Ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao đang được các cấp, các ngành, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm với mục đích nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây chế biến bắt nguồn từ công nghệ nuôi cấy mô kết hợp với công nghệ khí canh” là đề tài trọng điểm cấp Nhà nước, do GS. TS Nguyễn Quang Thạch làm chủ nhiệm, cùng cộng sự Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu thành công, giúp Việt Nam tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền nhập khoai tây giống mỗi năm.

Công nghệ nuôi cấy mô kết hợp khí canh là công nghệ trồng cây không cần đất. Dinh dưỡng được cung cấp bằng cách phun trực tiếp vào rễ cây, môi trường hoàn toàn sạch bệnh, không cần dùng thuốc trừ sâu bệnh, chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch, tiết kiệm nước và dinh dưỡng do có thể điều khiển tự động hóa được thời gian phun dinh dưỡng. Bên cạnh đó, với phương pháp này, cây sẽ sinh trưởng nhanh, cho năng suất cao và người trồng điều khiển được môi trường nuôi trồng. Ngoài ra, còn có những lợi ích khác như giảm chi phí về nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất cây trồng lên 45 - 75%. Vì vậy, việc phát triển công nghệ sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh đóng vai trò quan trọng giúp tạo ra được lượng lớn giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các cấp giống tiếp theo và hoàn toàn chủ động về thời vụ, số lượng, đáp ứng được nhu cầu giống khoai tây sạch bệnh, tăng thu nhập cho người dân.

Việc ứng dụng công nghệ khí canh trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh còn có vai trò quan trọng trong việc chủ động nguồn giống khoai tây tại chỗ góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Sự thành công của dự án đã mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới có thu nhập cao cho người nông dân, khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên từng địa phương, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa góp phần giảm bớt việc nhập khẩu các loại giống khoai tây chất lượng cao. Ngoài ra, với việc tạo được số lượng lớn củ giống sạch từ việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh giúp bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp bền vững.

Sau hai năm triển khai, kết quả của dự án thu được rất khả quan: đã lựa chọn được bộ giống khoai tây thích hợp cho chế biến, đó là các giống khoai tây Atlantic, Megechip, Beacon chipper. Hàm lượng chất khô của các giống từ 21-23%, tinh bột từ 18-21%, đường khử 0,025-0,035%, phù hợp với tiêu chuẩn. Với mô hình sản xuất củ giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận giống khoai tây chế biến đã được xây dựng, nhóm dự án đã triển khai ứng dụng vào thực tế và thu được kết quả như sau: 9,8 vạn cây giống gốc phục vụ cho sản xuất củ siêu nguyên chủng; 1 triệu củ mini sạch bệnh để sản xuất củ giống nguyên chủng; 90 tấn củ giống nguyên chủng dành cho sản xuất củ giống cấp xác nhận; 200 tấn củ giống xác nhận đã ra đời… Cũng trong thời gian này, nhóm dự án đã tìm ra điều kiện khử trùng tốt nhất đối với mầm cây khoai tây, nền môi trường thích hợp nhất đối với sinh trưởng của mầm mẫu, điều kiện xử lý ra củ, độ tuổi cây thích hợp cho việc xử lý ra củ…

Theo tính toán của các nhà khoa học, sau khi giải quyết được nhu cầu về giống, khoai tây sẽ trở thành cây trồng chính ở vụ đông tại đồng bằng Bắc Bộ và là ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Về lâu dài, nguồn lương thực này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất khoai tây hàng hóa phục vụ cho công nghiệp chế biến, giữ khoai tây là cây trồng chiến lược quan trọng trong cơ cấu cây trồng vụ đông ở Việt Nam.

 

Hiện nay, công nghệ khí canh của Viện Sinh học Nông nghiệp đã được chuyển giao thành công cho các đơn vị:

- Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nam Định năm 2013

- Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp Lào Cai năm 2013

- Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình năm 2013

- Công ty Cổ phần Giống Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam năm 2013

- Bộ Khoa học và Công nghệ Indonesia năm 2013

- Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Bắc Giang năm 2014