Ngày 13/5/2023, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề: “Sơ lược về kỹ thuật dựng ảnh từ sóng siêu âm” do TS. Nguyễn Trọng Kương trình bày. Nội dung của báo cáo trình bày kỹ thuật dựng ảnh siêu âm từ mẫu sóng siêu âm điều tra thu được. Cụ thể, bao gồm các bước tiền xử lý, đến lọc âm, trích xuất biên và chuyển thành độ xám của ảnh.

Buổi seminar dưới sự chủ trì của TS. Phạm Quang Dũng – Phó trưởng khoa phụ trách khoa CNTT, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp” và sự tham gia của các thành viên trong nhóm.

Mở đầu buổi seminar, chủ toạ nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của buổi trao đổi. Sau đó TS. Nguyễn Trọng Kương đã trình bày sơ lược về kỹ thuật dựng ảnh từ sóng siêu âm.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Trọng Kương trình bày báo cáo

Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được sử dụng rộng rãi trong y học ngày nay. Nguyên lý tạo ảnh trong siêu âm là ghi nhận những hình ảnh bình thường hoặc bất thường của một số cơ quan trong cơ thể thông qua ứng dụng cơ chế của sóng siêu âm và tái tạo lại hình ảnh bằng hệ thống máy tính hiện đại. Bài viết này sẽ trình bày sơ lược về kỹ thuật dựng ảnh từ sóng siêu âm bao gồm các bước tiền xử lý, lọc âm, trích xuất biên và chuyển thành độ xám của ảnh (ảnh đa mức xám).

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các bước dựng ảnh từ sóng siêu âm

Dựa trên kết quả hình ảnh được hiển thị trên màn hình máy siêu âm, bác sĩ có thể khảo sát các bộ phận, cơ quan bằng cách siêu âm ổ bụng tổng quát, sản phụ khoa, tim mạch, thận, tiết niệu hoặc tiền liệt tuyến, siêu âm tuyến giáp, tuyến vú, siêu âm cơ xương khớp hoặc tinh hoàn,… Kết quả hình ảnh cũng hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý trong các bộ phận, cơ quan đó khi quan sát thấy các bất thường.

Với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính, ngày nay, các kết quả hình ảnh thu nhận được từ sóng siêu âm còn trở thành đầu vào cho các bài toán nhận dạng tổn thương, nhận dạng khối u hay huyết khối, giúp cho các máy siêu âm hỗ trợ tốt hơn trong việc thăm khám và chẩn đoán bệnh nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục phát triển các kỹ thuật, mô hình học máy để có thể tận dụng tốt hơn dữ liệu có được từ siêu âm để giúp cho y tế ngày càng có nhiều thành tựu hơn.

Sau phần trình bày của TS. Nguyễn Trọng Kương, thành viên tham dự buổi seminar có nhiều thảo luận xoay quanh chủ đề. Đây là nội dung khoa học có tính ứng dụng cao trong y học hiện nay, góp phần nâng cao hiểu biết cũng như năng lực nghiên cứu cho các thành viên của nhóm trong thời gian tới. Buổi seminar là cơ hội trao đổi học thuật, cập nhật, cung cấp thêm nhiều kiến thức mới về các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Kết quả thảo luận của buổi seminar làm cơ sở để định hướng, xác định chiến lược khoa học công nghệ của khoa Công nghệ thông tin trong thời gian tới.

Khoa Công nghệ thông tin