Vừa qua, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trúng cử Đại biểu quốc hội khóa XIV tại cụm bầu cử số 6 thuộc các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Thường Tín. Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng như cá nhân PGS.

Đáp lại sự tin tưởng của cử tri đối với cá nhân PGS nói riêng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để thực hiện những chương trình hành động đã trình bày tại các buổi tiếp xúc cử tri địa phương, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan cùng nhóm chuyên gia là các nhà khoa học, giảng viên, lãnh đạo các khoa, ban của Học viện đã tiến hành khảo sát cụ thể thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp tại một số xã thuộc các huyện trên.

Đoàn đã có những buổi trao đổi cởi mở với lãnh đạo các huyện, xã về đặc điểm kinh tế xã hội, thuận lợi và khóa khăn của từng địa phương trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất kinh doanh tại các làng nghề. Đoàn cũng đi thăm quan thực tế các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh của các hộ dân. Thông qua đó, đoàn công tác có cơ hội nắm bắt thực tế, lắng nghe các nhu cầu, mong mỏi của người sản xuất, kinh doanh cũng như tìm hiểu chính sách phát triển của từng địa phương.

Thực tế tại khảo sát cho thấy, đa phần các địa phương chưa có quy hoạch tổng thể cho sản xuất tập trung, chưa có sự định hướng cụ thể và thực sự đúng hướng cho việc chọn lựa các mô hình, giống cây, con, và chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nông sản và thương mại hóa các sản phẩm của địa phương. Thiếu khâu kiểm nghiệm, đánh giá cụ thể các giống cây, con nào phù hợp với từng vùng và cho năng xuất cao, dễ thương mại hóa ra thị trường. Việc chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ đan xen tại các hộ dân dẫn đến tình trạng môi trường sống bị ảnh hưởng, việc xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất thấp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất cũng hạn chế, đa phần bà con tự áp dụng các kỹ thuật theo kinh nghiệm.

Theo lãnh đạo địa phương cho biết, các huyện đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ về quy trình, kỹ thuật sản xuất, giải pháp để đảm bảo môi trường, định hướng quy hoạch nông thôn mới; có cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học đồng hành cùng địa phương trong quá trình sản xuất và thương mại sản phẩm. Địa phương cũng bày tỏ mong muốn được Học viện Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, khảo nghiệm giống… để giúp địa phương lựa chọn và chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất.

Về phía Học viện, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan cùng Ban giám đốc, Hội đồng Học viện và các nhà khoa học cũng thống nhất sẽ hỗ trợ các huyện thông qua xây dựng một dự án tổng thể nhằm mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp ngoại thành Hà Nội theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, phát triển sản xuất bền vững hơn, bảo vệ môi trường. Dự án dự kiến bao gồm 6 nội dung chính:

1. Quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp

2. Chuyển giao khoa học công nghệ trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản

3. Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường

4. Cơ giới hóa sản xuất

5. Công nghệ sau thu hoạch và chế biến

6. Quản lý sản xuất và thị trường

Ngoài ra, Học viện sẽ có chính sách ưu đãi cho NCS, học viên Cao học là cán bộ của địa phương cử đi học đồng thời sẽ mở các lớp tuận huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con.

Một số hình ảnh 


Khảo sát thực tế mô hình chăn nuôi thủy sản tại huyện Ứng Hòa


Thăm quan trang trại chăn nuôi lợn của hộ gia đình


Trao đổi với lãnh đạo xã Trầm Lộng


Làm việc với Huyện Ứng Hòa