năng phục hồi kém của mạng lưới ở Phạm Trấn và Văn Đức có thể là do các yếu tố địa lý, văn hóa và lịch sử tạo ra những hạn chế mà dẫn đến việc thái độ lo ngại rủi ro ít liên quan hơn trong việc hình thành mạng lưới. Ở Vân Hội, ngược lại, chúng tôi thấy rằng những người không sợ rủi ro tìm kiếm cơ hội giao dịch nhiều hơn. Điều này sẽ tăng khả năng phục hồi mạng lưới. Nhìn chung, tính lo ngại rủi ro có ảnh hưởng đến mạng lưới mua bán hơn là thị hiếu về thời gian.

leftcenterrightdel
 

Dựa trên kết quả nghiên cứu mà mạng lưới giao dịch ở ba xã có khả năng phục hồi kém, cùng với bằng chứng thực nghiệm cho thấy ảnh hưởng của yếu tố hành vi và giới tính, chúng tôi tin rằng áp dụng công nghệ giám sát là một giải pháp tiềm năng. Công nghệ giám sát cho phép người nông dân ghi lại những công đoạn chăm sóc cây trồng trên điện thoại cầm tay một cách đơn giản và tiện lợi, mà có thể giúp giảm rủi ro trong thực hiện hợp đồng và thời gian đi lại giám sát của thương lái. Do đó, nó có thể góp phần cung cấp một lộ trình giúp đơn giản hoá mối quan hệ giữa thương lái và nông dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích việc sử dụng bảo hiểm cho các rủi ro phát sinh, đảm bảo ổn định nguồn thu nhập cho nông dân.

Nguyễn Thị Thu Hà – Khoa Khoa học xã hội