Ngày 14/8/2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài KHCN trọng điểm cấp Học viện: Xác định một số yếu tố độc lực và tính kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli sản sinh độc tố Shiga (STEC) phân lập từ thịt bán tại chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, mã số: T2022 - 09 - 07TĐ do ThS. Cam Thị Thu Hà – Khoa Thú y chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu gồm có TS. Bùi Thị Tố Nga - chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm: PGS.TS. Nguyễn Hữu Nam (Chuyên gia độc lập) - Phản biện 1, TS. Nguyễn Thị Thanh Hà (Khoa Thú y) - Phản biện 2, TS. Nguyễn Công Thành (Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế) - Uỷ viên; Th.S. Vũ Thị Ngọc - Thư ký HĐ; cùng với sự có mặt của ThS. Vũ Thị Xuân Bình - Ban KH&CN cùng các thành viên tham gia đề tài.

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện đề tài, Hội đồng đã đưa ra những nhận xét về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài: Escherichia coli sản sinh độc tố Shiga (STEC) đã được công nhận là một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất từ thực phẩm, có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng từ tiêu chảy đến tiêu chảy ra máu, viêm đại tràng xuất huyết, đặc biệt là hội chứng tăng ure huyết tán huyết và ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (Xia & cs., 2010) đe dọa tính mạng của con người. Mức độ nghiêm trọng của STEC phụ thuộc vào các nhóm huyết thanh và các yếu tố độc lực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, STEC được phát hiện trên cả thịt bò, thịt lợn và thịt gà, trong đó phổ biến nhất là trên thịt bò. STEC nhiễm vào thịt do quá trình giết mổ, chế biến, buôn bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (Haque & cs., 2022). Khi điều trị nhiễm trùng STEC, việc sử dụng kháng sinh phải được cân nhắc cẩn thận, vì một số loại kháng sinh như ciprofloxacin và co-trime có thể tăng cường sản xuất độc tố Shiga (Stx). Do đó, chỉ một số loại kháng sinh như azithromycin, fosfomycin và meropenem được khuyến cáo sử dụng cho điều trị nhiễm trùng STEC giai đoạn đầu, vì chúng đã được chứng minh là có tác dụng loại bỏ mầm bệnh một cách hiệu quả, ngăn chặn sự giải phóng độc tố Shiga và giảm nguy cơ suy thận. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là thực trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn hiện nay ngày càng tăng do việc sử dụng quá mức và lạm dụng kháng sinh trong cả nhân y và thú y. Do đó, việc điều trị nhiễm trùng STEC kháng kháng sinh đặt ra những thách thức đáng kể. Hơn nữa, STEC có thể chuyển plasmid di động chứa gen kháng kháng sinh với vi khuẩn E. coli hội sinh, từ đó biến đổi các chủng nhạy cảm thành chủng kháng thuốc kháng sinh (Sun & cs., 2019). Chính vì vậy, việc xác định các yếu tố độc lực và khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn STEC phân lập từ thịt bò, thịt lợn và thịt gà tươi sống là rất cần thiết, giúp cung cấp thêm thông tin và cơ sở khoa học để xây dựng biện pháp kiểm soát vi khuẩn này.

Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã tiến hành thu thập ngẫu nhiên 216 mẫu thịt bao gồm 72 mẫu thịt bò, 72 mẫu thịt lợn và 72 mẫu thịt gà tại 18 chợ và 18 siêu thị thuộc thành phố Hà Nội để phân lập STEC, kỹ thuật PCR được sử dụng để phát hiện các nhóm huyết thanh và các gen độc lực. Nghiên cứu đã phát hiện được STEC trên tất cả các loại thịt kiểm tra. Trong đó, tỷ lệ nhiễm cao nhất được ghi nhận trên thịt bò (9,72%), tiếp đến là thịt lợn (5,56%) và thấp nhất là thịt gà (1,39%). Các chủng phân lập được chủ yếu mang gen stx2, có một chủng mang gen stx1 và không có chủng nào mang đồng thời cả 2 gen stx1stx2. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phát hiện phát hiện 4/12 chủng mang gen eae (33,33%), 7/12 chủng mang gen ehxA (58,33%). Sự xuất hiện của các gen độc lực phụ làm tăng đặc tính gây bệnh của các chủng STEC. Ba nhóm huyết thanh được xác định bao gồm O157, O26 và O111. O157 được phát hiện trong mẫu thịt bò sống, trong khi O26 và O111 lần lượt được tìm thấy trong mẫu thịt lợn và thịt gà. Nghiên cứu hiện tại của chúng tôi là báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện của STEC O26 trong thịt lợn và STEC O111 trong thịt gà tại Việt Nam.

Các loại kháng sinh như ampicillin, tetracycline, streptomycin, trimethoprim/sulfamethoxazole, florfenicol đã được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi để phòng bệnh, chữa bệnh và kích thích sinh trưởng cho vật nuôi từ nhiều năm nay (Van Cuong & cs., 2016). Điều này có thể giải thích phần nào tỷ lệ kháng cao (66,67%-91,67%) của các chủng STEC phân lập với các loại kháng sinh này và tỷ lệ đa kháng cao (83,33%; 10/12) được quan sát thấy trong nghiên cứu này. Ngược lại, tỷ lệ kháng thấp với các kháng sinh cefotaxime, ceftazidime, cefepime, gentamicin và ciprofloxacin (đồng tỷ lệ 16,67%). Không có chủng STEC phân lập nào phát hiện kháng cefoxitin và meropenem. Nghiên cứu phát hiện được hai chủng STEC mang gen blaCTX-M-1, ba chủng STEC mang gen mcr-1. Đặc biệt, chủng STEC O111 phân lập từ thịt gà mang đồng thời cả hai gen blaCTX-M- 1 mcr-1.

Đề tài đã góp phần đào tạo 2 sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Thú y, giúp xây dựng nhóm nghiên cứu năng động, sáng tạo, nâng cao trình độ năng lực nghiên cứu của các giảng viên. Đồng thời, kết quả của nghiên cứu còn là cơ sở khoa học để phát triển các nghiên cứu tiếp theo về vi khuẩn STEC và nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên và các nhà khoa học. Đề tài đã đăng 01 bài báo khoa học “Prevalence, Molecular Characterization, and Antimicrobial Resistance Profiles of Shiga Toxin-Producing Escherichia coli Isolated from Raw Beef, Pork, and Chicken Meat in Vietnam” trên tạp chí Food (Q1, IF:5.077).

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài nghiệm thu đạt loại Xuất sắc, đề tài đã đạt được mục tiêu đề ra, có tính cấp thiết, tính mới và ý nghĩa thực tiễn. Kết quả nghiên cứu phản ánh được thực trạng ô nhiễm STEC trên thịt, cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao vì vậy phải có các biện pháp kiểm soát tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại đến kinh tế do việc thu hồi các sản phẩm thịt nhiễm STEC.                                    

Một số hình ảnh đề tài:

leftcenterrightdel
 Hình ảnh làm thí nghiệm
leftcenterrightdel
 Tỷ lệ kháng kháng sinh của các chủng STEC phân lập được
leftcenterrightdel
 Hội đồng nghiệm thu cấp Học viện

ThS. Cam Thị Thu Hà – Khoa Thú y

Ban Khoa học và Công nghệ