Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan – Nhà nước cần hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Cập nhật lúc 08:13, Thứ hai, 25/11/2019 (GMT+7)
Chiều ngày 21/11/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Trả lời báo chí, Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng: Thanh niên là rường cột của nước nhà, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong khi đó, Luật Thanh niên hiện hành còn nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, để tạo điều kiện cho thanh niên cống hiến và trưởng thành, việc sửa đổi Luật Thanh niên là cần thiết.
Trong các quyền và nghĩa vụ của thanh niên được quy định trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), bà Lan đặc biệt quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên. Bà Lan khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ tại các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
|
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan bàn về vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, để phát triển phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, Nhà nước cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh niên. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích thanh niên khởi nghiệp và đăng ký kinh doanh (ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn…), chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đặc biệt, các trường đại học cần coi khởi nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nhà trường, gắn kết doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Đề nghị nâng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đề nghị nâng độ tuổi tối đa của TN lên 35, thay vì 30 như hiện nay. ĐB Triệu Thanh Dung cho rằng việc nâng độ tuổi tối đa của TN lên 35 tuổi là cần thiết, vì hiện nay điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, nên tính năng động sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng được duy trì dài thêm.
Bên cạnh đó, theo ĐB Dung, cùng với xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm dần, thì số lượng TN cũng giảm dần, đặc biệt là TN trong khối cán bộ,công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua do việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập cơ quan đơn vị hành chính cấp huyện, xã, hạn chế tuyển dụng mới, nên không có nguồn bổ sung đoàn viên, TN cho khối này.
|
Dương Triều - http://svvn.vn/