Trong báo cáo tham luận tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 và 10 năm thi hành Luật HTX của tỉnh ủy Sơn La, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 745 HTX, 257 tổ hợp tác và 6 liên hiệp HTX, trong đó có 169 HTX phát triển và duy trì 204 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 49 HTX có sản phẩm OCOP; 196 chuỗi sản xuất được xây dựng và duy trì, trong đó có 171 chuỗi được hỗ trợ là HTX nông nghiệp. Con số này tăng lên 848 HTX cuối năm 2022, trong đó có trên 680 HTX nông nghiệp, số chuỗi cung ứng tăng lên 250 chuỗi, toàn tỉnh đã có 109 sản phẩm OCOP. Mặc dù sau 5 năm thực hiện đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được thực hiện thành công và hoạt động mang lại hiệu quả cả mặt kinh tế và xã hội như ý tưởng kinh doanh từ sản phẩm nông sản đặc trưng ở địa phương của HTX Tuổi trẻ 26/3; Ý tưởng tận dụng các loại rác thải như bã cà phê, lõi ngô, nước thải cà phê để chăm sóc cây ăn quả của HTX hữu cơ Pa Cốp; Mô hình phát triển du lịch cộng đồng của HTX du lịch Ngọc Chiến, hay thành lập HTX để tạo công ăn việc làm cho bà con của HTX Tân Xuân 269. Tuy nhiên, số lượng HTX khởi nghiệp thành công, đạt hiệu quả còn rất hạn chế, tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả (khá và tốt) chỉ chiếm hơn 25,3%. Nguyên nhân chính là do thiếu thị trường đầu ra hay liên kết đầu ra còn lỏng lẻo và sự thiếu ổn định về giá bán sản phẩm.

Hiện nay, vấn đề khởi nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp gắn giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ trên địa bàn tỉnh Sơn La và chưa có nhiều mô hình thành công. Đặc biệt là khung pháp lý về khởi nghiệp HTX nông nghiệp chưa đầy đủ, đang thiếu cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù cho khởi nghiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu về thực trạng khởi nghiệp HTX gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản là một hướng đi mới cần được đánh giá đầy đủ để từ đó có các giải pháp cho khởi nghiệp HTX của tỉnh Sơn La.

Do đó, từ ngày 8 đến ngày 13/4/2024 nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp” Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Sơn La, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Sơn La thực hiện khảo sát về thực trạng hoạt động khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên địa bàn 4 huyện (Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La) của tỉnh Sơn La. Kết quả cho thấy, trong lĩnh vực trồng trọt HTX gắn với chuỗi cây ăn quả chiếm tỷ lệ lớn nhất, số còn lại là các HTX gắn với chuỗi rau, chè, cà phê, dược liệu; Lĩnh vực chăn nuôi thì đa số HTX gắn với chăn nuôi lợn, gà, ong; Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là HTX gắn với nuôi cá lăng, cá chép, cá trắm. Đa số HTX đã thực hiện cung ứng đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm và kiểm soát các hộ thành viên thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Tuy nhiên, số lượng HTX có liên kết đầu vào về giống, phân bón, cám… và liên kết đầu ra với thương lái, siêu thị, nhà hàng, doanh nghiệp… vẫn còn hạn chế.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh khảo sát của đoàn tại huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Thuận Châu và Mường La của tỉnh Sơn La


Trần Thị Thương -

Nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp”