Ngày 13/12/2022, Viện Kinh tế & Phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hoà Bình tổ chức hội thảo cấp quốc gia về “Giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hòa Bình” với sự tham gia của đại diện của cơ quan quản lý nhà nước các cấp về dược liệu và các tác nhân tham gia chuỗi giá trị dược liệu, đặc biệt là hợp tác xã và doanh nghiệp - tác nhân giữ vai trò dẫn dắt chuỗi.

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hòa Bình” do TS. Nguyễn Thị Minh Thu (Thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường,  Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện đề tài: 2021 - 2022.

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Minh Thu đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài như sau:

-      Trên cơ sở xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm về phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị, đề tài đã chỉ ra 11 bài học kinh nghiệm cho phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hòa Bình.

-      Tỉnh Hoà Bình có tiềm năng về quy mô diện tích, nguồn dược liệu bản địa, điều kiện sản xuất dược liệu dưới tán rừng, cải tạo vườn tạo và trên đồng ruộng theo vùng tập trung gắn với chuỗi giá trị. Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình các vùng trồng dược liệu tập trung đã có sẵn với tổng diện tích trên 1000 ha và quy mô dao động ở các địa phương từ 2 - 50 ha/vùng. Nguyên liệu dược liệu của tỉnh Hoà Bình đang được tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau (Bán buôn - bán lẻ; Ra ngoài tỉnh - Chế biến trên địa bàn tỉnh; Qua doanh nghiệp - HTX - Tư thương…);  trong đó mới có 67,74%  trong tổng số nguyên liệu được đưa vào chế biến, với 32% chế biến sâu. Tổng lợi ích tham gia theo chu kì kinh doanh thì tác nhân phân phối (gồm bán buôn và bán lẻ) đang chiếm giữ lợi ích cao nhất trong khi thời gian tham gia chuỗi ngắn, còn tác nhân sản xuất lại đạt lợi ích thấp nhất trong khi thời gian tham gia lại kéo dài nhất trong chuỗi.

-      Đề tài đã xây dựng 03 mô hình sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình theo hướng hoàn thiện mô hình bao gồm: (i) Trồng cà gai leo và xạ đen trên đồng ruộng của các hộ nông dân gắn kết với HTX Bảo Hiệu, HTX Yên Trị, DN dược Tuệ Linh và OPC. (ii) Trồng xạ đen cải tạo vườn tạp của các hộ nông dân gắn kết với HTX Yên Trị và Tập đoàn Xuân Khiêm (tỉnh Ninh Bình); (iii) Trồng dược liệu quý hiếm dưới tán rừng ở Đà Bắc và Mai Châu gắn kết với HTX Big farm, HTX Green và Tập đoàn BigFa. Các điều kiện thực hiện mô hình đã được xây dựng.

-      Nghiên cứu đã đề xuất 08 giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình để thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, bộ, sở ban ngành của tỉnh Hoà Bình, các doanh nghiệp và các HTX về sản xuất - chế biến dược liệu đã chia sẻ tham luận và ý kiến đóng góp tại hội thảo về: Bất cập của chính sách; Kết nối thị trường và thương mại hoá; Đầu tư chế biến sâu; Tổ chức vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn;  Kết hợp khai thác, bảo tồn và trồng mới dược liệu; Trình độ nhân lực tham gia trong chuỗi giá trị dược liệu…

Cuối cùng, các ý kiến tại hội thảo đã đi đến thống nhất để phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình cần tập trung vào các giải pháp sau: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách chung về phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị (bao gồm: Thị trường, vốn, KHCN, CSHT, đất đai và bảo tồn…); (ii) Điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng sản xuất dược liệu để phù hợp với xu hướng thị trường; (iii) Phát triển thị trường đầu ra cho dược liệu thông qua thu hút doanh nghiệp chế biến và thương mại đầu tư vào lĩnh vực dược liệu, thúc đẩy phát triển và thương mại hoá các sản phẩm dược liệu đạt OCOP; (iv) Tập trung hỗ trợ công nghệ sơ chế, chế biến sâu theo hướng hiện đại theo vùng (cụm) sản xuất; (v) Tăng cường liên kết và nâng cao năng lực nhận thức của các tác nhân trong chuỗi giá trị dược liệu, đặc biệt là tác nhân sản xuất và chế biến; (vi) Xây dựng mô hình quản lý cây dược liệu dựa vào cộng đồng nhằm hướng tới bảo tồn, tự kiểm soát quy trình sản xuất an toàn; (vii) Thử nghiệm trồng để xác định dược tính và mức độ phù hợp với đất của từng cây dược liệu, đặc biệt là dược liệu nhập ngoại; (vii) Điều kiện thực hiện và nhân rộng mô hình dược liệu dưới tán rừng, cải tạo vườn tạo và trên đồng ruộng theo vùng tập trung gắn với chuỗi giá trị.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh tại hội thảo

  

Nhóm NCM Liên kết kinh tế & Phát triển thị trường