\r\n BBT. Ngày 16/ 11/ 2011, Ngài Thomas J. Vilsack - Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ-đãđến thăm Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và có bài phát biểu quan trọng với cán bộ và sinh viên của Trường. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của Ngài Bộ trưởng.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Xin chào tất cả mọi người. 

\r\n

\r\n Tôi rất vui được có mặt tại đây cùng với các sinh viên và các giảng viên.  Trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội có một truyền thống và lịch sử thật ấn tượng.  Tôi biết rằng nhờ vào chất lượng giáo dục và đào tạo nhận được ở đây – các bạn sinh viên trong khán phòng này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý nhà nước, kinh doanh và trong các trường đại học trên khắp Việt Nam.

\r\n

\r\n Do vậy tôi muốn cảm ơn trường Đại Học đã tổ chức buổi nói chuyện này, cũng như cảm ơn Văn Phòng Dịch Vụ Nông Nghiệp Đối Ngoại, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội đã thu xếp cho chuyến công tác  của tôi.  Các bạn cần biết rằng tôi là Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên sang thăm Việt Nam. Tôi có mặt tại đây vì nhận thức được tầm quan trọng không chỉ trong việc duy trì mối quan hệ vững mạnh giữa hai quốc gia chúng ta, mà còn bởi các khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và giáo dục trong những năm tiếp theo.

\r\n

\r\n Mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, tất nhiên, đã tiến xa trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại.  Sự tôn trọng lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác của chúng ta trong một loạt các lĩnh vực đã góp phần vào sự thịnh vượng chung cho cả hai đất nước.  Tôi mong muốn giành thời gian ở đất nước tuyệt vời này để tăng cường mối quan hệ của chúng ta trong những năm tiếp theo.   

\r\n

\r\n Một lĩnh vực quan trọng đặc biệt mà chúng ta có cơ hội và trách nhiệm làm việc cùng với nhau đó là giải quyết nạn đói trên thế giới.    

\r\n

\r\n Một số các bạn ở đây có thể đã làm quen với những con số thống kê. Trong năm vừa qua, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 925 triệu người đã bị đói và suy dinh dưỡng.  Một phần tư trong số đó là trẻ em.  Mặc dù điều này đã được cải thiện kể từ năm 2009, con số này vẫn là rất lớn và không thể chấp nhận được.    

\r\n

\r\n Ở những nơi mà nạn đói phổ biến nhất, như ở tiểu vùng Sahara ở châu Phi, và thậm chí tại các nước láng giềng của các bạn, Lào và Campuchia, suy dinh dưỡng mãn tính và thiếu hụt vitamin có thể dẫn đến sự chậm phát triển và khiến trẻ em dễ bị nhiễm bệnh hơn.  Ở các nước đang phát triển, cứ mỗi giây trôi qua lại có một trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng và các nguyên nhân liên quan. 

\r\n

\r\n Cung cấp lương thực cho tất cả mọi người trên thế giới là một vấn đề mang tính đạo đức và ưu tiên hàng đầu.  Cần làm sao cho không một ai bị đói khi đi ngủ - đặc biệt là trẻ em.  Nhưng tầm ảnh hưởng của vấn đề này còn lớn hơn thế nhiều.   

\r\n

\r\n Không phụ thuộc vào địa điểm sống, trẻ em chỉ có thể nhận thức được năng lực đầy đủ của mình nếu chúng được tiếp cận với nguồn thực phẩm một cách thường xuyên. Việc cung cấp cơ hội tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn cho tương lai một đứa trẻ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân đứa trẻ đó, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng nơi đứa trẻ được nuôi dưỡng, đến đất nước nơi cô bé, hoặc cậu bé này đang sinh sống, và ảnh hưởng đến cả thế giới.  Làm việc để xóa bỏ sự bất an lương thực trên toàn cầu sẽ mang đến các lợi ích kinh tế đáng kinh ngạc cho cả các nước đang phát triển lẫn các nước phát triển.  Điều này sẽ làm tăng sự ổn định chính trị tại các khu vực đang xung đột và đói nghèo, và đặt các nước này trên con đường đi đến thịnh vượng trong tương lai.

\r\n

\r\n Do đó việc cung cấp lương thực cho thế giới là thử thách đối với cả hai quốc gia chúng ta.  Điều đó cũng là thách thức đối với cả loài người.  Mục tiêu của chúng tôi là rõ ràng:  giảm số lượng người bị đói bằng cách làm tăng tính sẵn có và khả năng tiếp cận đến nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho con người trên khắp thế giới.

\r\n

\r\n Trong hàng thập kỷ nay, cứu trợ lương thực đã là công cụ quốc tế chủ chốt trong nỗ lực này.  Nó đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ nạn đói, và chắc chắn cần phải được tiếp tục.    

\r\n

\r\n Nhưng chỉ cứu trợ lương thực không chưa đủ. Chúng ta cần phải giúp các quốc gia tự sản xuất nguồn cung cấp lương thực cho chính mình bằng cách đẩy mạnh nông nghiệp trên toàn cầu.  Khi chúng ta làm được việc đó, chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.  

\r\n

\r\n Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã thiết lập các chuẩn mực cho bước tiếp cận này khi Ông nói "Dấu hiệu thực sự cho thấy sự thành công không phải ở chỗ chúng ta có phải là nguồn cung cấp viện  trợ lâu dài cho người dân hay không,mà là ở chỗ chúng ta có trở thành đối tác xây dựng năng lực cho những thay đổi mang tính chuyển biến hay không".  Tôi cũng tin tưởng rằng chúng ta cần phải có những thay đổi mang tính chuyển biến để thiết lập an ninh lương thực trên toàn cầu.    

\r\n

\r\n Quốc gia của các bạn đã trải qua một quá trình từ một nước nhận viện trợ về lương thực đến tự cung cấp đủ lương thực.  Nạn đói khủng khiếp năm 1944 và 1945 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người dân đất nước các bạn.  Hàng thập kỷ sau, vào những năm 1970 và 1980, nạn khan hiếm lương thực lại thử thách quốc gia này.  Một số các bạn có thể đã biết đến hoặc đã trải qua những khó khăn này, và hiểu rằng điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến gia đình mình và cả cộng đồng. 

\r\n

\r\n Nhưng trong 25 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành một quốc gia không những đã tự nuôi được bản thân mà còn giúp cung cấp lương thực cho thế giới.  Các bạn là nhà xuất khẩu lớn về lúa gạo, cà phê và các mặt hàng nông sản khác. 

\r\n

\r\n Chúng ta cần phải giúp đỡ để các quốc gia khác cũng có được sự chuyển biến như vậy, tăng tính bền vững cũng như năng suất nông nghiệp trên toàn cầu.  Dân số trên thế giới gia tăng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tăng sản xuất nông nghiệp lên 70% cho đến năm 2050 để có thể nuôi sống 9.3 tỷ người. 

\r\n

\r\n Thành công của chúng ta không phải đã được bảo đảm.  Người nông dân và chủ trang trại cần phải đối mặt với sự bất ổn của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và những hạn chế về nguồn nước. Nhưng tôi có niềm tin vào thế hệ của các bạn – các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, và nhất là vào tất cả những người nông dân – sẽ vượt qua được những thử thách đó. 

\r\n

\r\n Nông dân là những con người phi thường.  Trên khắp nơi trên thế giới, họ đã thích ứng và thay đổi hơn bất kỳ ai trên thế giới.  Trong vòng 100 năm qua ở Mỹ, những người nông dân của chúng tôi đã giúp chúng tôi đi lên từ lúc cung cấp đủ lương thực đến xây dựng được một nền công nghiệp nông nghiệp khiến chúng tôi trở thành nhà xuất khẩu lương thực thực phẩm lớn nhất trên thế giới như hiện nay.

\r\n

\r\n Sự phát triển này không phải tự nhiên mà có.  Những người nông dân đã chấp nhận khoa học trong quá trình tìm kiếm tăng năng suất.  Các kỹ thuật mới được phát minh từ trí tưởng tượng và lao động miệt mài của các nhà khoa học của chúng tôi.

\r\n

\r\n Trong vòng 60 năm gần đây, nông dân Mỹ đã tăng năng suất gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần sản lượng trên đơn vị acre cho các giống cây trồng chính như đậu tương, ngô, bông và lúa mỳ. 

\r\n

\r\n Các bước tiếp cận giống nhau được áp dụng toàn cầu.  Nguyên tắc đầu tiên bắt buộc của chúng tôi là giải pháp an ninh lương thực toàn cầu dựa vào sự đổi mới từ các nghiên cứu và phát triển. 

\r\n

\r\n Hiện nay, sự hiểu biết tốt hơn về di truyền một lần nữa thay đổi những gì chúng ta đang trồng, bao gồm cả phương thức và địa điểm. Bằng cách dự đoán tốt hơn và đẩy nhanh kết quả của quá trình nhân giống cây trồng, thế giới đang tìm kiếm những giống cây trồng kháng sâu bệnh và tồn tại được trước các loại bệnh mới.  Chúng có thể phát triển mạnh trong môi trường nắng nóng và mọc được trên đất mặn và độc hại. 

\r\n

\r\n Nghiên cứu nông nghiệp cần thiết và quan trọng này sẽ được áp dụng trên khắp thế giới.  Ở châu Phi, châu Á và Trung Đông chúng tôi phải đánh bại một loại nấm hủy diệt có tên gọi là Ug-99 có khả năng đe dọa cây lúa mỳ hiện đang nuôi sống 1 tỷ người.  Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đang hợp tác với các nhà nghiên cứu Kenya sử dụng loại gien di truyền giúp tìm ra giống lúa mỳ kháng lại được Ug-99. 

\r\n

\r\n  Và tại Trung Tâm Nghiên Cứu Lúa Quốc Tế ở Philippines, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã giúp phát triển giống lúa chịu được ngập úng, loại này ngừng hoạt động trong quá trình bị ngập lụt, nhưng sau đó lại tiếp tục phát triển trở lại.  Đây là bước tiến quan trọng mở ra khả năng biến đổi sản xuất lúa gạo tại những khu vực dễ bị lũ lụt. 

\r\n

\r\n Nguyên tắc thứ hai mà những nghiên cứu của chúng tôi tuân theo: giải pháp đối với an ninh lương thực toàn cầu không thể và không được hy sinh những nỗ lực bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi và phải mang tính bảo vệ môi trường.  Chính vì vậy các nhà khoa học đang nghiên cứu các kỹ thuật và phương pháp mới để sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả hơn, nhằm cải thiện việc bảo tồn đất, và tăng năng suất của chính đất đai.

\r\n

\r\n Việt Nam hiện đang rất tích cực trong nỗ lực này, tham gia cùng Hoa Kỳ và 30 quốc gia khác đối phó lại hiện tượng biến đổi khí hậu thông qua Liên Minh Nghiên Cứa Toàn Cầu về khí thải từ nhà kính trong nông nghiệp.  Liên Minh này đang hợp tác đầu tư và nghiên cứu để giảm lượng khí thải từ nhà kính trong nông nghiệp.  Năm nay, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã có mặt tại các trường đại học của Mỹ nghiên cứu về khí thải nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Tôi rất vui mừng khi thấy hai nước chúng ta đang hợp tác trong việc đối phó với thách thức này. 

\r\n

\r\n Khi chúng tôi tiến hành theo các nguyên tắc này, chúng tôi may mắn sở hữu một truyền thống nghiên cứu khoa học tuyệt vời mang tính đột phá để làm nền tảng cho sự phát triển tiếp theo.  Một trong những tiến bộ quan trọng nhất của thế kỷ cuối đã được nhà khoa học Mỹ, tiến sỹ Borlaug  phát hiện ra. 

\r\n

\r\n Norman Borlaug được sinh ra từ một thành phố nhỏ tại tiểu bang Iowa, quê hương của tôi.  Gia đình Ông rất nghèo và Ông đã trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn nhất mà nước Mỹ chưa từng hứng chịu.    Sau khi nhìn thấy sự nghèo đói xung quanh mình, Ông đã quyết định dành trọn đời mình giải quyết các vấn đề về sản xuất lương thực.   

\r\n

\r\n Tại Mêhicô, nghiên cứu của Ông đã dẫn đến việc tìm ra giống lúa mỳ năng suất cao hơn có thể trồng được ở tất cả mọi điều kiện và cũng có thể kháng lại các bệnh thông thường.  Giống lúa mỳ này nhanh chóng phù hợp ở khắp Mêhicô giúp cho nước này sản xuất đủ lương thực để nuôi dân số ngày càng phát triển. 

\r\n

\r\n Tiếp đó, Borlaug đã mang bước đột phá này sang Ấn Độ và Pakistan, nơi Ông được ghi công vì đã cứu được hàng trăm triệu người dân thoát khỏi nạn đói.  Do thành tích này, tiến sỹ Borlaug đã được trao giải thưởng Nobel Vì Hòa Bình. 

\r\n

\r\n Cũng như bất cứ ai, tiến sỹ Borlaug đã hiểu giá trị của việc nghiên cứu nông nghiệp.  Trước khi tiến hành nghiên cứu, Ông đã tập trung vào việc khuyến khích thế hệ lãnh đạo tương lai làm việc trong lĩnh vực này.  Tại Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), chúng tôi tài trợ cho một học bổng mang tên Ông.  Năm nay học bổng Borlaug đã giúp hai nhà nghiên cứu từ trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội sang làm việc tại các trường đại học nghiên cứu lớn ở Mỹ.  Tôi biết rằng trong những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đào tạo và nghiên cứu này. 

\r\n

\r\n Cho đến cuối đời mình, tiến sỹ đã quyết định rằng nghiên cứu về nông nghiệp xứng đáng phải có một giải thưởng danh tiếng của riêng mình hàng năm – giống như giải Nobel.  Do đó ông đã giúp thành lập giải thưởng Lương Thực Thế Giới.  Trong vòng 25 năm qua, giải thưởng này đã được vinh dự trao cho các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạt động chính trị và những nhà lãnh đạo khác, những người chống lại nạn đói – nhằm tôn vinh vị thế và chúc mừng những nỗ lực của họ trong sự nghiệp nuôi dưỡng thế giới đói nghèo. 

\r\n

\r\n Nhưng cho đến nay, chưa có người nhận giải thưởng nào đến từ Việt Nam – thậm chí đến từ Đông Nam Á.  Tôi hy vọng rằng kỷ lục này sẽ không tồn tại lâu nữa.

\r\n

\r\n Có thể sẽ có một Norman Borlaug hay một người đoạt giải thưởng Lương Thực Thế Giới trong tương lai trong chính tại khán phòng này.   Một người nào đó làm việc cần cù, làm theo ước mơ của mình, và thực hiện các bước tiếp theo trong nghiên cứu sáng tạo mà chúng ta cần có để hỗ trợ cho người nông dân trong sự nghiệp cung cấp lương thực cho thế giới.  Có thể nghiên cứu đó sẽ được thực hiện ngay chính tại đây, tại trường đại học này.  Bởi vì để xây dựng trên những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong tăng năng suất nông nghiệp trên toàn thế giới, chúng ta cần phải tiếp tục theo đuổi những bước đột phá, và chúng ta cần những con người trẻ tuổi như các bạn hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp đó. 

\r\n

\r\n Nguyên tắc thứ ba trong việc giải quyết an ninh lương thực toàn cầu đã ghi nhận rằng các chiến lược cần phải tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng quốc gia, từng khu vực và người nông dân ở từng địa phương.  Toàn thể cộng đồng thế giới phải làm việc cùng nhau, tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho nông dân và làm vững mạnh nền nông nghiệp cấp quốc gia, khu vực và trang trại.  Quốc gia của các bạn – tôi chắc chắn rằng – có nhiều ý tưởng, kinh nghiệm và chiến lược, có được từ các công việc của các bạn trong các thập kỷ vừa qua, để chia sẻ đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp.  Và những người nông dân của các bạn cũng có những câu chuyện thật ấn tượng để kể. 

\r\n

\r\n Cuối cùng, không phải ai khác ngoài những người nông dân và chủ trang trại có thể nuôi dưỡng cả thế giới.  Để đáp ứng được nhu cầu về lương thực trong tương lai, chúng ta cần phải giúp đỡ nông dân chọn công nghệ mới nhất về hạt giống mới nhất, cải thiện hệ thống thủy lợi và các kỹ thuật quản lý đất đai và gia súc.  Chúng ta cần phải giúp họ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ khi cần thiết một cách phù hợp.  Để đảm bảo không lãng phí vụ mùa tốt, chúng ta cần phải phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương như làm đường và xây dựng hệ thống kho lạnh.  Và để mang lại lợi ích cho người nông dân và đất nước của họ, chúng ta cần phải thúc đẩy thị trường địa phương sôi động với các thông tin minh bạch và cải thiện các dịch vụ tài chính.

\r\n

\r\n Công việc nhà nông, thậm chí ngay cả khi có ứng dụng kỹ thuật hiện đại, thì vẫn mang tính chất bấp bênh.  Do vậy chúng ta cần phải đảm bảo cung cấp nguồn lương thực đến những nơi chịu thảm họa thiên nhiên như lũ lụt hay hạn hán.  Điều đó có nghĩa là khuyến khích các quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế, bằng cách giúp họ quản lý nguồn lương thực sao cho các sản phẩm an toàn, bổ dưỡng có thể tiếp cận được tới những nơi cần chúng. 

\r\n

\r\n Kể từ khi Tổng Thống Obama trúng cử, Chính Phủ Hoa Kỳ đã nỗ lực làm việc để theo đuổi tất cả các chiến lược này.  Thông qua Sáng Kiến Nuôi Dưỡng Tương Lai, chúng tôi đã tập trung vào việc nâng cao sản lượng và thu nhập của những hộ nông dân nhỏ tại các khu vực cụ thể tại 20 nước.  Chúng tôi đã tập trung năng lực của nhiều cơ quan của Chính Phủ Hoa Kỳ – cũng như của các đối tác đa phương, các thành phần tư nhân và phi chính phủ – để theo đuổi việc nghiên cứu và xây dựng năng lực địa phương.

\r\n

\r\n Tại Bangladesh, một quốc gia thuộc Sáng Kiến Nuôi Dưỡng Tương Lai, USDA và các đối tác đang làm việc với các hiệp hội nông dân địa phương để giúp đỡ những hộ nông dân nhỏ thực hành thủy sản một cách hiệu quả hơn. Người nông dân được tập huấn cách nuôi tôm thay thế cho nuôi cá chép.  Nhiều người đã bắt đầu trồng rau trên đất bỏ hoang bên cạnh các ao hiện có.  Điều này đã giúp cho nông dân tăng thu nhập lên gấp đôi, cũng như cung cấp nguồn rau an toàn, tăng cường dinh dưỡng cho các gia đình nông dân trong vùng.  Dự án này đã được thực hiện một cách bền vững bằng cách xây dựng được các cơ sở ấp giống tôm – cũng như các cơ sở tiếp thị sản phẩm.

\r\n

\r\n Một vài năm trở lại đây cộng đồng thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của những công việc trên.  Vào năm 2009, các nhà lãnh đạo G-8 đã cam kết tăng trợ giúp quốc tế cho phát triển nông nghiệp lên tới 20 tỷ đô la Mỹ.  Cuộc đàm thoại được tiếp tục vào giữa năm ngoái, giữa các bộ trưởng của các nước G-20 và sẽ được thảo luận tại hội nghị U.N. vào năm tới về phát triển bền vững tại Braxin. 

\r\n

\r\n Do vậy tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ tham gia vào sự vận động quốc tế và tiếp tục theo đuổi hợp tác và phổi hợp trong nỗ lực này.  Trong những thập kỷ qua, đất nước của các bạn đã cho thấy có thể đạt được những thành quả gì với sự lao động cần cù, các chính sách thông thái và sự cam kết đối với nông nghiệp.  Ngày nay, Việt Nam và người dân Việt Nam đang sẵn sàng tiến bước sâu hơn vào trường quốc tế và gặt hái được những thành công lớn.  Các cơ hội thật đáng kinh ngạc, khi đất nước của các bạn ngày càng được tham gia hơn thông qua Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương. 

\r\n

\r\n Giáo dục đưa đến một lĩnh vực quan trọng khác cho sự hợp tác.  Tôi biết rằng trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội đang hợp tác với trường Đại Học Tổng Hợp California ở Davis.  Các giáo sư đã qua lại nhiều lần để học hỏi và giảng dậy.  Các sinh viên của cả hai quốc gia chúng ta nhận được những lợi ích từ sự trao đổi và mở rộng cho các ý tưởng và bước tiếp cận mới, và sự khuyến khích suy nghĩ sáng tạo. 

\r\n

\r\n Trong những năm tới, chúng ta cần phải tiếp tục làm việc cùng với nhau để đối phó với vấn đề an ninh lương thực.  Giúp đỡ các nước thông qua tăng trưởng nông nghiệp diện rộng là phù hợp cả về vấn đề đạo đức và ý nghĩa kinh tế.   

\r\n

\r\n Chỉ cần nhìn vào hình ảnh của các bạn chúng tôi đã thấy ảnh hưởng của sự phát triển ra sao.  Chỉ trong vòng vài thập kỷ qua, các bạn đã đi lên từ một đất nước nhận viện trợ lương thực thành một đất nước vững mạnh mà chúng ta thấy ngày hôm nay.  Và chúng ta là những đối tác thương mại sống động có mối quan hệ hợp tác hai bên cùng   có lợi cho người dân ở cả hai đất nước. 

\r\n

\r\n Do vậy đã đến lúc chúng ta cần cống hiến bản thân để đáp ứng các thách thức trước mắt của an ninh lương thực.  Trong những năm tới và những thập kỷ tiếp theo chúng ta phải làm sao mang đến cho thế giới đói nghèo một niềm hy vọng thông qua việc giải quyết an ninh lương thực với các cam kết về phát triển nông nghiệp. 

\r\n

\r\n Cùng với nền giáo dục mà tất cả các bạn nhận được ở đây, mỗi cá nhân có cơ hội hỗ trợ thúc đẩy nỗ lực đó.  Tôi hy vọng rằng tôi có thể trông cậy vào nhiều người ở đây tham gia vào sự nghiệp này để tạo ra sự ảnh hưởng đến đất nước của các bạn và khắp nơi trên thế giới.  Sự ổn định về kinh tế, chính trị của cả thế giới, và sự thịnh vượng của cả hai dân tộc, phụ thuộc vào sự đối phó với những thách thức này của chúng ta. 

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n Xin cảm ơn rất nhiều. 

\r\n