Trong hơn 30 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đang sử dụng mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15-34 (chiếm 71%). Thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình 5 giờ/ngày, thời gian nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, học tập.
|
|
Các đại biểu dự phiên thảo luận Quốc hội ngày 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC |
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 28-10, đáng chú ý, trong phát biểu của mình, ĐB Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) đề nghị cần chế tài xử lý mạnh mẽ hơn vi phạm quy định trên mạng xã hội. ĐB cho rằng, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ, đây là một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92%, Facebook tỷ lệ sử dụng là 91,7%, tiếp đến là Zalo 76,5%...
Thống kê sơ bộ trong hơn 30 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam thì có khoảng 87,5% đang sử dụng mạng xã hội nằm trong độ tuổi từ 15-34 (chiếm 71%). Thời lượng giới trẻ sử dụng mạng xã hội trung bình 5 giờ/ngày, thời gian nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, học tập… Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm nữa là tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến sử dụng các trang mạng nhằm đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến Đảng, Nhà nước, các tổ chức cá nhân.
Điển hình như tài khoản Facebook của Nguyễn Phương Hằng (TPHCM); tài khoản của Đặng Như Quỳnh (Hà Nội). Hay các cá nhân lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mua bán hàng giả, hàng cấm. Thậm chí, có những trường hợp xuất phát từ mâu thuẫn đã thách đấu trên mạng xã hội dẫn đến ẩu đả ngoài đời thật, để lại nhiều hậu quả đau lòng…
|
|
ĐB Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu): Ảnh: QUANG PHÚC |
Từ những mặt trái của việc sử dụng mạng xã hội, ĐB kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội, làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội. Qua đó, giúp cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị của chân, thiện, mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh, có hành động đẹp… “Các cơ quan có trách nhiệm cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội”, ĐB nêu.
Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc phát triển thị trường khoa học-công nghệ (KHCN) - chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
ĐB cho rằng, đối với Việt Nam, thị trường KHCN mặc dù đã hình thành nhưng sự phát triển còn chậm hơn so với các thị trường khác; thể chế, chính sách phát triển thị trường KHCN còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa bên cung và bên cầu trên thị trường KHCN… gặp nhiều khó khăn, thậm chí ách tắc.
|
|
ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội): Ảnh: QUANG PHÚC |
Từ thực tế đó, ĐB đề nghị Chính phủ và Quốc hội rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa. "Chính phủ nên mạnh dạn thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức KHCN như giao nhiệm vụ, đặt hàng nghiên cứu theo gói kinh phí, ít nhất 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu, tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường KHCN”, ĐB Nguyễn Thị Lan nêu.
Cùng với đó, đổi mới cơ chế tài chính thanh quyết toán, đấu thầu trong các nhiệm vụ KHCN. Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó. Thí điểm các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, mô hình hợp tác xã trong trường đại học... và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.
Chính phủ, Quốc hội cũng cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo - nơi cung cấp sản phẩm KHCN. Hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho KHCN của Việt Nam rất thấp so với các nước (năm 2019, chỉ khoảng 0,5% GDP, trong khi Thái Lan 1,14% GDP, Trung Quốc 2,4% GDP, Đức và Hoa Kỳ chi gấp 6-7 lần Việt Nam, Hàn Quốc chi gấp gần 10 lần Việt Nam với 4,8% GDP). Số người nghiên cứu khoa học/1 triệu dân của Việt Nam là 757 người, trong khi Trung Quốc và Thái Lan cao gấp 2 lần, Đức gấp gần 8 lần, Singapore gấp gần 10 lần và Hàn Quốc gấp 11 lần... Nhờ đó Hàn Quốc trở thanh mẫu hình trong việc phát triển nền kinh tế dựa vào KHCN.
Với phân tích đó, ĐB Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch các tổ chức KHCN, các trường đại học và viện nghiên để có chiến lược đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đúng địa chỉ để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức KHCN. Tăng đầu tư kinh phí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN cho các viện nghiện cứu, các trường đại học, nơi có đội ngũ nhân lực KHCN đông đảo.
PHAN THẢO-https://www.sggp.org.vn