Thạch hộc rỉ sắt (còn gọi là Thạch hộc tía, Thạch hộc thiết bì) có tên khoa học Dendrobium officinale Kimura et Migo, thuộc chi Thạch hộc, họ Lan (Orchidaceae) phân bố tự nhiên chủ yếu ở vùng rừng có độ cao 1.000-3.400m so với mực nước biển, thường phụ sinh vào cây gỗ hoặc vách đá có mọc rêu dưới tán rừng. Chi Thạch hộc là một chi lớn trong họ Lan, tính đến năm 2009, chi này bao gồm hơn 1.400 loài, trong đó Thạch hộc rỉ sắt là quý nhất, được đánh giá là tuyệt phẩm của Thạch hộc. Thạch hộc được phân bố ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Myanma và nhiều nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Cây thạch hộc rỉ sắt vừa là cây làm cảnh vừa là cây làm thuốc quý hiếm, đã có lịch sử làm thuốc cách đây trên 2.000 năm, được ghi trong “Thần nông bản thảo” của Trung Quốc. Nguồn tài nguyên này có nguy cơ tuyệt chủng nên đã được quốc tế đưa vào Công ước buôn án quốc tế về động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong cổ thư đông y Trung Quốc cách đây hơn 1.000 năm đã xác định ở Trung Quốc có 9 loại tiên dược được xếp theo thứ tự như sau: Thạch hộc, tuyết liên, nhân sâm, thủ ô, phục linh, tùng dung, linh chi, ngọc trai, đông trùng hạ thảo, thì thạch hộc rỉ sắt xếp đầu bảng.

Trong cây thạch hộc rỉ sắt có nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học quý như: polysacarides, alkaloids, các axit amin, nhiều chất khoáng và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó polysacarides chiếm tới 22%. Ngoài ra, thạch hộc tía còn có những hợp chất đặc thù như: phenanthrene, dibenzyl, ketone, ester và các chất nhầy, hợp chất amidon.

Ở Trung Quốc đã có nhiều sản phẩm thuốc từ Thạch hộc bán ra thị trường trong và ngoài nước như “Mạch lộ ninh” và “Phong đấu Thạch hộc” được coi là tuyệt phẩm của thảo dược có hàng ngàn năm lịch sử.

Thạch hộc chế biến thành phong đấu, giá xuất khẩu vào những năm 1980 đạt mức 3.000 USD/kg. Ở Đài Loan giá phong đấu từ 1.000-3.000USD/kg. Giá phong đấu hảo hạng rất đắt đỏ. Giá ở thị trường Trung Quốc tương đương 30 đến 60 triệu VNĐ/kg. Giá 1 cây Thạch hộc tươi từ 25.000-35.000VNĐ. Với diện tích 1ha trồng 1 triệu cây thạch hộc, có thể thu được 25-30 tỷ trong 3 năm. Nhu cầu của Trung Quốc và các nước trên thế giới về Thạch hộc còn rất lớn với giá cao, đem lại siêu lợi nhuận cho những người trồng và chế biến Thạch hộc. Riêng nhu cầu của Trung Quốc hiện nay cần khoảng 2.000 tấn/năm, nhưng mới sản xuất được 200 tấn/năm. Dự báo trong 10 năm tới cần tới 15.000 tấn/năm tương đương hàng chục tỉ USD.

Như vậy, tăng năng suất, chất lượng của Thạch hộc rỉ sắt chính là xu thế để phát triển bền vững nguồn dược liệu quý này. Ngày 07/07/2020, tại Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Phạm Phú Long, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Sinh lý, sinh thái cây trồng đã trình bày seminar “Ảnh hưởng của sự nhân đôi nhiễm sắc thể đến đặc điểm nhân in vitro và cơ chế phân tử làm tăng hàm lượng polysacarides gây ra bởi quá trình đa bội hóa trong lan thạch hộc rỉ sắt lai (Dendrobium officinale)”. Báo cáo đã trình bày kết quả nghiên cứu của tác giả về các nội dung sau:

- Tạo thể tứ bội của cây lai cùng loài và khác loài của Thạch hộc gỉ sắt

- Sàng lọc cây tứ bội thông qua kiểu hình và bộ nhiễm sắc thể

- Đánh giá đặc điểm hình thái, khả năng vi nhân giống và hàm lượng polysacarides của cây tứ bội so với cây lưỡng bội

- Tìm hiểu cơ chế phân tử của sự tăng hàm lượng polysacarides trong cây lai tứ bội cùng loài và khác loài của Thạch hộc gỉ sắt thông qua phân tích biểu hiện của các gen liên quan.

- Thiết kế các primer để đánh giá biểu hiện gen liên quan đến sinh tổng hợp polysacarides.

Báo cáo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các thầy cô trong khoa. Nhiều câu hỏi được đưa ra thảo luận sôi nổi và nhiều ý kiến gợi hướng nghiên cứu tiếp theo được đưa ra trao đổi trong buổi báo cáo.

 

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh trong buổi seminar ngày 7/7/2020

Phùng Thị Thu Hà

Nhóm NCM Sinh lý, Sinh thái cây trồng