Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông lâm được thành lập theo Nghị định số 53/NL – NĐ, ngày 12/10/1956, của Bộ Nông lâm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện luôn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu tiên tiến về khoa học – kỹ thuật, kinh tế và chính sách nông nghiệp, nông thôn của cả nước.

  

Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, những năm gần đây, Học viện đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý hành chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng kịp thời tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Trên tinh thần lấy người học là trung tâm, Học viện đã xây dựng Chiến lược phát triển, Quy hoạch phát triển tổng thể, Quy hoạch phát triển chi tiết Học viện đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu đa ngành tiêu biểu trong hệ thống các trường Đại học, Học viện của đất nước, tiên tiến trong khu vực, đủ sức giải quyết những vấn đề mang tầm vóc quốc gia và thời đại. Chủ động tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế, có những đóng góp thiết thực bằng cả lý luận và thực tiễn để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Học viện đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức (CBVC), với gần 1.400 CBVC đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại 15 khoa, 15 đơn vị chức năng và tổ chức đoàn thể, 21 viện, trung tâm nghiên cứu, công ty; trong đó có trên 700 cán bộ giảng dạy (CBGD) với 91 giáo sư, phó giáo sư, 272 tiến sĩ, 367 thạc sĩ, hầu hết số tiến sĩ và thạc sĩ này được đào tạo từ các nước có nền giáo dục đào tạo và khoa học tiên tiến. Trên cơ sở chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa đầu ra của sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội, Học viện tiến hành thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, khuyến khích CBGD áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, ưu tiên CBGD trẻ đi đào tạo sau đại học, nghiên cứu, bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài.

Đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, quy mô đào tạo của Học viện, nhất là đào tạo sau đại học tăng mạnh, những năm gần đây, Học viện đã mở thêm nhiều ngành đào tạo mới. Hiện tại, Học viện có 17 ngành đào tạo bậc tiến sĩ; 21 ngành bậc thạc sĩ; 28 ngành bậc đại học; 6 ngành bậc cao đẳng. Cùng với việc đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý trình độ cao, Học viện còn coi trọng đào tạo cán bộ công chức cấp cơ sở, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Học viện luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp đào tạo, nội dung đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình, chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp, mở ra nhiều chương trình đào tạo liên kết trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín của Hoa Kỳ, Hà Lan, Bỉ,… như ĐH California Davis, ĐH Waginigen, ĐH Liege. Học viện đã và đang tuyển mới hàng năm gần 6.000 sinh viên hệ chính quy; hơn 1.500 sinh viên hệ vừa làm vừa học và liên thông; hơn 1.000 học viên cao học và gần 100 nghiên cứu sinh, với quy mô sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo lên tới gần 40.000 người.

Đi đôi với công tác nâng cao chất lượng giảng dạy, Học viện luôn chú trọng tới việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. Vài năm gần đây, Học viện đã đầu tư gần 330 tỷ đồng để xây mới và cải tạo gần 53 ngàn msàn xây dựng bao gồm giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá, trạm xử lý nước sạch, mua sắm các phương tiện hỗ trợ đào tạo như máy chiếu, micro cho tất cả các giảng đường…, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) cho SV và CBVC. Ngoài ra, một công trình được nhiều thế hệ sinh viên mong đợi sắp được khởi công và sớm hoàn thành là Quảng trường sinh viên - một quảng trường mang màu xanh của sức sống, màu xanh của tuổi trẻ, màu nền của nông nghiệp bền vững. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và là nơi kết nối các thế hệ sinh viên của Học viện.

60 năm qua, Học viện đã đào tạo hàng vạn kỹ sư và cử nhân cho đất nước. Họ vừa có phẩm chất chính trị vững vàng, vừa có trình độ chuyên môn cao, đã và đang là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trên mặt trận NCKH và quản lý kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần quan trọng cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà. Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ (KHCN), Học viện đã thực hiện 43 đề tài cấp Nhà nước, 127 đề tài cấp Bộ, thực hiện 55 đề tài chuyển giao công nghệ với địa phương và doanh nghiệp, thực hiện trên 40 đề tài, chương trình hợp tác KHCN với các đối tác nước ngoài, kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng. Kết quả của những bứt phá trong hoạt động KHCN là Học viện đã đóng góp cho sản xuất 25 giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật được xã hội đón nhận, hàng trăm bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín khoa học cao; nhờ thế, năm 2014, Học viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận là một trong 20 trường đại học, viện nghiên cứu có công bố quốc tế nhiều nhất Việt Nam.

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, với những cống hiến to lớn vào sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hồ Chí Minh; danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; cùng nhiều Huy chương, Bằng khen, cờ thưởng của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các nước bạn Lào, Campuchia… Đặc biệt, ngày 24/5/1959, Học viện đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, Người đã ghi vào sổ vàng truyền thống của Học viện dòng chữ “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng để tiến bộ mãi”. Lời dạy ấy của Người đã trở thành di sản thiêng liêng và quý báu của các thế hệ CBVC và SV Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong suốt quá trình phát triển.

Các thế hệ CBVC và SV ngày nay đang kế thừa xuất sắc truyền thống vẻ vang của Học viện, trong chặng đường tiếp theo sẽ không ngừng phấn đấu đạt chất lượng cao trong đào tạo, học tập, nghiên cứu KHCN…, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia - Học viện Anh hùng.