Trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, vai trò của các chuyên gia IT Business Analyst (IT BA) ngày càng trở nên quan trọng và đang trở thành một nghề được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm với mức thu nhập tốt. IT Business Analyst đóng vai trò trung gian giữa nhóm kỹ thuật và Khách hàng. Công việc chính của IT BA tập trung vào việc tìm hiểu yêu cầu kinh doanh, phân tích quy trình, và chuyển đổi các yêu cầu đó thành các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho các dự án công nghệ thông tin. Bài viết này sẽ trình bày tổng quan về IT BA, vai trò, công việc, kỹ năng và những khó khăn thách thức của vị trí IT BA, cũng như cơ hội việc làm và xu hướng phát triển.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các tổ chức doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ vào tối ưu quản lý kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng cường hiệu quả công việc và nâng cao vị thế cạnh tranh. Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, việc áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động điều hành và giải quyết thủ tục hành chính đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Vì thế, nhu cầu thị trường đối với các chuyên gia công nghệ thông tin nói chung và IT Business Analyst tại Việt Nam đang ngày càng tăng.

Business Analyst (viết tắt BA) hay còn gọi là “Chuyên viên phân tích nghiệp vụ”. Họ không chỉ đơn thuần là cầu nối giúp truyền đạt yêu cầu của các bên liên quan mà còn là người chịu trách nhiệm phân tích nhu cầu và cải tiến quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. BA có thể nhìn nhận được hiện trạng của tổ chức và đề xuất nhiệm vụ cần làm để đạt được hiệu quả tốt hơn cho tổ chức đó. Họ làm việc chặt chẽ với phòng ban kinh doanh, giúp họ thay đổi chính sách công ty để phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. BA vẫn tồn tại ở mọi ngành nghề và lĩnh vực khác nhau như tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Đối với mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng vì vậy BA cần phải có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực mà họ phải làm việc.

Information Technology Business Analyst (viết tắt IT BA) là một “Chuyên gia phân tích nghiệp vụ lĩnh vực công nghệ thông tin”. Ngoài những kiến thức của BA, họ cần có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin. Nhiệm vụ của họ là tập trung vào việc khám phá yêu cầu, phân tích yêu cầu, xác định yêu cầu và viết tài liệu yêu cầu cho hệ thống phần mềm. IT BA là cầu nối giữa khách hàng và team phát triển phần mềm. IT BA hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và đề xuất các giải pháp kỹ thuật xây dựng ứng dụng công nghệ phù hợp với mục tiêu chiến lược của khách hàng.

1. Vai trò của IT Business Analyst trong dự án phần mềm

IT BA đóng vai trò là chuyên gia phân tích, giải quyết vấn đề xuyên suốt các giai đoạn triển khai dự án phần mềm. Đồng thời một IT BA sẽ phải gặp gỡ kết nối với rất nhiều người nên là cầu nối quan trọng để truyền đạt giữa các bên liên quan. Để hiểu rõ hơn vai trò của một IT BA trong dự án, chúng ta tìm hiểu cụ thể như sau:

leftcenterrightdel
 

Hình 1. Vai trò của IT BA trong dự án phần mềm

1.1. Vai trò IT Business Analyst với Quản lý khách hàng (Account Manager - AM)

Trong các dự án công nghệ thông tin, IT BA và AM là một mối quan hệ không thể tách rời và cần có sự giao tiếp thường xuyên để đảm bảo thông tin được chia sẻ kịp thời và chính xác. Nếu AM tập trung vào các khía cạnh phát triển khách hàng, chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với khách hàng để hợp tác kinh doanh và chăm sóc khách hàng thì IT BA sẽ tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật mà khách hàng đang gặp phải, từ đó phân tích và làm rõ các yêu cầu trên góc nhìn của một chuyên gia. Họ phải xác định được chi tiết giải pháp để giải quyết các vấn đề và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

1.2. Vai trò IT Business Analyst với khách hàng (Customer)

Mối quan hệ này giúp IT BA hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và chuyển đổi chúng thành các chức năng với trường hợp sử dụng cụ thể, tránh việc xây dựng sản phẩm sai hướng từ đó giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình phát triển và đảm bảo dự án được thành công.

1.3. Vai trò IT Business Analyst với đội ngũ phát triển (PM, PO, SA, Designer, Developer, Tester,...)

Vai trò của IT BA đối với đội ngũ phát triển rất quan trọng trong việc đảm bảo các yêu cầu của khách hàng được chuyển đổi thành các chức năng của hệ thống cụ thể, giúp đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng đáp ứng đúng yêu cầu và mang lại giá trị thực tế.

1.4. Vai trò IT Business Analyst với người dùng cuối (End User)

Người dùng cuối là người sử dụng trực tiếp hệ thống, họ hiểu rõ những khó khăn trong quy trình nghiệp vụ hằng ngày và vướng mắc quá trình sử dụng hệ thống để tác nghiệp. IT BA thực hiện tiếp nhận nhu cầu và hỗ trợ đào tạo người dùng cuối đặc biệt là khi triển khai hệ thống mới: Đào tạo hướng dẫn; Hỗ trợ kiểm thử; Thu thập yêu cầu cải tiến.

2. Công việc của IT Business Analyst

IT BA cần thực hiện nhiều công việc khác nhau trong suốt vòng đời của dự án phần mềm để đảm bảo dự án đạt được mục tiêu kinh doanh và đáp ứng yêu cầu của người dùng. Để làm tốt điều đó, chúng ta phải hiểu rõ các công việc cụ thể mà IT BA thường thực hiện trong một dự án. Các bước gồm: Lập kế hoạch triển khai; Khảo sát chi tiết; Xây dựng quy trình nghiệp vụ hệ thống; Phối hợp xây dựng mô hình kiến trúc hệ thống; Phân tích đặc tả yêu cầu; Phân tích đặc tả cơ sở dữ liệu; Thiết kế giao diện người dùng.

 

leftcenterrightdel
 

Hình 2. Công việc của IT BA

  

3. Kỹ năng cốt lõi của IT Business Analyst

Gồm: Lập kế hoạch và theo dõi tiến độ; Khai thác thông tin và kết nối; Quản lý vòng đời yêu cầu; Phân tích chiến lược; Phân tích và thiết kế; Đánh giá giải pháp (Solution Evaluation); Kiến thức về công nghệ; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng ngoại ngữ.

4. Khó khăn, thách thức của IT Business Analyst

Các Khó khăn, thách thức của IT Business Analyst gồm: Tiếp cận khách hàng; Phân loại dữ liệu và nguồn dữ liệu; Khó khăn, thách thức trong việc quản lý yêu cầu; Khó khăn, thách thức quản lý rủi ro; Khó khăn, thách thức rào cản ngôn ngữ.

5. Xu hướng nghề nghiệp BA trong lĩnh vực IT

5.1 Cơ hội nghề nghiệp

Trong những năm gần đây, ngành IT đang rất phát triển trên thế giới và Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhân lực tăng cao. Các tin tuyển dụng IT BA với mức lương cao xuất hiện nhiều nên người trẻ dần biết đến nghề này. Điều này cho thấy IT BA trở thành nghề "hot" trong thời đại chuyển đổi số. Theo khảo sát của các công ty việc làm hàng đầu VN như Vietnamworks, IT việc, v.v. Cơ hội nghề nghiệp của nghề IT BA khá  rộng mở. IT BA đang là vị trí được săn đón nhiều với đãi ngộ hấp dẫn của các Tập đoàn công nghệ và các ngân hàng lớn tại Việt Nam.  

Mức lương trung bình cho một Business Analyst level Junoir tại Việt Nam là khoảng 15-20 triệu VND/tháng. Tuỳ theo năng lực và kinh nghiệm mà mức lương có thể dễ dàng đạt ở mức 30-40 triệu VND/tháng cho các level như Senior.

5.2. Định hướng phát triển

Với sự ra đời của trí tuệ nhận tạo (AI) và ứng dụng học máy Machine Learning (ML) vào phát triển hệ thống công nghệ thông tin. IT BA cần phải cập nhật các kiến thức về ứng dụng AI và tự động hóa để tận dụng giá trị mang lại của chúng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp theo hướng Kỹ sư học máy (Machine Learning Enginee) hay Kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer).

Bên cạnh đó sự phát triển của hệ sinh thái đa hệ thống hay xu hướng Supper App đưa tới sự bùng nổ về khối lượng dữ liệu dẫn đến nhu cầu về phân tích và data visualization dữ liệu lớn (BigData), lưu trữ dữ liệu đám mây cũng là cơ hội để IT BA phát triển kỹ năng về việc phân tích giải pháp dữ liệu phục vụ định hướng nghề nghiệp Kỹ sư dữ liệu (Data Engineer), kỹ sư dữ liệu đám mây (Cloud Data Engineer), chuyên gia phân tích dữ liệu (Data Analyst) sau này.

Chi tiết bài tổng quan được đăng tải tại: https://fita.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2024/12/Tong_quan_-ITBA.pdf

6. Kết luận

IT BA có vai trò quan trọng trong sự thành công của các dự án Công nghệ thông tin và đã trở thành một “nghề”. Sự xuất hiện số lượng lớn các nhà tuyển dụng với mức thu nhập hấp dẫn cho vị trí IT BA đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các chuyên gia trong lĩnh vực này. IT BA là một nhánh phát triển tiềm năng cho sinh viên yêu thích công nghệ.

 Khoa Công nghệ thông tin