Chiều 23/8/2021 đã diễn ra buổi trình bày Seminar của Giảng viên Nguyễn Thị Thu Quỳnh – Bộ môn Kinh tế với chủ đề “Đánh giá tính bền vững của hệ thống nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng”.
Buổi Seminar diễn ra với sự chủ trì của TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa và sự tham gia của đông đảo các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.
|
|
Seminar diễn ra qua phần mềm MS. Teams |
Qua bài trình bày, cô Quỳnh đã cho biết: đây là một nội dung trong kết quả nghiên cứu của Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển của cô với chủ đề: “Quản lý nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng”.
Nghiên cứu được lựa chọn do thực tế Hải Phòng là một thành phố trực thuộc Trung ương nhưng tỷ lệ dân số sống trên địa bàn nông thôn vẫn chiếm trên 54%. Theo báo cáo của UBND thành phố thì đến năm 2019, có 92,1% dân số đã được tiếp cận và sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, kết quả kháo sát thực tế lại không như vậy: nhiều địa phương người dân chưa được tiếp cận nước sạch, 1 số nơi chất lượng nước không đảm bảo sạch như cam kết, và đặc biệt có nhiều nhà máy cấp nước trên địa bàn hiện đang hoạt động cầm chừng và thiếu hiệu quả. Do vậy cần thiết phải có nghiên cứu, đánh giá tính bền vững thực tế của hệ thống các nhà máy cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố.
|
|
Tác giả trình bày kết quả nghiên cứu |
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu Desk-study để tổng hợp, đối chiếu các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề “tính bền vững của hệ thống nước sạch” và các báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tác giả đã lựa chọn được 6 tiêu chí ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống nước sạch, bao gồm: water input source – bền vững về nguồn nước đầu vào, plant capacity – bền vững về công suất, operation staffs - bền vững về đội ngũ nhân viên, financing - bền vững về tài chính, Technology - bền vững về công nghệ và water availability - bền vững về khả năng cấp nước thường xuyên. Các tiêu chí được đánh giá theo thang điểm 1-3 theo mức độ bền vững từ thấp đến cao. Tiếp đó, tác giả tính toán điểm bền vững trung bình của hệ thống theo từng tiêu chí và tổng điểm bền vững của cả hệ thống.
|
|
Các tiêu chí ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống nước sạch nông thôn |
Kết quả nghiên cứu chỉ ra hệ thống nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng chưa thực sự bền vững như kỳ vọng. Tổng điểm bền vững chỉ đạt 12,9/18 điểm. Hai tiêu chí có mức điểm bền vững thấp nhất là bền vững về công suất hoạt động thực tế của nhà máy và bền vững về tài chính do nhu cầu sử dụng nước sạch như nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân còn thấp, nhiều nhà máy đã được xây dựng từ lâu nhưng không có tiền đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Do vậy trong thời gian tới, tác giả cũng khuyến nghị chính quyền thành phố Hải Phòng và các tác nhân liên quan cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền người dân gia tăng sử dụng nước sạch do các nhà máy cung cấp làm nguồn nước sinh hoạt chủ yếu, kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp và nâng cao kỹ năng, trình độ cho nhân viên nhà máy để đảm bảo cung ứng tốt dịch vụ nước sạch phục vụ sinh hoạt của bà con nông dân thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.
Sau phần trình bày của cô Quỳnh, nhiều thầy, cô đã cho ý kiến nhận xét và đóng góp quan trọng, có ý nghĩa đối với nghiên cứu: như ý kiến của GS.TS Đỗ Kim Chung, PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng, TS. Nguyễn Hữu Nhuần,… Các ý kiến góp ý, thảo luận đã làm cho buổi báo cáo trở nên sôi nổi và giúp cho tác giả có thể hoàn thiện hơn bài nghiên cứu của mình cũng như mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo cho các giảng viên, sinh viên của Khoa tiếp tục theo đuổi.
|
|
PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng cho ý kiến góp ý cho tác giả |
Buổi trình bày khép lại một buổi Seminar định kỳ của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, đây là một hoạt động định kỳ, thường xuyên giúp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Khoa, hướng tới nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên của Khoa và Học viện./.
Nhóm NCM Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường