\r\n Ngày 19/8, Học viện phối hợp với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo về kết quả và định hướng giảm nghèo ở Lạng Sơn. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2015” mã số  KHCN-TB.07X/13-18, do GS.TS Đỗ Kim Chung, khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ nhiệm. Đây là đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2013-2018: “Khoa học và công nghệ  phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Chương trình KH&CN có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.

\r\n

\r\n Trong khuôn khổ đề tài, từ đầu năm 2015 đến nay, Học viện đã phối hợp với nhiều tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa,… để tổ chức Hội thảo kết quả và định hướng giảm nghèo ở các tỉnh này.

\r\n

\r\n Tại Lạng Sơn, Hội thảo nhằm đánh giá tác động tổng thể về kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo là 14,9%, giảm 3,1% so với năm 2013. Xây dựng được các mô hình và triển khai các chương trình giảm nghèo có tính thực tế cao như: mô hình cây thạch đen ở Tràng Định; gà thịt ở Cao Lộc; hình thành chuỗi giá trị sản phẩm na ở Chi Lăng; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong giảm nghèo; hỗ trợ phát triển hạ tầng, tín dụng cho công tác giảm nghèo…

\r\n

\r\n Trong thời gian tới, để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Lạng Sơn, hội thảo đã đưa ra một số định hướng trọng tâm thảo luận cần nghiên cứu; trong đó, có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tạo động lực cho người dân chủ động vươn lên thoát nghèo; hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp; thu hút nguồn lực đầu tư xã hội; xây dựng phương án hỗ trợ hộ cận nghèo; tạo các mô hình kinh tế cho giảm nghèo dựa vào nhu cầu và năng lực của người thụ hưởng, phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương; quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển đồng bộ các hệ thống cung cấp dịch vụ (đào tạo, khuyến nông, y tế, giáo dục); tiếp tục phát triển hệ thống doanh nghiệp, trang trại để tạo lực kéo cho xóa đói, giảm nghèo.

\r\n

\r\n Từ những định hướng trên, hội thảo cũng đã lấy ý kiến đề xuất những giải pháp để thực hiện thành công các chương trình, chính sách giảm nghèo ở địa phương trong thời gian tới.

\r\n

\r\n  

\r\n

\r\n TS. Nguyễn Viết Đăng, khoa Kinh tế và PTNT trình bày tại Hội thảo

\r\n

\r\n