Cách đây 90 năm, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Đảng bộ Thành phố Hà Nội được thành lập, trực tiếp lãnh đạo các phong trào cách mạng ở Thủ đô. Từ đó đến nay, Đảng bộ Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, lãnh đạo quân và dân Thủ đô giành được những thành tựu đặc biệt quan trọng.

leftcenterrightdel
 
Hạt mầm cách mạng

Ở Hà Nội giai đoạn 1925-1927, phong trào ái quốc bùng lên mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động liên tiếp xuống đường đấu tranh đòi tự do, dân chủ như: Phong trào đòi Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, lễ tưởng niệm cụ Lương Văn Can…

Phong trào yêu nước trong những năm 1925-1926 ở Hà Nội đã tác động đến nhiều vùng ở Hà Đông, Sơn Tây, trực tiếp và mạnh hơn cả là các huyện: Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Ứng Hòa… Đây là vùng tiếp cận thành phố Hà Nội, đồng thời cũng có đông thanh niên, trí thức chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc từ phong trào yêu nước của các nhà Nho đầu thế kỷ XX.

Những thanh niên yêu nước tự tập hợp lại thành từng nhóm. Mỗi nhóm như một trung tâm của các hoạt động yêu nước ở mỗi vùng, tiêu biểu như: Nhóm Vân Canh, nhóm La-Mỗ, nhóm Dịch Vọng (Hoài Đức), nhóm Đông Phù (Thanh Trì), nhóm Họa Đống (Ứng Hòa), nhóm Yên Trường (Chương Mỹ)…

Tháng 6/1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên của Hà Nội được thành lập. Trong các năm 1928-1930, Tỉnh bộ đã phát triển lên đến 200 người ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, thành phần chủ yếu là tiểu tư sản thành thị, công nhân, nông dân.

Chưa đầy hai tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hoàn Kiếm), cơ sở cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội được hình thành. Ban Chấp hành lâm thời được thành lập, đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư Xứ ủy Đông Dương Cộng sản Đảng kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội đến cuối tháng 4/1930.

Tháng 6/1930, đồng chí Trần Văn Lan triệu tập cuộc họp tại số nhà 177 Hàng Bông chính thức thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội. Tại đây, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ được cử làm Bí thư đầu tiên.

15 năm đấu tranh gian khó

Ngày 6/12/1930, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ bị địch bắt, sau đó bị kết án 20 năm tù khổ sai và hy sinh tại Hoả Lò khi chỉ mới 24 tuổi.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội nhiều lần được lập lại, kịp thời giữ vững phong trào cách mạng Thủ đô. Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ (1930-1945), Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã tập hợp, lôi cuốn nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền với khí thế long trời, lở đất.

Từ năm 1940-1943, Đảng bộ Hà Nội đã trải qua 8 lần bị địch khủng bố ác liệt nhưng Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã kịp thời điều động cán bộ cho Hà Nội nhằm giữ vững phong trào Cách mạng Thủ đô. Từ năm 1941-1944, Ban Cán sự Đảng được thành lập, có chức năng như Thành ủy. Tháng 2/1945, Ban Cán sự Đảng đổi thành Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội, quần chúng đã biến diễn đàn của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít-tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân Tổng khởi nghĩa.

Sáng 19/8/1945, cả Hà Nội vùng dậy. Lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của địch. Tối cùng ngày, các cơ quan quan trọng của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh làm chủ thành phố. Sau đó không lâu, cuộc khởi nghĩa ở Hà Đông, Sơn Tây cũng giành thắng lợi hoàn toàn.

Thắng lợi to lớn của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây đã tác động trực tiếp và góp phần quan trọng nhất vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vào ngày 2/9/1945.

Đi qua “khói lửa ngập tràn” của những ngày Toàn quốc kháng chiến và những năm trường kỳ gian khổ, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục lãnh đạo quân và dân Hà Nội bền bỉ đấu tranh trong lòng địch, phối hợp cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày 10/10/1954, người dân Hà Nội hân hoan đón chào những đoàn quân chiến thắng trở về, làm nên cuộc hành quân lịch sử, đánh dấu mốc son Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Năm 1954-1975 là thời kỳ vừa có hòa bình vừa có chiến tranh. Đảng bộ Hà Nội chỉ đạo, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở Thủ đô và chi viện cho chiến trường miền Nam với các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”…

Không ngừng đổi mới tư duy và hành động

Trong suốt chặng đường những năm đầu đất nước hòa bình, mặc dù số lượng đảng viên còn ít ỏi, nhưng mỗi đảng viên đều nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, mỗi chi bộ thật sự là hạt nhân tổ chức, lãnh đạo đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh với kẻ thù để giữ vững chế độ dân chủ nhân dân, bảo vệ Đảng và Chính phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

Sức chiến đấu của chi bộ Đảng chính là sự thống nhất ý chí và hành động của đảng viên dưới ngọn cờ vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc mà mỗi đảng viên đã một lòng tin tưởng, trung thành với Đảng và nhân dân.

Từ năm 1986 đến nay, cùng với cả nước, Hà Nội tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trong những hoàn cảnh khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống vẻ vang, sáng tạo, khẳng định vị thế: “Hà Nội - trái tim của cả nước”.

Đặc biệt, năm 2008, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Đảng bộ Hà Nội đã không ngừng đổi mới tư duy và hành động, tập trung khai thác các nguồn lực, đưa kinh tế Thủ đô phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức bình quân của cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội năm 2019 đạt 7,46%. Đặc biệt, Hà Nội đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thành phố luôn quan tâm phát triển hài hòa, không để mất cân đối giữa các vùng, khu vực; nhất là khu vực nông thôn. Nhờ vậy, Hà Nội hiện là địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng Nông thôn mới, với 6 huyện và 356/386 xã (chiếm 92,2% tổng số xã) đã đạt chuẩn Nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.

Những bài học về thống nhất tư tưởng để hành động trong toàn Đảng bộ, về vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở sau bao năm vẫn mang ý nghĩa thời sự. Không dừng lại ở đó, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã có nhiều bước đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đảng bộ tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, tập trung vào những việc khó, việc mới như đánh giá cán bộ, ổn định tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường vai trò của Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa…

Với truyền thống vẻ vang đạt được qua 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng vinh quang, với tinh thần xuyên suốt là đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục được củng cố, ngày càng vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô giành được những thắng lợi mới.

 

TT QHCC&HTSV - Sưu tầm