Phân lập, tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose để xử lý phế phụ phẩm từ cây chuối
Cập nhật lúc 08:13, Thứ ba, 14/05/2024 (GMT+7)
Nhóm sinh viên: Nguyễn Phương Linh; Đỗ Lan Anh; Nguyễn Ngọc Ánh – Khoa Công nghệ thực phẩm.
Ở Việt Nam, chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái, cho sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn, nhưng chỉ sử dụng khoảng 12% khối lượng, 88% còn lại là chất thải rắn. Mục đích của nghiên cứu là phân lập và tuyển chọn được chủng vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose, thành phần chính của chất thải rắn và bước đầu ứng dụng trong xử lý phế phụ phẩm cây chuối. Kết quả phân lập được vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose mạnh là chủng Bacillus megaterium H3 từ 12 mẫu đất và rác thải cây chuối, đồng thời lựa chọn được môi trường và điều kiện nuôi cấy vi khuẩn phù hợp để sinh enzyme cellulase hoạt lực cao. Vi khuẩn B. megaterium H3 sinh enzyme tốt nhất ở trong các điều kiện môi trường có nguồn carbon CMC, nguồn nitơ NH4Cl, nhiệt độ 30oC, thời gian 16h, tốc độ lắc 200 vòng/phút, pH ban đầu 7. Phế phụ phẩm thân chuối bổ sung vi khuẩn B. megaterium H3 giúp phân giải cellulose tốt hơn 32,28% so với mẫu đối chứng. Kết quả của nghiên cứu sẽ làm tiền đề cho các nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm từ cây chuối.