\r\n Dạ hiến (Erythropalum scandens Blume), tiếng Tày gọi là Phjắc diển, chủ yếu mọc tự nhiên tại các chân núi, sườn núi đá vôi ở Cao Bằng, từ lâu đã được coi là loại rau có tác dụng làm thuốc chữa các bệnh: viêm thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông. Đặc biệt cây rau dạ hiến sắc lấy nước uống chữa bệnh viêm gan siêu vi trùng đạt kết quả rất tốt và được đánh giá là một loại thực phẩm chức năng quý. Dạ hiến không chỉ đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon hấp dẫn mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Ðặc biệt, rễ cây rau dạ hiến đỏ còn là một vị thuốc chữa chứng vô sinh.
\r\n
\r\n Tuy nhiên trong nhũng năm gần đây, việc khai thác dựa vào tự nhiên và quá mức đã dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên cũng như nguy cơ tuyệt chủng nguồn gen bản địa quý này.
\r\n
\r\n Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có, vì thế, dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản ở Cao Bằng. Để bảo tồn và phát triển cả trong tự nhiên và nhân tạo loài cây bản địa này, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời khai thác giá trị thương mại của rau dạ hiến, TS Đoàn Văn Lư cùng tập thể bộ môn Rau hoa quả, khoa Nông học đã bước đầu thành công trong đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau dạ hiến theo hướng VietGap quy mô nông hộ tại huyện Quảng Uyên”.
\r\n
\r\n Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành các nội dung như: xây dựng mô hình vườn ươm nhân giống tại xã Phúc Sen quy mô 10.000 cây; xây dựng mô hình trồng mới quy mô nông hộ tại 50 hộ gia đình với diện tích quy đổi 5ha (5.000 cây) đã bắt đầu cho thu hoạch; xây dựng mô hình chăm sóc thâm canh quy mô 1ha; tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho hơn 530 lượt người, đào tạo 10 kỹ thuật viên, tổ chức các hội nghị đầu bờ, hội thảo khoa học và xây dựng Tổ hợp tác sản xuất và thiết kế và đăng kỹ nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm rau dạ hiến - Quảng Uyên…
\r\n
\r\n TS Đoàn Văn Lư cho biết: Dạ hiến là một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn các cây khác, sức mọc mầm lớn, có thể thu hoạch quanh năm nếu thực hiện đúng theo quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước mà đề tài đã nghiên cứu và triển khai cho người dân. Đặc biệt, việc nghiên cứu, hướng dẫn người dân thâm canh cây dạ hiến theo hướng VietGap sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên cơ sở tận dụng các vùng đất hoang hóa khu vực đá vôi. Rau dạ hiến trên thị trường có giá bán dao động khoảng 5.000-10.000 đồng/bó, trung bình khoảng 60.000-80.000 đồng/kg. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế và triển vọng phát triển của cây dạ hiến rất khả quan.
\r\n
\r\n Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần phát huy được lợi thế của địa phương, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng rau dạ hiến sạch của người dân trong và ngoài tỉnh. Về mặt thực tiễn, đề tài đã góp phần hạn chế sự nghèo kiệt của đất, giảm sự ô nhiễm môi trường, góp phần sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tạo ra nền nông nghiệp bền vững trên vùng đất đồi núi đá vôi với canh tác nông lâm kết hợp.
\r\n
\r\n Song song với việc mở rộng diện tích trồng cây dạ hiến, nhóm nghiên cứu phối hợp với UBND huyện Quảng Uyên thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau dạ hiến và tiến hành thiết kế mẫu nhãn hiệu cho rau dạ hiến; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm; hình thành chuỗi giá trị từ thu mua đến tiêu thụ rau tại Hà Nội thông qua hợp đồng tiêu thụ giữa Tổ hợp tác sản xuất rau dạ hiến với Công ty trách nhiệm hữu hạn Mã Thành Long… để sản phẩm rau dạ hiến của huyện Quảng Uyên mở rộng được thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần tăng thu nhập cho hộ nông dân.
\r\n
\r\n Một số hình ảnh rau dạ hiến
\r\n
\r\n