Ngày hội bầu cử 23 tháng 5 năm 2021 đến gần, cử tri của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung tại khu vực bầu cử hoặc tại địa điểm cách ly để thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử thiêng liêng của mình thông qua lá phiếu bầu cử. Để lá phiếu bầu cử thực sự là lá phiếu trách nhiệm, lá phiếu niềm tin, bài viết này giới thiệu các thông tin căn bản về lá phiếu bầu cử để cử tri biết và thực hiện hiệu quả việc viết và bỏ phiếu bầu cử.

 
leftcenterrightdel
 

Thứ nhất, về phiếu bầu cử:

Phiếu bầu cử do Tổ bầu cử cấp cho cử tri, có dấu. Do vậy cử tri không cần tự mình chuẩn bị trước phiếu bầu, không cần mang bất kỳ giấy tờ gì đến nơi bỏ phiếu mà nhận phiếu từ thành viên Tổ bầu cử tại khu vực bỏ phiếu, và đó là phiếu đã có dấu của Tổ bầu cử để bảo đảm tính pháp lý, tính quyền lực của lá phiếu.

Mỗi cử tri có một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Như vậy các cử tri trên cả nước sẽ có tổng số 4 phiếu bầu gồm: phiếu bầu đại biểu Quốc hội, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và tương đương, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và tương đương, phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và tương đương. Riêng cử tri tại 177 phường thuộc các Quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội không có phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân phường (cấp xã) nên chỉ có 3 phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (cấp tỉnh) và đại biểu Hội đồng nhân dân quận (cấp huyện). Đặc biệt, cử tri tại các quận, thành phố nội thuộc thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng chí có 2 phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân thành phố (cấp tỉnh) mà không có phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân quận, thành phố thuộc thành phố (cấp huyện) và đại biểu Hội đồng nhân dân phường (cấp xã).

Thứ hai, về viết phiếu bầu cử:

Cử tri tự mình viết vào phiếu bầu cử của mình; Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử để bảo đảm lá phiếu chỉ thể hiện ý chí của cử tri và cử tri được tự do ý chí trong việc lựa chọn ứng cử viên mà mình tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật, bị cách ly không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị, chỗ cách ly của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri đang bị tạm giam, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện hoặc đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Cử tri viết hỏng phiếu thì được yêu cầu Tổ bầu cử đổi phiếu bầu khác.

“5K” phiếu bầu cử hợp lệ:

KHÔNG gạch tên tất cả ứng viên trên phiếu bầu

KHÔNG để lại tên tất cả ứng viên trên phiếu bầu

KHÔNG để lại nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu của đơn bị bầu cử

KHÔNG ghi bổ sung tên ứng cử viên khác vào phiếu bầu

KHÔNG viết, vẽ chữ, hình, đánh dấu… vào phiếu bầu

Thứ ba, về bỏ phiếu bầu cử:

Cử tri tự mình bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, kể cả trường hợp nhờ người khác viết hộ phiếu bầu. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Cử tri là cán bộ, viên chức, người học Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng thực hiện đúng đắn các nội dung liên quan đến lá phiếu bầu cử để góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong Ngày hội non song 23 tháng 5 năm 2021!

                                                                                                           

Ban CTCT&CTSV