Ngày 22/03/2023, nhóm nghiên cứu mạnh Phát triển Du lịch và Ngoại ngữ, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức buổi seminar tư vấn do TS. Nguyễn Nhật Tuấn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế – Trường ĐH Hà Nội, Phó trưởng Ban chuyên môn - Đề án bồi dưỡng ngoại ngữ trình bày với chủ đề “Integrating E-learning into ELT” (Tích hợp phương pháp giảng dạy trực tuyến vào dạy và học tiếng Anh).

Tham gia chương trình, còn có sự hiện diện của các chuyên gia TS. Lương Ngọc Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, ThS. Phạm Minh Nguyệt – Phó GĐ Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Hà Nội; ThS Phạm Vinh – Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại Học Hà Nội, ông Vũ Lâm Bằng – Tổng GĐ Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam.

Mở đầu bài trình bày, diễn giả nhận định “Từ 2019, dưới tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề dạy-học trực tuyến (online) được đặt ra cấp thiết và đã được thực hiện ở hầu hết các trường học tại Việt Nam. Việc phải cân bằng công việc riêng, chăm sóc gia đình và dạy con cái học là một thách thức lớn”. Trong chương trình, diễn giả đã khảo sát sinh viên và giảng viên tham dự về ưu - nhược điểm của việc học online. Kết quả khảo sát tại chỗ cho thấy các ưu điểm của học online gồm sự tiện lợi do không phải di chuyển tới trường, người học có thể vừa học vừa thực hiện các việc khác trong cùng một thời gian, người dạy dễ triển khai các hoạt động games hoặc các hoạt động dạy học khác có sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các phần mềm trực tuyến... Bên cạnh đó, các nhược điểm của học online được đưa ra có liên quan đến mạng internet (rớt mạng, mạng kết nối kém…), sự mất tập trung, hạn chế tương tác giữa người học và người dạy và giữa người học với người học, việc quản lý lớp học… Từ đó, diễn giả nhấn mạnh sự cần thiết và ý nghĩa của việc áp dụng các công nghệ dạy – học trực tuyến một cách hợp lý, hiệu quả trong giảng dạy tiếng Anh.

TS. Nhật Tuấn cho rằng tồn tại mối quan hệ mật thiết giữa tư duy thiết kế môn học và các yếu tố trong giảng dạy tiếng Anh. Các câu hỏi đặt ra khi thiết kế môn học gồm: đối tượng người học là ai? Người dạy là ai? Kết quả học tập mong đợi là gì? Làm thế nào để sắp xếp các hoạt động giảng dạy theo trật tự logic, hợp lý? Làm thế nào để có thể đánh giá kết quả đầu ra của môn học ấy? Tất cả các yếu tố này cần được cân nhắc kỹ khi áp dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh: vai trò của người dạy và các công cụ hỗ trợ giảng dạy được phân định như thế nào trong giảng dạy trực tuyến? Từ góc nhìn này, diễn giả lý giải hai loại nội dung học tập trong ứng dụng học tập trực tuyến vào giảng dạy tiếng Anh:

(1) Nội dung học tập trực tuyến là công cụ bổ trợ cho việc học tập trực tiếp trên lớp với giáo viên (blended learning) và

(2) Nội dung học tập trực tuyến dành cho người học tự làm chủ các hoạt động học tập của mình (fully online learning).

Thông qua phân tích hai cách tiếp cận trên, diễn giả so sánh những lợi ích của việc áp dụng công nghệ và những bất cập mà công nghệ chưa đáp ứng được trong giảng dạy – học tập ngôn ngữ. Các hạn chế bao gồm: biểu cảm của người dạy và người học, sự tương tác, giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng cá nhân …). Để hạn chế tối đa các bất cập này, cần có một ứng dụng học tập trực tuyến phù hợp hết hợp với học tập trực tiếp với giáo viên. Để minh chứng cho quan điểm này, diễn giả giới thiệu một mô hình học tập trực tuyến hiện đang được áp dụng cho sinh viên theo học chương trình quốc tế tại Đại học Hà Nội. Trong mô hình này, sinh viên học trực tiếp  với giáo viên, áp dụng app học tập trực tuyến được thiết kế riêng cho chương trình để ghi lại bài giảng, làm bài tập và hoàn thành bài nộp ngay tại lớp trong thời gian quy định. Trong app học tập trực tuyến này, nội dung học tập được chia theo 2 loại: tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh học thuật. Trong từng nội, có các hoạt động, bài học, bài tập tương ứng với các trình độ người học khác nhau từ thấp đến cao…

Sau khi phân tích ví dụ minh chứng, diễn giả đưa ra đề xuất về cách tổ chức môn học:

(1) Công tác chuẩn bị: cần  xác định trước kết quả học tập mong đợi của môn học, thiết kế các bài học đựa trên kết quả học tập mong đợi này, lên kế hoạch giảng dạy các bài học theo tuần, từ đó xây dựng các hoạt động học tập, bài tập tương ứng.

(2) Triển khai thực hiện các hoạt động học tập.

(3) Đánh giá toàn bộ việc thực hiện tổ chức môn học để rút ra các bài học kinh nghiệm, điều chỉnh, cải tiến.

Kết thúc bài trình bày, TS. Nguyễn Nhật Tuấn nhấn mạnh các vấn đề cần cân nhắc khi tích hợp học tập trực tuyến trong giảng dạy tiếng Anh: mục đích của việc ứng dụng mô hình học tập trực tuyến? Dự kiến về cách áp dụng mô hình học tập trực tuyến? Các nguồn tài nguyên đã có để có thể ứng dụng mô hình này? Nội dung nào trong chương trình đào tạo mong muốn tích hợp học tập trực tuyến và thời điểm nào cần áp dụng mô hình này? Từ đó mới có thể đi đến việc thiết kế các hoạt động học tập trực tuyến phù hợp.

Việc ứng dụng các mô hình học tập trực tuyến trong giảng dạy nhận sự quan tâm lớn từ phía người tham dự, gồm các giảng viên và sinh viên khoa Du lịch và Ngoại ngữ. Do đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra và thảo luận cởi mở trong buổi seminar.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Phạm Hương Lan