Ngày 10/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Festival Hoa - Cây cảnh, một sự kiện mang đậm hơi thở của nghệ thuật sinh thái, đồng thời là môi trường học tập giàu tính trải nghiệm dành cho sinh viên toàn Học viện, đặc biệt là sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ. Với sự góp mặt của hàng trăm tác phẩm từ các nghệ nhân, nhà vườn trên cả nước, mỗi chậu cây, thế cảnh đều là một “tác phẩm sống” truyền đi thông điệp về cái đẹp, sự sống và văn hóa. Nhưng điều đáng nói hơn, phía sau những vẻ đẹp ấy là cả một nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại: từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, tạo dáng cây cảnh, đến ứng dụng công nghệ số trong đấu giá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại là đưa người học đến gần hơn với thực tiễn, giúp họ thấy được sự liên hệ giữa kiến thức sách vở và đời sống. Sự kiện Festival Hoa - Cây cảnh VNUA 2025 chính là cơ hội quý báu để kết nối lý thuyết được học trong giảng đường với những trải nghiệm thực tế cho các bạn sinh viên tại học viện. Sự kiện không chỉ là nơi quy tụ tinh hoa nghệ thuật sinh thái, mà còn là một bài học sống động cho những bạn sinh viên đang theo đuổi con đường Sư phạm Công nghệ - nơi mỗi cành hoa, mỗi thế cây đều mang theo một bài học sâu sắc về kỹ thuật, thẩm mỹ, tư duy giáo dục.

leftcenterrightdel
 Không khí tham quan tại buổi Festival Hoa - Cây cảnh VNUA 2025.

Một điểm nhấn đáng chú ý của Festival năm nay là sự ra mắt của sàn đấu giá hoa, cây cảnh trực tuyến, ứng dụng công nghệ số vào tiêu thụ nông sản. Đây là minh chứng rõ nét cho xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp và gợi mở cách tích hợp nội dung kinh tế – kỹ thuật trong dạy học Công nghệ. Sinh viên không chỉ nhìn thấy sản phẩm mà còn hiểu được chuỗi giá trị: từ sản xuất đến tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh tại phiên đấu giá hoa – cây cảnh.

Là sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ - những người sẽ trực tiếp đứng lớp trong tương lai, đây còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Việc được “ học đi đôi với hành”, quan sát bố trí cảnh quan, tìm hiểu quy trình chăm sóc hoa, cây cảnh,… sẽ giúp chúng em có được góc nhìn trực quan, sinh động để áp dụng vào bài giảng. Đây là dịp để sinh viên trau dồi kiến thức thực tiễn, phát triển tư duy thẩm mỹ và học hỏi những ứng dụng cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt – một trong những chuyên đề trọng tâm của môn Công nghệ 10.

Không chỉ là người tham quan, nhiều sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ coi Festival là cơ hội để học hỏi cách tổ chức hoạt động trải nghiệm – một phần không thể thiếu trong dạy học công nghệ hiện nay.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Phùng Thị Hằng tham gia Festival hoa – cây cảnh VNUA 2025.

Chia sẻ về hoạt động, sinh viên Phùng Thị Hằng – lớp K68 Sư phạm Công nghệ bày tỏ: “Trước khi tham gia Festival, em đã được học qua lý thuyết về cây cảnh và thiết kế cảnh quan. Nhưng chỉ khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm thật, được nghe người thợ chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng, em mới cảm nhận được sự tinh tế và tâm huyết trong từng công đoạn. Đó không chỉ là kiến thức, mà là nghệ thuật gắn với lao động bền bỉ. Là một người học để làm thầy, em thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa, để sau này có thể khơi gợi sự hứng thú và say mê khám phá ở học sinh.”

Cũng theo Hằng, hoạt động Festival được coi như là “lớp học mở” tạo ra nhiều giá trị hơn mong đợi cho các bạn sinh viên. Hằng cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, khi trở thành giáo viên, sẽ tổ chức các tiết học trải nghiệm thực tế như thế cho học sinh: "Em muốn mỗi bài học không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn gieo vào các em tình yêu với thiên nhiên, với lao động và với chính quê hương mình."

Festival không chỉ là nơi trình diễn nghệ thuật cây cảnh mà còn là nơi ươm mầm cho những bài học giáo dục công nghệ hiện đại. Đối với sinh viên Sư phạm Công nghệ, đây là cơ hội quý báu để trải nghiệm, phản tư và làm giàu hành trang nghề nghiệp. Từ đó, các bạn có thể xây dựng những tiết học gắn liền với thực tiễn, truyền cảm hứng học tập và tình yêu với thiên nhiên cho thế hệ học sinh sau này.