Hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu đổi mới về giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ phẩm chất và năng lực, tham gia quá trình phát triển kinh tế-xã hội một cách chủ động, sáng tạo và hiệu quả. Kết luận số 51-KL/TW (ngày 30/5/2019) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013) nêu rõ: thực hiện Nghị quyết đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở các bậc học chưa cải thiện đáng kể. Năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Các môn lý luận lý chính trị được giảng dạy trong chương trình đào tạo trình độ đại học ở Việt Nam. Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, hoạt động giảng dạy các môn lý luận chính trị đã có những đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức vào thực tế của người học, hạn chế truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc... Từ thực tiễn trên đây cho thấy, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng trong chương trình đào tạo đại học là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm và chú trọng hơn nữa.

leftcenterrightdel
 Bộ giáo trình Lý luận chính trị dành cho bậc đại học

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, phương pháp giảng dạy có vai trò đặc biệt quan trọng. Phương pháp giảng dạy truyền thống thuyết trình, lấy người dạy làm trung tâm được giảng viên các môn lý luận chính trị sử dụng phổ biến hiện nay, với ưu điểm truyền đạt khối lượng kiến thức lớn, có tính hệ thống, lô gích, số lượng sinh viên tham gia lớn, trong quỹ thời gian có hạn và giảng viên hoàn toàn chủ động trong buổi học. Nhưng do cách truyền thụ một chiều, ít đối thoại nên người học tiếp thu một cách thụ động, có thể gây nhàm chán, mệt mỏi, và không có phản hồi nên giảng viên khó có thể thể nắm được mức độ nhận thức của người học để từ đó có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng buổi học.

Bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống, phương pháp giảng dạy hiện đại (phương pháp dạy học tích cực) được nhiều giảng viên áp dụng như nêu vấn đề, vấn đáp, đàm thoại, thảo luận nhóm… theo hướng chuyển từ “độc thoại” sang “đối thoại”. Với phương pháp dạy học tích cực, học sinh là trung tâm, giáo viên giữ vai trò định hướng nhằm giúp người học tích cực, chủ động và sáng tạo trong tìm tòi kiến thức, vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tiễn. Để áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, đòi hỏi sự chuẩn bị đầy đủ của người dạy và người học trước buổi học. Người dạy cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi, tình huống, hình ảnh, sơ đồ trình chiếu…, tổ chức buổi học hợp lý theo hướng giảm thời lượng thuyết trình, tăng thời lượng vấn đáp, đàm thoại, thảo luận… Để làm được điều này đòi hỏi người dạy phải đầu tư nhiều công sức, thời gian, có kĩ năng tổ chức tốt, linh hoạt trong buổi học. Đối với người học, nghiên cứu nội dung trước buổi học là không thể thiếu được, từ đó có thể chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động đàm thoại, thảo luận… Khi chưa được chuẩn bị trước một cách tự giác, đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng hạn chế sự “đối thoại” và đối phó trước những yêu cầu đặt ra của người học, làm mất đi mặt ưu điểm của phương pháp giảng dạy tích cực.

Mỗi phương pháp giảng dạy đều có những ưu, nhược điểm. Do đó, kết hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau là cần thiết nhằm phát huy ưu điểm của phương pháp này, hạn chế nhược điểm của phương pháp khác. Không có phương pháp nào là tối ưu. Đối với các môn lý luận chính trị với đặc thù có tính trừu tượng cao, hàn lâm, đồng thời với phương pháp giảng dạy truyền thống, cần thiết áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm giúp cho người học có nhiều thuận lợi hơn trong việc áp dụng kiến thức vào mỗi tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề và hình thành thái độ đúng đắn trong cuộc sống.

 

Trần Lê Thanh- Khoa Khoa học xã hội