Trao quyền tự quyết và nâng cao năng lực nông hộ – đó là hai yếu tố quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả cho hoạt động của hợp tác xã.
leftcenterrightdel
 Dù số HTX tăng lên trong 20 năm qua nhưng số người tham gia HTX thì lại giảm đi.

Trong thư gửi điền chủ, nông gia Việt Nam ngày 11-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”1Khác với doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) là một tổ chức kinh tế-xã hội không có mục đích lợi nhuận tự thân mà nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu của xã viên thông qua việc cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra cho hoạt động kinh tế và đời sống của họ. Lời lãi thu được từ hoạt động dịch vụ cho xã viên được phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ và bổ sung thêm vào quỹ không chia của HTX, nâng cao sức mạnh tài chính của tổ chức này.

Đã qua rồi thời kì những năm 80, khi HTX trở thành nỗi ám ảnh không dễ xóa nhòa với chế độ làm việc “kẻng” ăn theo công điểm, ai không vào HTX là bị coi như phần tử không tán thành xã hội chủ nghĩa (XHCN), chống lại con đường tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Và nỗi lo tháng Ba ngày Tám (thời điểm gạo vụ trước đã ăn hết mà lúa vụ sau chưa gặt) với những trận đói kinh hoàng và liên miên nhưng vẫn phải “còng lưng” nộp đủ thuế cho HTX. Người ta có cảm giác là, HTX thời ấy không hẳn là một tổ chức kinh tế vì lợi ích của nông dân, vì lợi ích chung của làng xã, mà là một tổ chức chính trị lo quản lý tư tưởng của họ, được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nhiều khi là mệnh lệnh, cưỡng bức và áp đặt.2

Sau Đổi mới, thời thế thay đổi. HTX đã lấy lại được hình ảnh mới, sau khi Luật HTX 2003 và đặc biệt là Luật HTX 2012 ra đời, trao cho HTX nhiều quyền tự quyết hơn. Theo Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, số lượng hợp tác xã của cả nước hiện nay là hơn 17 nghìn với hơn một nửa là HTX Nông nghiệp, tăng 63,91% so với năm 2013. Trong đó, có hơn 40% HTX thực hiện đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định với số tiền lãi trung bình hơn 200 triệu đồng/năm.

Các ngân hàng nhà nước với các tuyên ngôn rổn rảng về sứ mệnh phục vụ kinh tế hợp tác, nhưng trên thực tế hình thức và thủ tục cho vay ít nhiều có nét của các hiệu cầm đồ, nên nông dân, nhất là nông dân nghèo, khó tiếp cận được nguồn vốn.

Tuy nhiên, đã có thể nói HTX là điểm tựa, là niềm tin, là niềm tự hào của nông dân? Câu trả lời là không. Thực tế, dù số hợp tác xã tăng lên thì số lượng thành viên trung bình của HTX nông nghiệp lại có xu hướng giảm dần. Ở thời điểm năm 2001, số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã nông nghiệp là gần 500 người, con số đấy giờ đây chỉ còn là 176.2 thành viên. Điều này cho thấy HTX nông nghiệp Việt Nam chưa thu hút được nông dân và điều đó là đi ngược với xu thế phát triển HTX nông nghiệp trên thế giới. Quy mô vốn và tài sản trung bình của một HTX nông nghiệp ở Việt Nam tuy tăng gấp đôi từ năm 2013 đến năm 2021, nhưng từ 800 triệu đến 1.6 tỉ đồng cho thấy đây vẫn là hai con số quá thấp và quá trình tích lũy vốn như vậy là khá chậm. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP ngày càng giảm sút, từ 10% vào năm 1995 xuống còn 3.6% vào năm 2021.

Có nhiều ý kiến cho rằng do người nông dân chưa nhận thức được vai trò và lợi ích của HTX nên chưa mặn mà với HTX. Tuy nhiên, lịch sử trong nhiều vấn đề đã chứng minh, nhận thức của người dân không hề thấp kém, nhất là khi những vấn đề đó có liên quan đến lợi ích thiết thân của họ. Mặc cho các báo cáo rất hay về số lượng HTX mới được thành lập, đa số các tổ chức này vẫn hoạt động kém hiệu quả trong việc cung cấp đầu vào và lo đầu ra cho người nông dân. Bản thân HTX cũng không thu hút được người trẻ và giỏi để quản lý tổ chức hiệu quả. Chưa đến 10% nông sản cả nước được tiêu thụ thông qua hợp tác xã. Nông dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống thương lái và các đại lý trong việc mua ‘đầu vào’ và bán ‘đầu ra’; hệ thống thông tin thị trường chưa phát triển và dễ bị lũng đoạn. Nhu cầu tín dụng một phần phải trông vào thị trường tài chính phi chính thức ở nông thôn (tín dụng đen); các ngân hàng nhà nước với các tuyên ngôn rổn rảng về sứ mệnh phục vụ kinh tế hợp tác, nhưng trên thực tế hình thức và thủ tục cho vay ít nhiều có nét của các hiệu cầm đồ, nên nông dân, nhất là nông dân nghèo, khó tiếp cận được nguồn vốn.

leftcenterrightdel
 Tế bào của HTX là nông hộ, nếu nông hộ không mạnh, thì Luật dù có tốt đến đâu, cũng không thể vực dậy được vị trí của HTX.

Luật Hợp tác xã: vừa chặt vừa lỏng

Một trong những điểm yếu của Luật HTX của Việt Nam đó là quy định chi tiết, chặt chẽ những yếu tố mang tính hình thức (hạn chế góp vốn, hạn chế thành viên) nhưng lại bỏ qua những giá trị cốt lõi, nguyên tắc quan trọng của hợp tác xã.

Theo Liên minh HTX quốc tế (ICA), HTX được định nghĩa là một liên minh tự chủ, do những cá nhân tự nguyện tham gia đồng sở hữu và điều hành một cách dân chủ để cùng đạt được nhu cầu chung về kinh tế, xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, Luật HTX chưa định nghĩa thế nào là “tự nguyện”, từ đó chưa thể đảm bảo thành viên của HTX mới là đối tượng sở hữu, quản lý và thụ hưởng lợi ích của HTX. Ngoài ra, Luật hiện nay chưa cho thấy HTX được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. “Chưa bình đẳng” ở đây thể hiện ở việc “nâng niu”, “chiều chuộng” thành phần kinh tế này theo kiểu “cào bằng”, cứ HTX là được hưởng ưu đãi chứ không dựa trên giai đoạn và hiệu quả hoạt động của HTX.

Hơn nữa, bản thân nhà nước cũng can thiệp vào việc hình thành và hoạt động của các HTX, khiến tổ chức này mất đi phần nào “tự chủ”. Đặt ra các “chỉ tiêu thi đua”, đưa cán bộ nhà nước tham gia quản lý HTX hay gượng ép các tiêu chí đậm tính “kế hoạch hóa” như đến giai đoạn này phải thành lập được một số hợp tác xã nhất định là những ví dụ.

Cần chấm dứt tình trạng coi HTXNN như một công cụ phục vụ cho bất kì mục tiêu quản lý nhà nước nào không gắn với lợi ích kinh tế của HTX.

Sự thiếu sót của Luật và méo mó trong quan niệm của những người thực thi không chỉ dẫn đến việc HTX không phát huy được thế mạnh của mình, chưa đủ hấp dẫn với nông hộ mà còn có nhiều HTX về bản chất không sinh ra từ mong muốn của nông dân mà từ ý chí chủ quan bên ngoài để hoàn thành chỉ tiêu, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Ví dụ, khảo sát HTX sản xuất lúa ở ĐBSCL năm 2016 cho thấy chỉ có 72% HTX thực sự có đóng góp vốn điều lệ, thậm chí có tỉnh chỉ có 2/10 HTX khảo sát có đóng góp vốn điều lệ. Ngoài ra, nhiều HTX được thành lập để thụ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước. Hay còn có những hợp tác xã về bản chất là doanh nghiệp gia đình, trong đó mọi quyền quyết định về hoạt động kinh doanh thuộc về người góp vốn nhiều nhất chứ không phải theo cơ chế “dân chủ”, “mỗi người một phiếu bầu”. Điều đó làm sai lệch sự hỗ trợ của nhà nước, không dành cho các HTX phục vụ hộ nông dân nhỏ, mà lại dành cho doanh nghiệp trá hình HTX.

Bởi vậy, luật sửa đổi trước hết cần tập trung đảm bảo HTX ra đời và hoạt động theo đúng những nguyên tắc cốt lõi như định nghĩa của tổ chức ICA. Còn những đặc điểm khác của hợp tác xã có thể nới lỏng để HTX phát triển, đặc biệt là mở rộng thành viên và tăng quy mô vốn. Điều này cũng đúng như tinh thần của Nghị quyết 20 “phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế – xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước”. Chẳng hạn, HTX có thể có thành viên không sử dụng dịch vụ. Thành viên này không chỉ có quyền biểu quyết tương đương với các thành viên khác mà còn có thể tham gia Hội đồng Quản trị (HĐQT) của HTX. Nhờ đó, HTX có thể thu hút chuyên gia giỏi hỗ trợ việc quản trị, xây dựng chiến lược phát triển. Tuy nhiên, tỉ lệ thành viên kiểu này trong hợp tác xã chỉ nên chiếm 40%, để đảm bảo thành viên sử dụng dịch vụ vẫn chiếm đa số quyền quyết định trong hợp tác xã. HTX nông nghiệp cũng nên được phép chuyển đổi thành doanh nghiệp nếu đa số thành viên đồng ý. Xã viên cũng có thể chuyển nhượng vốn cổ phần với sự đồng ý của HĐQT. Nhà nước không cần giới hạn tỉ lệ góp vốn tối đa cho mỗi thành viên (hiện đang quy định trong luật là 20%) nhưng phải đặt ra mức góp tối thiểu và bắt buộc mỗi thành viên phải góp vốn do điều lệ HTX quy định.

Quan trọng nhất, nhà nước không can thiệp trực tiếp mà hoạt động sản xuất kinh doanh phải do HTX quyết định, miễn là đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của các thành viên. Cần chấm dứt tính trạng coi HTXNN như một công cụ phục vụ cho bất kì mục tiêu quản lý nhà nước nào không gắn với lợi ích kinh tế của HTX. Để thực hiện được điều này cần quy định cán bộ quản lý nhà nước không tham gia quản lý HTX, HTX nông nghiệp không phải là một tổ chức để thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ của địa phương. Song hành với việc trao quyền tự quyết và tự chủ cho HTX, Luật cũng cần ngăn ngừa những hành vi trục lợi chính sách HTX. HTX cần phải có chính sách kế toán, kiểm toán riêng, tránh mọi trường hợp tạo điều kiện để các HTX có thể áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp. Hoạt động và tình hình tài chính của HTX phải được quy định công khai, minh bạch thông qua hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập và kiểm tra thuế.

leftcenterrightdel
 Nguồn: lsvn.vn

Cần đưa các chính sách liên quan đến dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh của HTX vào Luật HTX. Chẳng hạn như tạo thuận lợi cho thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; quy định mức vay không có tài sản bảo đảm phù hợp với mặc bằng chi phí sản xuất trong từng giai đoạn…Chính các quy định về vay ưu đãi đới với HTXNN và thành viên HTXNN mới có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và triệt tiêu tín dụng đen ở nông thôn chứ không phải là các biện pháp răn đe hình sự khác.

Cũng cần nhớ rằng, việc hỗ trợ các HTX phải dựa trên hiệu quả hoạt động chứ không phải theo đầu HTX như hiện nay. Hơn nữa, chỉ nên tập trung hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu để tạo đà, tránh tình trạng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước hoặc thậm chí là HTX thành lập ra chỉ để nhận hỗ trợ. Để làm được điều đó, cần phải phân giai đoạn và loại đối tượng được hưởng ưu đãi. HTX ở giai đoạn và ngành nghề khác nhau cần những hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn, HTX ở giai đoạn đầu có thể hỗ trợ phát triển sản phẩm, tài trợ kinh phí kiểm toán, không thu tiền sử dụng đất và thậm chí còn tài trợ 70% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất…Tuy nhiên, HTX ở giai đoạn sau, đã có sản phẩm rồi thì có thể chỉ cần hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại. Chính sách hỗ trợ nên gắn liền với điều kiện thụ hưởng. Theo đó, các hỗ trợ mềm như nâng cao năng lực có thể hướng tới tất cả các hợp tác xã. Nhưng các ưu đãi liên quan đến tài chính, cơ sở vật chất thì chỉ áp dụng với HTX cung ứng hơn 50% sản phẩm, dịch vụ cho thành viên.

Lợi nhuận thu được của HTX dùng để gia tăng tài sản không chia nhằm nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của xã viên, không nên chia theo vốn góp của họ. Vì HTX là một tổ chức đối nhân, mỗi xã viên dù góp vốn nhiều hay ít, cũng đều có một lá phiếu biểu quyết các vấn đề của HTX; nếu chia lợi nhuận hoàn toàn theo vốn góp thì HTX chẳng khác gì doanh nghiệp/công ty. Ngoài ra, HTX nông nghiệp cũng cần phải nộp các loại thuế như với doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng địa bàn và quy mô. Quy định này sẽ khuyến khích các HTX, để giảm tiền đóng thuế, sẽ chuyển lợi nhuận cho thành viên của mình thông qua việc cung cấp vật tư dịch vụ đầu vào với giá rẻ hơn giá thị trường và mua sản phẩm đầu ra từ thành viên với giá cao hơn giá thị trường.

Phát triển HTX phải xuất phát từ nâng cao năng lực của từng hộ nông dân. Vì thế, cuộc cách mạng lớn nhất sắp tới về tổ chức sản xuất nông nghiệp là phải giúp nông dân phát triển kinh tế trang trại.

Cốt lõi nằm ở năng lực nông hộ

Tuy nhiên, luật HTX chưa chặt chẽ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc HTX hoạt động kém hiệu quả. Thực tế cho thấy với kể cả luật HTX hiện nay, vẫn nhiều HTX “tự sống” được, phát triển tốt ở vùng Tây Nam Bộ (Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…). Các HTX này hoạt động theo phương châm thỏa mãn nhu cầu của thành viên trước, sau đó mới đến việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường (thu mua sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đầu vào) cho các hộ nông dân và khách hàng ngoài HTX để tìm kiếm thêm lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Xét cho cùng, tế bào của HTX là nông hộ, nếu nông hộ không mạnh, thì Luật dù có tốt đến đâu, cũng không thể vực dậy được vị trí của HTX. Việt Nam vươn lên sản xuất lớn, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hướng đến thị trường toàn cầu trên đôi chân vừa nhỏ bé vừa yếu ớt của kinh tế hộ gia đình, của nền kinh tế về cơ bản vẫn còn là tiểu nông. Thêm nữa, nông dân đang phải đối mặt với một loạt “nguy cơ”, “gánh nặng” mang tính thời đại như: nông dân mất ruộng, nông dân chán ruộng, chán chốn thôn quê, mất động lực trong sản xuất kinh doanh.

Phát triển HTX phải xuất phát từ nâng cao năng lực của từng hộ nông dân. Vì thế, cuộc cách mạng lớn nhất sắp tới về tổ chức sản xuất nông nghiệp là phải giúp nông dân phát triển kinh tế trang trại. Trang trại có thể được coi như một doanh nghiệp nông nghiệp, có quy mô lớn, đủ khả năng ứng dụng công nghệ cao và có khả năng cạnh tranh trên thương trường trong nước và quốc tế, đủ sức tạo ra nông sản hàng hóa với chi phí thấp nhất, đồng nghĩa với giảm phát thải khí nhà kính ở mức thấp nhắt, nhưng lại tối đa hóa lợi nhuận. Chính trang trại là nòng cốt trong lực lượng sáng lập và quản trị HTX, xây dựng mối liên kết theo chiều ngang cùng sản xuất một số loại nông sản hàng hóa, có nhu cầu chung trong việc sử dụng dịch vụ đầu vào và đầu ra. Nhờ đó, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh mới hình thành và phát triển bền vững, tạo nguồn nguyên liệu ổn định có chất lượng cao cho công nghiệp chế biến và thương mại nông sản.

Trong nông nghiệp, các chủ trang trại gia đình muốn mở rộng quy mô kinh doanh, buộc phải tích tụ ruộng đất thông qua cơ chế thị trường, chứ không phải HTX là ‘chủ công’ trong việc này. Vì, bản thân HTX không thực hiên các khâu sản xuất mang tính sinh học, mà là các trang trại nên HTX không có nhu cầu bức thiết về tích tụ ruộng đất, nhưng đây lại là nhu cầu và yêu cầu của các chủ trang trại để mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh3. Quyết định sự thành bại của công cuộc này phần lớn thuộc về chính sách và thái độ của nhà nước với đất đai của người nông dân. Bởi vậy, điều quan trọng là đẩy mạnh phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế xác nhận, chứng nhận và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp của các chủ trang trại, kinh tế hộ thông qua các HTXNN; rà soát quỹ đất công hiện có, tạo quỹ đất cần thiết cho các HTXNN thuê xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh.  
Nông dân chỉ bám ruộng khi nông sản được giá, nông sản chỉ có giá khi được người mua tin dùng. Chỉ khi HTX được dẫn dắt bằng các trang trại thì mới có thể quy tụ được nhiều nông dân nhỏ (liên kết theo chiều ngang) và đủ khả năng “làm bạn” với các doanh nghiệp lớn (liên kết theo chiều dọc), giúp nông sản hàng hóa của họ có thể mở rộng khắp thị trường toàn quốc, vươn tới thị trường toàn cầu. Nhờ thế, các hộ nông dân liên kết thực chất hơn trong việc tham gia vào các tổ hợp tác. Khi ấy, làm nông nghiệp là một nghề, làm nông nghiệp là kinh doanh nông nghiệp, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, trồng/nuôi cái gì hôm nay đã biết ngày mai bán ở đâu, bán cho ai, giá cả thế nào, bao gói ra sao…

Trao quyền cho nông dân và giúp họ tự nâng cao năng lực chính là chìa khóa thành công của các HTX kiểu mới. Mong là, Luật và các chính sách hỗ trợ HTX sắp tới sẽ hàm chứa điều đó, vì khi ấy HTX là của họ, từ họ và vì chính họ. □

——-

1Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, tập 4, tr.246.

2 Có thể tham khảo qua “Cái đêm hôm ấy đêm gì” bút ký của Phùng Gia Lộc trên Tuần báo Văn Nghệ ngày 23/01/1988, và “Bệnh sỹ” của Lưu Quang Vũ;

3 Có thể tham khảo trường hợp ở huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang: Toàn huyện có 36 ngàn ha, trong đó có khoảng 10% là người có ruộng từ 30-40ha đất; riêng xã Tây Phú có 70% dân ở huyện khác hoặc người ngoài tỉnh đến mua đất với số lượng lên đến hàng trăm công mẫu.

Theo Tia Sáng