Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh ngày 15 tháng 12 năm 1919,  quê ở Nam Định, là một trong những nhà nông học lỗi lạc nhất Việt Nam, một trong những người thầy đầu tiên, người lãnh đạo đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Nhân dịp tròn 100 năm ngày sinh của cố giáo sư Bùi Huy Đáp, chúng tôi xin tổng hợp giới thiệu với bạn đọc một số thông tin ngắn gọn về người thầy, vị giám đốc đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

1. Giáo sư Bùi Huy Đáp – Sơ lược tiểu sử

leftcenterrightdel
Giáo sư Bùi Huy Đáp
 Giáo sư Bùi Huy Đáp

 

Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh ngày 15 tháng 12 năm 1919 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng quê chiêm trũng thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mặc dù đỗ đầu tú tài về triết học, xong giáo sư lại chọn vào học khóa 1 trường Đại học Canh nông Đông Dương cùng với các danh nhân, các vị lãnh đạo đầu tiên của ngành Nông nghiệp Việt Nam như Nghiêm Xuân Yêm, Cù Huy Cận, Ngô Tấn Nhơn,…. Năm 1940, sau khi tốt nghiệp đại học, giáo sư đã được mời giảng dạy và đến năm 1945 làm Hiệu trưởng Trường Canh nông Huế. Tháng 8 năm 1945, giáo sư Bùi Huy Đáp được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Bộ Canh nông, Phó Giám đốc Nha Nông chính trong chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau đó giáo sư đảm nhận nhiềm nhiều chức vụ khác nhau trong chính phủ kháng chiến như: Phó Giám đốc kiêm Trưởng Nha nông chính khu 4, Hiệu trưởng trường trung học canh nông, Viện trưởng Viện Trồng trọt, Viện trưởng Viện Khảo cứu Nông Lâm. Giáo sư Bùi Huy Đáp là Giám đốc đầu tiên của trường Đại học Nông Lâm, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm 1959 khi Trường Đại học Nông Lâm sáp nhập với Viện Khảo cứu trồng trọt và Viện Khảo cứu chăn nuôi thành Học viện Nông Lâm, giáo sư giữ chức Phó Giám đốc Học viện. Năm 1963 giáo sư Bùi Huy Đáp được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp kiêm Tổng biên tập tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước giai đoạn 1977 - 1985. Năm 1985 giáo sư về hưu và mất cách đây tròn 15 năm trước - năm 2004.

2. Giáo sư Bùi Huy Đáp – Những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam

Trong công tác đào tạo nguồn lực cho ngành nông nghiệp, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, với đề xuất và tài tổ chức của giáo sư Bùi Huy Đáp, các trường Trung học Canh nông mở ra liên tiếp, ở Huế - năm 1945, ở Liên khu IV – năm 1947, ở Liên khu V – năm 1947, ở Việt Bắc – năm 1948. Hòa bình lập lại, ngoài trường Trung cấp Nông lâm được thành lập ở Hà Nội, cùng năm 1956, trường Đại học Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) ra đời, giáo sư Bùi Huy Đáp trở thành nhà giáo, vị Giám đốc đầu tiên của đơn vị đào tạo đầu ngành nông nghiệp này của cả nước. Ở vị trí công tác của mình, giáo sư tham gia đào tạo các khóa kỹ sư đầu tiên cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn 1956-1961. Ngoài ra, giáo sư Bùi Huy Đáp còn tham gia thỉnh giảng giảng các lớp đặc biệt về sinh học, nông học, triết học, tiến hóa luận, phương pháp nghiên cứu khoa học,… tại nhiều trường đại học trên khắp cả đất nước,

Trong công tác khoa học, thành quả khoa học của giáo sư Bùi Huy Đáp được đúc kết thành công trình đồ sộ bậc nhất Việt Nam về cả khối lượng, tính đa dạng bách khoa, tính kinh điển giáo trình và tính phổ thông truyền bá tri thức, chuyển giao công nghệ. Khoa học của giáo sư là “thứ khoa học không cưỡng bức thiên nhiên, mà là thứ khoa học khiêm nhường thuận với thiên nhiên. Là khoa học, nhưng vẫn dung dưỡng, tiếp nối di sản 4000 năm trồng lúa nước” và được một số học giả cho đặt tên là “phương pháp Bùi Huy Đáp”, “trường phái Bùi Huy Đáp”. Chuyên đề được xuất bản bằng tiếng Pháp với tên gọi "Nghề trồng cây ăn quả ở Trung Kỳ" của giáo sư đã khởi đầu cho hơn 100 cuốn sách khoa học và hơn 1.000 bài báo về sinh học, về nông nghiệp vùng nhiệt đới Việt Nam và Đông Dương, về triết học và phương pháp nghiên cứu. Riêng về lúa, 2 cuốn “Cây lúa miền bắc Việt Nam” (1964) và “Cây lúa Việt Nam” (1981) mang tính kinh điển và thuộc loại “bách khoa toàn thư” của nghề trồng lúa nước của Việt Nam. Ngoài ra, từ rất sớm giáo sư Bùi Huy Đáp đã nghiên cứu về cây ngô, khoai, sắn, đậu đỗ,… kết quả được đúc kết trong cuốn sách mang tên “Hoa mầu lương thực”.  

Với phương châm “khoa học từ quần chúng mà ra, trở lại phục vụ quần chúng” giáo sư Bùi Huy Đáp là cha đẻ của lúa Xuân, là kiến trúc sư cuộc cách mạng xanh để cùng nông dân cả nước đạt được những kỳ tích trong phát triển nền nông nghiệp giai đoạn những năm 70 của thế kỷ XX. Điển hình nhất là công trình chuyển vụ lúa Chiêm dài ngày, năng suất thấp thành vụ lúa Xuân ngắn ngày năng suất cao ở các tỉnh phía Bắc và đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính. Cụ thể là từ năm 1968, giáo sư Bùi Huy Đáp đánh dấu sự nghiệp của mình bằng giống lúa Xuân ngắn ngày IR8 của IRRI (ở miền Bắc gọi là giống Nông nghiệp 8, ở miền Nam gọi là giống “Thần nông”), thấp cây cho năng suất cao thay thế giống lúa Chiêm dài ngày, cao cây, dễ đổ, năng suất thấp. Năm 1971, giáo sư đề nghị cho mở rộng vụ lúa Xuân ra toàn miền Bắc, làm mạ khay, mạ sân chủ động cung cấp đủ mạ theo lịch thời vụ. Thời gian sản xuất lúa Xuân được rút ngắn lại, số ngày dư ra cho phép tăng thêm vụ Đông, nhờ vậy sản lượng lương thực nâng lên. Thành công của “Lúa Xuân – vụ Đông” tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất, làm thay đổi cấu trúc kinh tế ngành nông nghiệp.  Với người dân Nam bộ, năm 1976, giáo sư để xuất chuyển đổi từ 1 vụ năng suất thấp sang hệ thống mới gồm: vụ lúa Đông - Xuân; vụ lúa Hè - Thu và một phần lúa Mùa để đưa năng suất cả năm lên gấp khoảng 4 lần, đưa sản lượng lúa của vùng lên cao. Cho tới nay, những di sản của của giáo sư Bùi Huy Đáp vẫn được “di truyền” trên đồng ruộng, trong kỹ năng của người nông dân trồng lúa Việt Nam.

3. Giáo sư Bùi Huy đáp – Dấu ấn nhà khoa học nông nghiệp bản lĩnh, tiên phong của Việt Nam, được thế giới biết đến

Lúa Xuân là một sáng tạo vĩ đại của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tiên nó bị thất bại, thậm chí người phụ trách nông nghiệp của miền Bắc đã từng tuyên bố cấm lúa Xuân ở thời kỳ nó mới ra đời, kể cả vị “Bí thư tỉnh ủy”, người vượt rào khoán chui lẫy lừng thời bao cấp, người mở đường cho tư duy đổi mới ở Việt Nam là ông Kim Ngọc (Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú) cũng không chấp nhận lúa Xuân. Trước tình thế đó, với niềm tin mãnh liệt vào kết quả khoa học mới của mình, với bản lĩnh của một nhà khoa học tiên phong, giáo sư Bùi Huy Đáp vẫn cùng các cộng sự và những người nông dân kiên trì truyền bá kiến thức vào thực tiễn và thành quả rực rỡ từ thực tiễn dẫn đến việc lúa Xuân được công nhận. Có được sự công nhận, thành công trong thực tiễn sản xuất càng lớn hơn, do vậy có học giả đã cho rằng, giáo sư Bùi Huy Đáp “là “cha đẻ” của lúa Xuân, là “cha đẻ” của mùa vụ” và “Đất nước này vẫn chịu ơn ông”.

Là nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, giáo sư Bùi Huy Đáp trở thành nhà khoa học nông nghiệp có tầm quốc tế. Từ năm 1968, tại Hội nghị khoa học quốc tế về cây lúa ở Bắc Kinh, giáo sư Bùi Huy Đáp đã trình bày bản báo cáo khoa học Cây lúa vụ Xuân và cuộc cách mạng xanh ở miền Bắc Việt Nam” gây tiếng vang trong giới học giả từ các nước trồng lúa trên thế giới. Không ít cuốn sách của giáo sư đã được dịch ra tiếng nước ngoài, năm 1980 một nghiên cứu viên người Pháp cùng bộ môn Hóa học đất dưới sự chỉ dẫn của Giáo sư F.M. Ponnamperuma đã khẳng định, từng đọc sách của Bùi Huy Đáp trên Études Vietnamiennes và biết mấy chục năm trước Việt Nam từng xuất khẩu gạo sang châu Phi. Năm 2010, đến Sudan trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Nghiên cứu Nông nghiệp hai nước, chuyên gia Việt Nam được các chuyên gia nước này cho biết: “Chuyên gia nhiều nước đến rồi, không thành công, phải mời các bạn, vì Việt Nam dẫn đầu thế giới về lúa gạo là nhờ nghiên cứu gắn với công tác khuyến nông theo phương pháp Bùi Huy Đáp”. Như vậy tên tuổi giáo sư Bùi Huy Đáp được biết đến nhiều, đặc biệt tại các nước châu Phi, các nước nói tiếng Pháp.                     

4. Giáo sư Bùi Huy Đáp – Phần thưởng và vinh danh

 
leftcenterrightdel
Giáo sư Bùi Huy Đáp – Phần thưởng và vinh danh
 Giáo sư Bùi Huy Đáp – Phần thưởng và vinh danh

 

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền khoa học nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp, giáo sư Bùi Huy Đáp đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Chiến sĩ thi đua toàn quốc – năm 1952, hai Huân chương Lao động hạng Nhì - năm 1955 và năm 1962, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất – năm 1956, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất – năm 1980, Huy chương Vì giai cấp nông dân tập thể - năm 1991... Giáo sư là một trong số ít nhà khoa học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu – năm 1996. Nhằm tri ân và ghi nhận công lao của người thầy đầu tiên, vị Giám đốc đầu tiên, hiện nay tại vị trí trung tâm Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đặt tượng giáo sư trong khuôn viên Quảng trường mang tên Bùi Huy Đáp. Tên của giáo sư cũng đã được đặt cho tuyến phố thuộc thành phố quê hương là thành phố Nam Định và thành phố trực thuộc trung ương thuộc miền Trung Việt Nam là thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, cho tới nay khi tên tuổi của nhiều bậc danh nhân được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, cùng đợt với giáo sư Bùi Huy Đáp như giáo sư Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, kể cả các nhà giáo, nhà khoa học là Hiệu trưởng, Giám đốc đầu tiên của các trường đại học như giáo sư Trần Đại Nghĩa (trường đại học Bách khoa Hà Nội), giáo sư Hồ Đắc Di (trường đại học Y Hà Nội), giáo sư Lê Văn Thiêm (trường đại học Sư phạm Hà Nội)… đã được đặt tên cho các tuyến phố của Hà Nội thì thành phố thủ đô vẫn chưa có tuyến phố nào mang tên Bùi Huy Đáp. Không ít nhà giáo, nhà khoa học, cựu sinh sinh và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nguyện vọng, trong quá trình huyện Gia Lâm đô thị hóa để trở thành quận nội thành trong thời gian tới đây sẽ có nhiều tuyến đường, tuyến phố mới mở ra thì một trong các tuyến đường, tuyến phố nối với, dẫn tới ngôi trường mà giáo sư là người thầy, người lãnh đạo đầu tiên sẽ được mang tên Bùi Huy Đáp cho xứng với tài năng và cống hiến của giáo sư đối với ngành nông nghiệp và với đất nước.                                             

 

Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên