Trên thế giới hoa hiên đã được sử dụng trong trang trí cảnh quan từ lâu, do sự đa dạng về hình dáng, màu sắc và thời gian nở hoa (Dunwell, 2000). Bên cạnh việc sử dụng trang trí cảnh quan, hoa hiên cũng được sử dụng như là một loại rau trong cuộc sống hàng ngày của con người (Pollard và cộng sự, 2004; Knight và cộng sự, 2004) hoặc làm thuốc, đặc biệt ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số quốc gia vùng Đông nam Á (He Qi và cộng sự, 2011; NSW American Hemerocallis Society, 2007). Nghiên cứu cho thấy nụ và hoa của hoa hiên có hàm lượng protein và vitamin C cao hơn đậu xanh và măng tây, hàm lượng vitamin A tương đương măng tây (Ehardt, 1992).

Ở Việt Nam, hoa Hemerocallis được biết đến chủ yếu với công dụng làm thuốc. Hiện nay, người ta thường dùng hoa hiên dưới dạng hoa khô có thể bảo quản và sử dụng trong thời gian dài.

Nhu cầu sử dụng hoa hiên trong trang trí cảnh quan ngày càng tăng nên việc tìm ra các phương pháp nhân giống với hệ số nhân giống cao luôn được quan tâm (Heuser và Apps, 1976; Erhardt, 1992).

Do sự kém đa dạng về chủng loại hoa hiên ở Việt Nam nên hoa hiên chưa phát huy được hết giá trị trong trang trí cảnh quan trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng. Vì vậy, nhằm chọn, tạo được các dòng/ giống hoa hiên phù hợp với trồng trọt trong điều kiện khí hậu tại Hà Nội và có triển vọng đưa vào sản xuất hoa thảm, hoa chậu, hoa bụi trang trí cảnh quan việc chọn tạo ra các giống/ mẫu giống có tiềm năng cho trang trí cảnh quan, sau 2 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu phát triển nguồn gen hoa hiên (Hemerocallis sp.) phục vụ trang trí cảnh quan tại Hà Nội” do TS. Phạm Thị Minh Phượng, bộ môn Rau – Hoa – Quả, khoa Nông học, cùng cộng sự thực hiện đã đạt được một số kết quả chính sau:

- Thu thập và xây dựng được một tập đoàn hoa hiên Việt Nam và nhập nội với tổng số 24 mẫu giống.

- Lựa chọn được một số giống hoa hiên có đặc điểm nổi trội cho công tác lai tạo giống hoa hiên Việt Nam như C11, C19, C24 và C20 (thời gian trang trí dài), C3, C2, C9, C6 và C10 (chiều cao cây thấp, thích hợp trồng thảm), C14 và C15 (đường kính hoa lớn), C11, C 12, C19 và C26 (giống tứ bội), C24 (cánh kép).

- Lựa chọn được 12 giống hoa nhập nội có hình dáng, màu sắc, kích thước hoa khác biệt các giống phổ biến ở Việt Nam có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt có thể sử dụng trong trang trí cảnh quan mùa hè tại Hà Nội. Chiều cao ngồng hoa đa dạng từ 10cm (C3) - 90,9cm (C14), đường kính hoa từ 4,6cm (C4) – 15,5cm (C14), màu hoa đỏ, tím, vàng – tím…

- Xây dựng được 02 quy trình nhân giống hoa hiên bằng phương pháp giâm chồi và nuôi cấy mô tế bào. Các quy trình đơn giản, dễ làm, dễ triển khai trong điều kiện Việt Nam, hệ số nhân giống cao 2,9 lần (với phương pháp giâm chồi) hoặc hơn 3 lần (phương pháp nuôi cấy mô tế bào) so với phương pháp nhân giống thông thường.

- Lai tạo thành công một số tổ hợp lai hoa hiên từ nguồn gen trong nước và nhập nội, các cây lai sinh trưởng tốt và bước đầu đã lựa chọn được 14 cây lai có triển vọng cho sản xuất dựa trên các đặc điểm khác biệt với cây bố mẹ về màu sắc và hình dạng hoa.

- Xây dựng 2 mô hình trang trí cảnh quan bồn hoa hoa hiên. Cây được trang trí tự nhiên, hoa nở nhiều, thời gian trang trí dài.

 

 Hình ảnh một số cây hoa hiên Việt Nam và hiên lai có triển vọng năm 2014

(từ trên, bên trái sang phải lần lượt là hoa hiên vàng, hoa hiên cam Việt Nam (cây mẹ)), KC21.1;KC9.1; KC11.2; KC16.3, KC16.5; KC20.21; KC10.2, KC20.6, KC6; KC20.20; KC11.9; KC16.8; KC16.8; KC16.3

Hoa hiên Việt Nam và Nhập nội