Ngày 11/11/2022, tại Phòng họp 2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Học viện đề tài trọng điểm: Nghiên cứu cơ chế phân tử của tính kháng rầy nâu trên lúa”, mã số: T2019-12-06TĐ do TS. Đinh Trường Sơn chủ trì.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là PGS. TS. Nguyễn Xuân Cảnh, cùng các thành viên trong Hội đồng bao gồm: PGS. TS. Lê Đức Thảo, TS. Huỳnh Thị Thu Huệ, TS. Ninh Thị Thảo, TS. Nguyễn Thị Thuý Hạnh và sự có mặt của ThS Vũ Thị Xuân Bình – Ban KH&CN. Hội đồng đã đưa ra những nhận xét về ý nghĩa khoa học cũng như khả năng ứng dụng của đề tài. Rầy nâu (BPH) (Nilaparvata lugens Stal) là một trong những côn trùng gây hại lúa nghiêm trọng nhất ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới và là đối tượng sâu hại gây tổn thất nặng nề nhất cho sản xuất lúa ở Châu Á. Hơn bao giờ hết, việc chọn tạo giống lúa kháng rầy là cách tiếp cận quan trọng làm giảm thiệt hại do rầy nâu. Để làm được điều đó, việc tìm ra cơ chế phân tử về cách thức đáp ứng với rầy nâu của lúa sẽ là tiền đề quan trọng. Chính vì vậy, đề tài có tính khoa học và tiềm năng ứng dụng trong chọn tạo giống lúa kháng rầy.

Đề tài đã khảo sát được sự đa dạng di truyền của 8 giống lúa trong đó giống Taichung Native 1 (TN1) là giống nhiễm chuẩn và 7 giống kháng rầy (Hangangchal, Pokkali, IRBB10, TSC3, KR8, KR1, IRBB8). Kết quả cho thấy 8 giống lúa rất đa dạng về mặt di truyền và có thể được sử dụng để chọn lọc vật liệu bố mẹ để tạo ra giống lúa kháng rầy nâu. Đề tài cũng đã tiến hành phân tích: (1) Các phytohormones quan trọng liên quan tới cơ chế đáp ứng với sự tấn công của rầy nâu như: OPDA, axit jasmonic, axit jasmonic Isoleucine, axit salicylic, axit abscisic; (2) Sự tích luỹ các hợp chất sơ cấp; (3) Các hợp chất thứ cấp có ảnh hưởng bất lợi tới sinh trưởng phát triển của rầy nâu (hợp chất kháng trực tiếp); (4) Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (tính kháng gián tiếp). Trong đó, sự khác biệt rất lớn về khả năng tích luỹ các hợp chất kháng rầy như feruoyl putrescine và N-feruloylspermidine của các giống kháng cho phép giải thích ở mức độ cơ chế phân tử tại sao một số giống lúa lại kháng rầy. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chấp nhận đăng trên Tạp chí Asian Journal of Plant Sciences (thuộc danh mục Scopus, Q4, H-index 32, impact factor 0.78).

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, về tổng thể, đề tài nghiên cứu đạt được mục tiêu đề ra. Nhìn chung, đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, tính mới và có tiềm năng ứng dụng thực tiễn. Kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng vào giảng dạy về ứng dụng chỉ thị phân tử trong đánh giá đa dạng di truyền. Thêm vào đó, đề tài cũng góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các thành viên tham gia trong đề tài.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến nhận xét của thành viên Hội đồng khoa học, PGS. TS. Nguyễn Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết luận: Đây là một đề tài khoa học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, các phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục đích. Đề tài có giá trị khoa học và tiềm năng ứng dụng thực tiễn. Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với tổng điểm trung bình 87,8 và xếp loại Tốt.

Một số hình ảnh buổi nghiệm thu:

leftcenterrightdel
 PGS.TS. Nguyễn Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội đồng đọc Quyết định nghiệm thu
leftcenterrightdel
 TS. Đinh Trường Sơn báo cáo kết quả đề tài Nghiên cứu cơ chế phân tử của tính kháng rầy nâu trên lúa