Ngày 26/9/2024, tại Trung tâm GDTC&TT đã diễn ra buổi báo cáo chuyên đề về nghiên cứu khoa học. Buổi báo cáo có sự tham dự của các thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh tại đơn vị. Với chuyên đề “Đánh giá thực trạng thừa cân béo phì của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam” do Thạc sĩ Nguyễn Đăng Thiện trình bày. Tác giả đã nêu bật được thực trạng thừa cân, béo phì của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay, cách xác định thừa cân béo phì từ các cơ sở khoa học..., từ đó đưa ra một số đề xuất xây dựng phương pháp luyện tập với hệ thống các bài tập thể lực hợp lý cho sinh viên thừa cân béo phì tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong chương trình giáo dục thể chất, tạo điều kiện cho sinh viên có một thể lực và tình trạng sức khỏe tốt.

leftcenterrightdel
 

Chuyên đề đã nêu bật một số nội dung sau:

Theo thông tin từ Hội thảo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) thống kê trong 10 năm từ 2010-2020, tình trạng thừa cân, béo phì tăng vọt từ 8,5% lên 19%. Cụ thể, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị, 5,3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 19% vào năm 2020. Tỷ lệ sinh viên thừa cân béo phì thời gian gần đây đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, cụ thể theo một số nghiên cứu: tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2021, tỷ lệ thừa cân béo phì của sinh viên là 20%; khảo sát năm 2022-2023 sinh viên trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có chỉ số BMI≥23 là: 24,5%.

Theo tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa: Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “nên có” so với chiều cao. Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều calo, cao hơn nhu cầu sử dụng. Lượng calo dư thừa sau đó được lưu trữ dưới dạng chất béo hoặc mô mỡ. Tuy nhiên, thừa cân không đồng nghĩa với béo phì, đặc biệt ở người nhiều cơ bắp hoặc có khung xương to.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì, trong đó có sự kết hợp từ nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp: ăn nhiều, lười vận động, di truyền và nội tiết. Thừa cân và béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe và có thể liên quan đến một số vấn đề về cảm xúc, cũng như các mối quan hệ xã hội. Một số tác hại của béo phì: Gây cảm giác tự ti, bệnh lý xương khớp, bệnh tiểu đường, bệnh lý tim mạch, suy giảm trí nhớ, bệnh lý tiêu hóa, rối loạn nội tiết, bệnh lý hô hấp ung thư.

Hiện nay, tổ chức Y tế Thế giới thường dùng chỉ số khối cơ thể BMI để xác định tình trạng cơ thể thừa cân béo phì hay quá gầy. BMI là phương pháp không tốn kém và dễ thực hiện để tầm soát vấn đề sức khỏe. Để tính chỉ số BMI, cần đo chiều cao và cân nặng xác định theo tiêu chuẩn của IDI & WPROBMI cho người châu Á. Công thức tính: BMI=W/H2; trong đó W là trọng lượng cơ thể (kg), H là chiều cao (m).

Bảng 1. Bảng phân loại thừa cân béo phì theo khuyết nghị cho các nước châu Á

Phân loại

IDI & WPRO, 2000 BMI (kg/m2)

Nhẹ cân (CED)

< 18,5

Tình trạng dinh dưỡng bình thường

18,5 – 22,9

Thừa cân

≥ 23,0

Tiền béo phì

23,0 – 24,9

Béo phì độ I

25,0 – 29,9

Béo phì độ II

≥ 30,0

Béo phì độ III

≥ 40,0

Hằng năm vào đầu năm học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều tổ chức “khám sức khoẻ đầu vào” cho tân sinh viên. Đây là một qui định bắt buộc đối với tất cả tân sinh viên, kết quả khám sức khoẻ đầu vào của tân sinh viên được ghi lại trên sổ khám sức khoẻ, được lưu trữ tại Trạm Y tế Học viện. Chuyên đề nghiên cứu dựa vào các kết quả khám sức khoẻ ban đầu của sinh viên 03 khoá học (khóa 66, khóa 67 và khóa 68) của Học viện, trên các chỉ số là chiều cao đứng và cân nặng. Qua khảo sát đánh giá chỉ số BMI của 15.894 sinh viên của các khóa (4.575 sinh viên khoá 66; 5.438 sinh viên khóa 67; 5.881 sinh viên khóa 68) cho kết quả thực trạng sinh viên thừa cân béo phì của 03 khóa sinh viên của Học viện như sau:

Bảng 2: Thực trạng sinh viên thừa cân béo phì khoá 66, 67 và 68 Học viện

Số lượng sinh viên (n=15.894)

BMI < 23,0

BMI ≥ 23,0

Số lượng

12.475

3422

Tỷ lệ ( %)

78,5%

21,5%

Kết quả thống kê tại bảng 2, đã xác định được 21,5% sinh viên có chỉ số BMI ≥ 23 (3,422 sinh viên), tỷ lệ này cao hơn so với kết quả thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia của Bộ Y tế năm 2020 (thừa cân béo phì trên người trưởng thành của người Việt Nam là 20%) và nghiên cứu trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2021 là: 20% sinh viên trường có chỉ số BMI ≥ 23, nhưng số liệu của Học viện thấp hơn kết quả nghiên cứu trên sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng năm 2023 là: 24% sinh viên trường có chỉ số BMI ≥ 23.

Thống kê sinh viên thừa cân, béo phì theo tỷ lệ giới tính (nam, nữ) được thể hiện qua Bảng 3 như sau:

Bảng 3: So sánh tỷ lệ sinh viên thừa cân béo phì khoá 66, 67 và 68 phân loại theo tiêu chí giới tính nam – nữ (n=3422)

Đối tượng

BMI ≥ 23,0

(Thừa cân, béo phì)

Tỷ lệ

(%)

Nam

2435

71,1%

Nữ

987

28,9%

Kết quả khảo sát trên 3.422 sinh viên thừa cân béo phì tại bảng 3, cho thấy: Tỷ lệ sinh viên nữ thừa cân, béo phì chiếm 28,9% thấp hơn tỷ lệ sinh viên nam thừa cân, béo phì chiếm 71,1%. Kết quả khảo sát có tỷ lệ tương đương với kết quả nghiên cứu năm 2021, 2023 trên sinh viên trường Đại Cần Thơ, Đại học Thăng long…

Buổi báo cáo diễn ra sôi nổi, nhận được sự quan tâm góp ý và thảo luận từ các thành viên tham dự buổi báo cáo. Qua đây đã gợi mở thêm các hướng nghiên cứu mới nhằm đóng góp tích cực vào việc tìm ra các phương pháp mới, đặc biệt là qua công tác giáo dục thể chất giúp sinh viên Học viện có được thói quen tốt hơn trong việc tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe và giảm tỷ lệ thừa cân béo phì trong giai đoạn tiếp theo.

Một số hình ảnh tại buổi báo cáo:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

ThS. Nguyễn Đăng Thiện

Nhóm NCM – Trung tâm GDTC&TT