Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa đã hoạt động liên tục và khá hiệu quả trong nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ của Khoa. Các hoạt động seminar thường kỳ được triển khai liên tục ở Khoa và các buổi chiều thứ 2 trong các tuần. Ngày 20 tháng 03 năm 2023, tại phòng 405 của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, TS. Trần Đức Trí đại diện cho nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã trình bày nghiên cứu với chủ đề: “Technical inefficiency and production risk of maize farming: A Case study of the Northwestern, Vietnam – Bất hiệu quả kỹ thuật và rủi ro trong sản xuất ngô: Nghiên cứu điểm tại vùng Tây Bắc Việt Nam”.

leftcenterrightdel
 TS. Trần Đức Trí trình bày trong buổi seminar

Thực tế cho thấy các hộ sản xuất nông nghiệp thường không đạt được hiệu quả kỹ thuật đầy đủ, nói cách khác các hộ sản xuất vẫn thường xuyên tồn tại sự kém hiệu quả kỹ thuật và nó tạo nên sự chênh lệch giữa những hộ thể hiện tốt và những hộ kém hơn. Thêm vào đó rủi ro trong sản xuất đối với sản xuất nông nghiệp là một trong những đặc điểm cố hữu trong đó là rủi ro khi lượng đầu vào ảnh hưởng đến lượng đầu ra.

Nghiên cứu đã chia sẻ rằng việc xác định rủi ro sản xuất và và sự thiếu hiệu quả kỹ thuật trong nghiên cứu có thể được dựa và hai phương pháp đó là: sản xuất ngẫu nhiên của Just and Pope và phân tích biên ngẫu nhiên. Nghiên cứu được sử dụng dữ liệu balanced panel của 435 hộ sản suất ngô, được thu thập 2 năm một lần từ 2008 đến 2016 với 5 vòng điều tra và có được 2.175 mẫu trên địa bàn 3 tỉnh Tây Bắc (Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu). Dựa vào các giả định về cấu trúc nghiên cứu đã đưa ra 5 mô hình, sau đó thông qua sử dụng LR test (loglikelihood ratio test) nghiên cứu lựa chọn được mô hình tốt để dùng mô hình này ước tính cho các bước tiếp theo. Ước tính về rủi ro sản xuất đã chỉ ra rằng đất đai, lao động, thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật làm gia tăng sự thay đổi về sản lượng. Đây là cơ sở để chỉ ra rằng để giảm thiêu rủi ro trong sản xuất ngô thì sự gia tăng về diện tích cây trồng, lao động và thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm thiểu rủi ro trong sản xuất ngô. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu quả kỹ thuật trong sản xuất ngô ở vùng Tây bắc đạt 82,75%, trong đó, tỉnh Điện Biên là tỉnh có hiệu quả kỹ thuật công nghệ cao nhất trong sản xuất ngô, tiếp theo sau đó là tỉnh Lào Cai và thấp nhất là tỉnh Lai Châu. Các yếu tố tác động đến hiệu quả kỹ thuật được chỉ ra đó là giới tính chủ hộ, số lượng thành viên trong hộ, trình độ học vấn của chủ hộ, tỷ lệ tưới tiêu, tỷ lệ rủi ro, độ phân tán đất đai. Từ đó, nghiên cứu cũng đề xuất các khuyến nghị chính sách về giáo dục, đào tạo, về thủy lợi, về chính sách đất đai (giảm thiểu phân mảnh đất đai).

Seminar diễn ra với những thảo luận sôi nổi của đại biểu tham dự. Các đại biểu cũng kỳ vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều chia sẻ của các nhóm về chủ đề tương tự góp phần khuyến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất ngô cũng như các cây trồng vật nuôi khác./.

TS. Trần Đức Trí - Nhóm NCM Chính sách nông nghiệp