Nấm sò vàng (Pleurotus citrinopileatus) không chỉ được biết đến với vai trò là loại nấm ăn mà còn là loại dược liệu quý. Trên thế giới, nấm sò vàng đã được nghiên cứu từ lâu và nuôi trồng thành công để khai thác giá trị dược liệu nhằm phục vụ làm dược phẩm tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nấm sò vàng chưa được nghiên cứu và nuôi trồng nhiều. Chưa có nhiều nghiên cứu về sinh trưởng của hệ sợi và điều kiện nuôi trồng nấm sò vàng được công bố. Phạm Thị Thu & cs., (2018) lần đầu tiên nghiên cứu về quy trình, môi trường và điều kiện tối ưu để nhân giống dịch thể nâm sò vàng chủng CTM. Với tiềm năng và khả năng ứng dụng cao của loại nấm này, những nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng và phát triển quả thể nấm sò vàng là thực sự cần thiết. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khoa Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu sự sinh trưởng của hệ sợi và phát triển quả thể nấm sò vàng nhằm nâng cao sinh trưởng, hiệu suất nấm sò vàng chủng Pc-1 thông qua tối ưu điều kiện dinh dưỡng môi trường nhân giống và giá thể nuôi trồng.
Hình 1. Nấm sò vàng (Sưu tầm)
Để tìm ra yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hệ sợi nấm sò vàng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm và tìm ra nguồn cacbon, nitơ và mức nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng của hệ sợi, đồng thời tìm ra cơ chất nuôi trồng phù hợp cho hiệu suất sinh học cao nhất. Quan nghiên cứu cho thấy, hệ sợi nấm sò vàng sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 25±10C, nguồn cacbon tốt nhất cho sinh trưởng hệ sợi nấm sò vàng là fructose với hàm lượng 20g/l. Pepton được xem là nguồn nitơ phù hợp nhất cho sinh trưởng của nấm sò vàng với hàm lượng bổ sung 4g/l; cơ chất nuôi trồng phối trộn theo tỷ lệ 49,50% mùn cưa, 49,50% bông, 1% bột nhẹ cho hiệu suất nấm sò vàng cao nhất đạt 31,45%.
Để đánh giá quá trình phát triển quả thể nấm sò vàng, 5 công thức nuôi trồng được sử dụng. CT1 và CT2 cho kết quả sinh trưởng hệ sợi nhanh nhất (Hình 4A và 4B). Thời gian hệ sợi sinh trưởng kín bịch cơ chất là 20-21 ngày. Hệ sợi nấm sò vàng sinh trưởng chậm nhất trên CT5 với tốc độ trung bình hệ sợi đạt 5,11 mm/ngày. Hệ sợi nấm ở tất cả các công thức đều bắt đầu sinh trưởng từ ngày thứ 5 và phát triển mạnh từ ngày thứ 15. Mật độ hệ sợi tỷ lệ thuận với hàm lượng cám mạch bổ sung vào cơ chất (Hình 4A và 4B). Hệ sợi sinh trưởng dày nhất trên nền cơ chất bổ sung 20% cám mạch, và thưa nhất khi cơ chất không được bổ sung cám. Bổ sung cám mạch vào cơ chất nuôi trồng làm tăng tỷ lệ nitơ trong cơ chất và làm cho quá trình sinh tổng hợp enzyme và protein diễn ra thuận lợi hơn.
Ghi chú: Các công thức thí nghiệm mang các chữ cái khác nhau là khác nhau có ý nghĩa thống kê P <0.05
Hình 4. Sinh trưởng hệ sợi và hình thái quả thể nấm sò vàng
trên các cơ chất nuôi trồng khác nhau
Như vậy, điều kiện dinh dưỡng và điều kiện nuôi cấy đóng vai trò quyết định đến sinh trưởng của nấm sò vàng chủng Pc-1. Dựa trên kết quả nghiên cứu, chủng nấm sò vàng sinh trưởng tốt nhất ở mức nhiệt độ 25ºC ±1. Nguồn cacbon phù hợp nhất đối với sinh trưởng hệ sợi nấm sò vàng là fructose với hàm lượng 20g/l. Nấm sò vàng sinh trưởng tốt nhất trên môi trường bổ sung pepton với hàm lượng 4g/l. Chủng Pc-1 đạt hiệu suất sinh học cao nhất trên giá thể nền gồm mùn cưa và bông có bổ sung thêm ít hơn 5% cám mạch (HSSH >31%).
Link chi tiết truy cập tại: http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2022/05/tap-chi-so-5.9.pdf
Đào Hương - Nhà xuất bản