Hôm nay, tròn 135 năm kể từ ngày Hồ Chí Minh ra đời, cả dân tộc Việt Nam thành kính tưởng nhớ Người. Dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn dành tình cảm thiêng liêng và sâu đậm đối với Người - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/05/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước. Năm 1911, Người đã rời Tổ quốc sang các nước phương Tây để tìm đường giải phóng dân tộc, đến nhiều nước trên khắp 5 châu. Năm 1919, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến hội nghị Vesailles bản yêu sách đòi quyền tự do của nhân dân Việt Nam. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp. Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội ra báo Người cùng khổ (Le Paria).
    |
 |
Bức ảnh chụp Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua vào năm 1920. Bác là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Sưu tầm) |
Tháng 10/1923, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng quốc tế nông dân. Năm 1924, Người tham gia Quốc tế Cộng sản lần thứ V, đại hội Quốc tế Cộng sản thanh niên lần thứ IV, đại hội quốc tế Công hội đỏ. Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên. Mùa xuân năm 1930, Người chủ trì Người chủ trì hội nghị thành lập Đảng tại Cửu Long (Trung Quốc). Tháng 6/1931 Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Năm 1933, Người được trả tự do. Từ năm 1934-1938 Người nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các vấn đề về dân tộc thuộc địa tại Matxcova. Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc.
Ngày 28/01/1941, Người về nước sau hơn 30 xa Tổ quốc. Tháng 5/1948, Người triệu tập hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tháng 8/1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh, Người bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam và được trả tự do vào tháng 9/1943. Tháng 9/1944, Người trở về Việt Nam tại căn cứ Cao Bằng. Tháng 5/1945, Người về Tân Trào (Tuyên Quang) để tổ chức hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp và quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
    |
 |
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử. (Ảnh: Sưu tầm) |
Tháng 8/1945, Người và Đảng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đã đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Đại hội lần thứ 2 của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo làm nên chiến thắng vẻ vang Điện Biên Phủ (1954).
    |
 |
Bác Hồ với chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (Ảnh: Sưu tầm) |
Tháng 9/1960, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III bầu Người làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện sự nghiệp cách mạng trong điều kiện đất nước có chiến tranh, xây dựng bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Người từ trần, để lại cho dân tộc Việt Nam một bản Di chúc lịch sử. Vào mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện được mong ước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1987, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Tháng 5 – Nhớ về Bác
Mỗi độ tháng Năm về, trong lòng mỗi người con đất Việt lại dâng lên niềm xúc động thiêng liêng khi nhớ tới ngày sinh của Người. Năm nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta long trọng kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025) – một dấu mốc quan trọng để chúng ta cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức, phong cách mẫu mực của Bác Hồ kính yêu.
    |
 |
Các chiến sĩ xuất sắc đại diện các đơn vị vừa chiến thắng ở Điện Biên Phủ được cử về Việt Bắc mừng thọ Bác Hồ nhân ngày sinh của Người, 19/5/1954. (Ảnh: Sưu tầm) |
    |
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969. (Ảnh: Sưu tầm) |
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ cũng là dịp để mỗi người dân Việt Nam tự soi lại mình trong tấm gương đạo đức, phong cách, tư tưởng của Người. Đó là tấm gương của một con người sống thanh bạch, khiêm nhường, gần dân, yêu dân, suốt đời vì nước, vì dân. Đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với thế hệ hôm nay và mai sau: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”.
Cùng nhân dân cả nước, cán bộ, viên chức, người lao động, người học Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành kính nhớ về Người và nhớ tới lần Bác Hồ về thăm Học viện ngày 24 tháng 5 năm 1959 cùng lời dạy “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”. Nhưng trong những ngày Tháng 5 - nhớ về Bác này, không chỉ nhớ về quá khứ với những ngày kỷ niệm, cán bộ, viên chức, người lao động, người học Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn ra sức giảng dạy, công tác, học tập hướng tới Đại hội hội Đảng bộ Học viện dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 6 năm 2025. Đại hội sẽ hoạch định con đường phát triển tiếp lên tầm cao mới của Học viện, để cùng với dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình. Bằng cách đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện di huấn “để tiến bộ mãi’ khi Bác về thăm cách 66 năm về trước.
    |
 |
Chủ tịch Hồ chí Minh ghi sổ vàng truyền thống của Học viện khi về thăm Học viện ngày 24/5/1959 |
Ban CTCT&CTSV