Dự án Thịt lợn an toàn “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn ở Việt Nam” được triển khai từ năm 2018 với nhiều hoạt động đa dạng, được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành khác nhau dưới sự điều phối của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và sự tham gia của nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Bộ môn Phân tích định lượng thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) là đối tác chính. Mục tiêu của dự án là phát triển và đánh giá các phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường để cải thiện an toàn thực phẩm đối với thịt lợn nhằm đạt mục tổng thể là giảm gánh nặng bệnh tật do thực phẩm ở Việt Nam.

Một số hoạt động đã triển khai của dự án:

·   Khảo sát và can thiệp các lò mổ để nhằm cải thiện mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ thịt lợn

Trong năm 2019, dự án đã thực hiện triển khai các hoạt động nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ tại lò mổ ở Hưng Yên, lấy mẫu phân tích với các lò mổ. Kết quả từ phòng thí nghiệm cho thấy việc thực hiện giết mổ trên sàn inox đã làm giảm được rất nhiều lượng vi sinh vật có hại trên thân thịt, góp phần nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt lợn. Nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ đầu tư sàn inox cho 01 lò giết mổ thịt lợn quy mô khá lớn ở xã Lệ Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên) và 04 lò giết mổ quy mô hộ gia đình ở xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An). Cùng với các hoạt động hỗ trợ này thì nhóm nghiên cứu cũng thường xuyên sử dụng phương pháp sơ đồ hóa kết quả (Outcome Mapping) để đánh giá và theo dõi việc thực hành giết mổ đảm bảo an toàn tại các lò mổ.

leftcenterrightdel
 Giết mổ trên sàn inox ở lò mổ ở xã Lệ Xã, huyện Tiên Lữ
leftcenterrightdel
Giết mổ trên sàn inox ở lò mổ ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu 

 

·  Tập huấn và hỗ trợ việc cải thiện vệ sinh an toàn thực thẩm trong khâu bán lẻ thịt lợn tại các chợ

Cũng trong năm 2019, dự án đã tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho người bán lẻ thịt lợn tại chợ Nhài của xã Lệ Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên) và ở chợ xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An). Các thực hành này tập trung vào các hoạt động như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quá trình bày bán thịt lợn như việc dùng tạp dề của người bán lẻ, việc thường xuyên rửa tay, đảm bảo việc tách riêng giữa bày bán thịt sống, nội tạng và đồ chín, vệ sinh thường xuyên chỗ bán, dùng thớt đảm bảo vệ sinh, không để thịt lợn lên bìa carton. Sau khi người bán lẻ được hướng dẫn, nhóm dự án đã quan sát và đánh giá việc thực hành của các tác nhân này để có những can thiệp nhằm nâng cao kiến thức và thực hành cho họ. Cùng với đó, dự án cũng đã hỗ trợ tạp dề, thớt và khăn lau tay đảm bảo đúng tiêu chuẩn an toàn trong quá trình bán thịt tại chợ.

 

leftcenterrightdel
 Nhóm nghiên cứu khảo sát các chợ ở Nghệ An trước khi can thiệp

 

·  Tổ chức hội thảo giới thiệu về các hoạt động và kết quả của Dự án

Để phổ biến kết quả cũng như lan tỏa các thực hành tốt của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn, ngày 17/11/2020 và ngày 16/12/2020 nhóm nghiên cứu đã phối hợp tổ chức 02 hội thảo “Giới thiệu về các hoạt động và kết quả ban đầu của Dự án các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn ở Việt Nam” tại Tiên Lữ (Hưng Yên) và Diễn Châu (Nghệ An). Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn nghiên cứu (Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y, UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT), các cơ quan truyền thông và báo chí, và người dân ở các xã có can thiệp của dự án. Mục tiêu của Hội thảo là dựa trên các kết quả nghiên cứu và thông qua các đơn vị, cơ quan địa phương truyền thông tốt hơn nữa về các kết quả của dự án và các thực hành tốt đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu đóng góp ý kiến, trao đổi để nâng cao hơn nhận thức và thực hành về an toàn thực phẩm đối với thịt lợn trên địa bàn.

leftcenterrightdel
 PGS.TS. Phạm Văn Hùng – Trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu chào mừng hội thảo tại xã Lệ Xá

 

·  Tập huấn về kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thực phẩm trong tiêu dùng thịt lợn cho người tiêu dùng và các tác nhân

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy các kiến thức và kỹ năng của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm trong tiêu dùng thịt lợn là chưa thực sự tốt. Do vậy, nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn khác nhau trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2021 cho người tiêu dùng, nhân viên nấu ăn trực tiếp tại các bếp ăn tập thể, nhà quản lý các trường học, các cán bộ phụ nữ, các tổ chức chính trị xã hội ở xã và huyện (Tiên Lữ, Hưng Yên và Diễn Châu, Nghệ An) về kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thực phẩm trong tiêu dùng thịt lợn. Nội dung tập huấn tập trung vào các mối nguy gặp phải trong quá trình mua bán, sơ chế và chế biến thịt lợn tại hộ gia đình, bếp ăn tập thể (hóa học, sinh học, vật lý…) song song với các kỹ năng mua bán, sơ chế và chế biến thịt lợn an toàn. Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu các can thiệp nhằm nâng cao an toàn thực phẩm trong giết mổ và bán lẻ thịt lợn đã được dự án can thiệp tại địa phương.

·  Thảo luận với chuyên gia quốc tế về các biện pháp can thiệp hướng đến an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn

Ngày 16 tháng 3 năm 2021, tại Phòng Hội thảo Khoa Kinh tế và PTNT, nhóm nghiên cứu đã có một buổi thảo luận với các chuyên gia đến từ Viện chăn Nuôi quốc tế (ILRI), Đại học Y tế công cộng (HUPH) về các biện pháp can thiệp an toàn thực phẩm sẽ thực hiện trong thời gian tới. Các nội dung thảo luận bao gồm: (1) Thảo luận về đề cương nghiên cứu mức sẵn lòng chi trả và các yếu tố ảnh hưởng đến mức sẵn lòng chi trả cho thịt lợn đảm bảo vệ sinh trong giết mổ và bán lẻ; (2) Thảo luận về các nội dung chính cần tập huấn cho cán bộ quản lý và người nấu ăn ở các bếp ăn tập thể. Kết quả thảo luận là đầu vào quan trọng để dự án triển khai các biện pháp can thiệp hướng đến an toàn thực phẩm ở các địa bàn dự án cũng như ở Việt Nam.

·  Chương trình truyền thông về rủi ro của Dự án an toàn thịt lợn

Dự án đã tổ chức chương trình truyền thông qua một số lớp tập huấn nâng cao kỹ năng và thực hành của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn, nhất là liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng. Các cán bộ tham gia tập huấn từ Hội Phụ nữ và Trạm Y tế cũng được chú ý và thông qua nhóm cán bộ/tác nhân này, Dự án truyền tải thông điệp về những nguy cơ/rủi ro có thể xuất hiện nếu không có kiến thức và thực hiện các thực hành trong chế biến và tiêu dùng thịt lợn. Ngoài ra, thông qua hệ thống truyền thanh và đài truyền hình địa phương tại 2 huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) và Diễn Châu (Nghệ An), Dự án cũng đã hướng đến lan tỏa các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và an toàn trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng thịt lợn nói riêng.

Nguyễn Anh Đức, Nhóm Nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và PTTT

 

Các tin bài có liên quan

·    Hội thảo giới thiệu về các hoạt động và kết quả của Dự án “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn ở Việt Nam” (Dự án Thịt lợn an toàn - SAFE PORK)

·    Chương trình truyền thông về rủi ro của Dự án an toàn thịt lợn tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên (dự án SAFE PORK)

·    Tập huấn về kiến thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thực phẩm trong tiêu dùng thịt lợn tại xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (Dự án SAFE PORK)

·    Dự án SAFEPORK: Thảo luận với chuyên gia quốc tế về các biện pháp can thiệp hướng đến an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn