Porcine adenovirus (PAdV) gây ra triệu chứng tiêu chảy ở lợn con từ 1 đến 4 tuần tuổi. Có ba loài Adenovirus (AdVs) gây bệnh cho lợn là A, B và C, trong đó bằng phản ứng trung hòa, người ta đã xác định được có 6 serotypes. Những nghiên cứu về sự lưu hành của Porcine Adenovirus ở lợn nuôi tại Việt Nam vẫn chưa báo cáo nào đề cập đến. Vì vậy, chúng tôi tiến hành “Nghiên cứu xác định sự có mặt của Porcine Adenovirus (PAdV) ở lợn nuôi tại Hà nội và vùng phụ cận”. Mục đích của nghiên cứu là nhằm xác định sự có mặt của PAdV ở lợn nuôi tại Hà Nội và vùng phụ cận. Các kết quả nghiên cứu của đề tài  sẽ đóng vai trò là cơ sở khoa học quan trọng trong việc xác định sự lưu hành, định hướng chọn chủng virus cho các nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về PAdV ở lợn.

 Nội dung chính của đề tài bao gồm: Xác định sự có mặt của virus trong các mẫu thu được; Giải trình tự gen hexon của PAdV; và  Xác định một số đặc điểm dịch tễ của PadV. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu bao gồm: 140 mẫu phân thu thập từ lợn con theo mẹ có triệu chứng tiêu chảy được chiết tách DNA; sau đó sử dụng kỹ thuật nested PCR với cặp mồi đặc hiệu được công bố trước đó (Maluquer De Motes & cs., 2004) để phát hiện ra PAdV có trong các mẫu nghiên cứu. Các mẫu PCR dương tính với PAdV được tinh sạch và đem đi giải trình tự thực hiện tại công ty 1st base DNA Sequencing Division, Malaysia.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR đã được ứng dụng thành công trong chẩn đoán Porcine Adenovirus - PAdV gây tiêu chảy ở lợn. Có 61/140 mẫu dương tính với PAdV chiếm tỷ lệ là 43,57%; trong số 14 trại kiểm tra có đến 10/14 trại với tỷ lệ 71,43%  phát hiện có sự lưu hành của PAdV. Giữa các khu vực khác nhau thì có tỷ lệ dương tính với PAdV khác nhau, trong đó Hà Nội có tỷ lệ dương tính với PAdV là 17/55 (31%), Ninh Bình là 7/25 (28%), Hưng Yên là 10/20 (50%), Hải Phòng là 15/15 (100%), Vĩnh Phúc 2/10 (20%), Quảng Ninh 10/15 (66,67%). Có sự sai khác về tỷ lệ dương tính với PAdV giữa các khu vực Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh có ý nghĩa thống kê (p<0.05). Không có sự sai khác về tỷ lệ mắc giữa khu vực Ninh Bình; Hưng Yên; Vĩnh Phúc và Hà Nội (p>0.05). Nghiên cứu này cho thấy ở Việt Nam đã có sự lưu hành của virus PAdV ở đàn lợn nuôi tại Hà Nội và vùng phụ cận.

leftcenterrightdel

Hình 1. Cây phát sinh chủng loại dựa trên trình tự đoạn gen mã hóa protein Hexon của PAdV. Giá trị bootstrap ở mỗi nhánh biểu thị mức độ tin cậy của phân nhánh. Thước đo ở phía dưới của cây biểu thị tốc độ đột biến nucleotide/vị trí.

Chú thích: Các chủng trong ô vuông màu đỏ là những chủng PAdV trong nghiên cứu này. Các chủng PAdV đánh dấu màu xanh sẽ là những chủng tham chiếu được lựa chọn ngẫu nhiên để phân tích sự tương đồng về trình tự nucleotide với các chủng trong nghiên cứu này.

Kết quả giải trình tự phân đoạn gen hexon của PAdV thu được từ các mẫu bệnh phẩm trên cũng xác định được 06 chủng PAdV lưu hành ở Việt Nam gồm: PAdV-8; PAdV-25; PAdV-26; PAdV-28; PAdV-33; PAdV-34. Kết quả phân tích dịch tễ học phân tử của PAdV cũng cho thấy 06 chủng PAdV phân lập được ở Việt Nam đều thuộc Porcine Adenovirus serotype 3 thuộc loài Adenovirus A, chi Mastadenovirus. Mức độ tương đồng nucleotide giữa 06 chủng PAdV phân lập được dao động từ 96,1% đến 100% và so với chủng tham chiếu NC_005869&Porcine_AdV-3 dao động từ 94,4%-96,4%.

Lê Văn Trường - Khoa Thú Y

Ban Khoa học và Công nghệ