Ngô là một trong những cây trồng chính, vừa là cây lương thực góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam, vừa là loại cây thức ăn chăn nuôi có giá trị dinh dưỡng cao. Nhằm trao đổi, tìm giải pháp kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào công tác nghiên cứu và thực tế sản xuất trước những biến đổi bất thường của khí hậu, biến động của thị trường và biến chuyển xu thế người tiêu dùng, vào ngày 04 tháng 12 năm 2021, Nhóm Nghiên cứu Mạnh Cây Màu - Khoa Nông học và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Giải pháp khai thác bền vững nguồn GEN ngô và ứng dụng công nghệ mới trong phát triển giống ngô thực phẩm và thức ăn xanh thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Hội thảo được chủ trì bởi GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện; GS.TS. Trần Đức Viên – Phụ trách Hội đồng Học viện; TS. Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cố vấn cao cấp Học viện; GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện; GS.TS Vũ Văn Liết – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng và PGS.TS. Trần Văn Quang – Trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia nước ngoài gồm: Thái Lan – TS. Taweesak Pulam, Sweet Seeds Co., Ltd.; Trung Quốc – TS. Lã Vĩnh Hoa và các cán bộ Viện Khoa học Nông Nghiệp Quảng Tây, Viện Nghiên cứu Ngô Quảng Tây; và Ấn Độ – TS. Firoz Hossain, TS. Dhandapani Raju, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ, New Delhi.

Đại diện các Bộ/Ban/Ngành trong nước tham dự Hội thảo gồm Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT – TS. Đinh Công Chính. Về phía các viện, trung tâm nghiên cứu tham dự gồm có: Viện Nghiên cứu Ngô – viện trưởng TS. Nguyễn Xuân Thắng và các cán bộ viện, TT Tài nguyên thực vật – Giám đốc PGS.TS. Lã Tuấn Nghĩa và các cán bộ TT, và Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ – TS. Hoàng Lê Khang. Về phía các trường đại học tham dự gồm có: đại diện Trường đại học Phenikaa, Đại học Tây Bắc, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng - Phân hiệu tại Kon Tum, và Đại học Cửu Long. Về phía các doanh nghiệp tham dự Hội thảo gồm có: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed, Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Nông nghiệp ADI; Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH Vietseed, Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed, Công ty Bayer CropScience Việt Nam, công ty TNHH Mahyco Việt Nam, và Công ty TNHH hạt giống Nova.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Ban Khoa học và Công nghệ, Ban Hợp tác quốc tế, Trung tâm Quan hệ công chúng và Hỗ trợ sinh viên, các thầy cô giáo Khoa Nông học, Khoa Công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ thực phẩm, các cán bộ Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, và Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

leftcenterrightdel
 GS.TS. Nguyễn Thị Lan phát biểu khai mạc Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan thay mặt Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của các quý vị đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban, Ngành, Viện nghiên cứu, Trường đại học, Doanh nghiệp, Nhà khoa học trong và ngoài nước và các cơ quan có liên quan tham dự Hội thảo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã luôn coi “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường Đại học”, coi “Chất lượng là sự sống còn của trường Đại học”. Học viện đã hình thành 46 nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) và chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên môn để phục vụ thiết thực phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, và nông thôn văn minh và hội nhập quốc tế của đất nước. Một trong các hoạt động học thuật thường xuyên của các Nhóm NCM được Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất chú trọng đó là việc tham gia và tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, triển lãm nhằm học hỏi, chia sẻ kiến thức trong các lĩnh vực chuyên môn sâu các công nghệ mới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm phục vụ thực tiễn sản xuất, phục vụ các địa phương và các doanh nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây ngô theo hướng ngô thực phẩm và ngô sinh khối là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng chính phủ. GS.TS. Nguyễn Thị Lan tin tưởng rằng những thông tin được chia sẻ trong Hội thảo sẽ đóng góp một phần trong định hướng nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về cây ngô có hiệu quả ở Việt Nam. 

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Xuân Cường phát biểu đề dẫn Hội thảo
 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cao ý nghĩa của Hội thảo. Thứ nhất, theo ông thì một trong những vấn đề lớn nhất của nhân loại đó là thực phẩm, trong 5 loại ngũ cốc thì ngô là cây có được nhiều ưu thế vượt trội về đặc điểm sinh học, sinh thái, khả năng thích nghi và đặc biệt là ưu thế lai vượt trội. Do vậy, từ một cây có diện tích, năng suất, sản lượng đứng thứ 3 thế giới, mà chỉ sau hơn 30 năm kể từ những năm 1990 đến nay, cây ngô đã trở thành cây lương thực với tổng sản lượng đứng đầu >1000 triệu tấn, hơn cả lúa gạo và lúa mì, từ vị trí thứ 3 vươn lên đứng đầu trong 5 loại ngũ cốc. Chính cây ngô đã giúp cho bài toán lương thực, thực phẩm trên toàn cầu được chắc chắn hơn như hiện nay và càng có ý nghĩa khi dân số loài người tiếp tục gia tăng cùng với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Thứ hai, trên thế giới, ngô được sử dụng vào 3 mục tiêu lớn: lương thực cho con người, thức ăn chăn nuôi và năng lượng tái tạo. Tùy từng giai đoạn, tuỳ từng quốc gia lại có định hướng phát triển cây ngô theo nhưng tiêu chuẩn khác nhau. Ở nước ta hơn 40 năm qua, kể từ những năm 1980-2010, cây ngô liên tục được chú ý phát triển, tăng trưởng rất nhanh về cả diện tích, năng suất, sản lượng, đáp ứng cho cả hai nhu cầu làm lương thực và lấy hạt cho phát triển chăn nuôi. Sau đó, diện tích ngô bị giảm nhanh và hiện tại chỉ còn khoảng 900.000 ha với sản lượng < 5 triệu tấn. Theo TS. Nguyễn Xuân Cường, có hai nguyên nhân cơ bản tác động đến sự suy giảm này. Một là do việc đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống, sản lượng lúa đã đạt 42-43 triệu tấn/năm. Về cơ bản, ngô không còn là phương án lương thực trên tất cả các vùng miền của đất nước. Hai là do Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, với 14 hiệp định tự do đa phương, song phương, và trở thành một trong những nước xuất nhập khẩu lớn, khoảng 600 tỷ USD trong năm, gấp hai lần tổng GDP. Điều đó cho phép Việt Nam lựa chọn những sản phẩm có lợi thế để sản xuất và những sản phẩm nhập khẩu đề chế biến, và cây ngô là một mặt hàng nằm trong số đó. Vì thế, mấy năm gần đây, mặc dù năng suất ngô ở Việt Nam vẫn tăng song diện tích giảm nhanh và sản lượng suy giảm đáng kể.

Thứ ba, biến đổi khí hậu hiện nay đã tạo ra những thách thức mới trong sản xuất nông nghiệp, và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất. Chính vì vậy, một trong những giải pháp cốt lõi để thích ứng với biến đổi khí hậu là lựa chọn đối tượng sản xuất thích ứng hơn. Trên cơ sở có những lợi thế phát triển ở điều kiện mới, tiết kiệm tài nguyên, nhất là nguồn nước, do vậy cây ngô sẽ là một trong những lựa chọn cho nhiều vùng của Việt Nam. Chính đây là một nội dung được đề cập trong chương trình hội thảo ngày hôm nay.

Thứ tư, với những kết quả thành công trong 35 năm đổi mới, nhất là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Việt Nam đang dần thay đổi cục diện nông nghiệp, từ một nước sản xuất tiểu nông, tự cung tự cấp, thiếu ăn trở thành một nền nông nghiệp hàng hoá, hội nhập, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tham gia ngày một sâu rộng trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Từ đó cơ cấu sản xuất ngành cũng có những thay đổi mà một trong số đó chính là ngành chăn nuôi phải trở thành ngành chiếm tỉ trọng lớn không chỉ đáp ứng thực phẩm cho đất nước 100 triệu dân mà còn là nguồn xuất khẩu lớn. Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi tới 2030 đặt ra chỉ tiêu tổng sản phẩm khối lượng thịt xẻ đạt 6,0 triệu tấn, sản lượng thịt đỏ tăng từ 4% hiện nay lên 10%, tăng số lượng đàn bò sữa từ 350.000 con lên 750.000 con để có sản lượng sữa tại Việt Nam tăng gấp 3 lần hiện nay. Những chỉ tiêu này cho thấy nhu cầu về lượng thức ăn xanh cho gia súc là rất lớn. Trong khí đó, diện tích trồng cỏ tại Việt Nam rất hạn chế, điều đó tạo cơ hội rất lớn cho cây ngô phát triển trong tương lai. Đây là những cơ sở rất tích cực thúc đẩy cây ngô tìm ra vị thế mới theo hướng ngô sinh khối cung cấp thức ăn xanh.

Thứ năm, hàng năm chúng ta có 20 triệu khách du lịch nước ngoài và với gần 100 triệu lượt khách du lịch trong nước. Cùng với đời sống người dân ngày một cải thiện, nhu cầu ngô theo hướng thực phẩm như ngô nếp, ngô ngọt, ngô trái cây là một hướng tạo ra giá trị gia tăng trong khi hạn chế thấp nhất khai thác tài nguyên thiên nhiên, là một lựa chọn tốt trong hoàn cảnh tác động của biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, kéo dài 15 vĩ độ tổng chiều dài đất nước, 54 dân tộc anh em, địa hình đa dạng, thổ nhưỡng phong phú, chúng ta có được sự đa dạng sinh học và những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản. Ngô cũng vậy với rất nhiều nguồn gen quý cần phải khai thác trong công tác lai tạo cũng như tạo ra nông sản đặc hữu.

Thông qua sáu điều trên, TS. Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh các nội dung thảo luận chuyên sâu về cây ngô hiện nay là thiết thực và hữu ích.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự trực tuyến
leftcenterrightdel
 Điểm cầu trực tuyến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
   

Tại Hội thảo đã có 20 báo cáo tham luận và thảo luận rất sôi nổi của các diễn giả, khách mời, đại biểu trong và ngoài nước về các vấn đề: Tổng quan sản xuất ngô ở Việt Nam - Những thành tựu, thách thức và triển vọng; bảo tồn và khai thác nguồn gen ngô Việt Nam; Ứng dụng công nghệ trong chọn tạo và sản xuất giống ngô thực phẩm (ngô nếp, ngô ngọt); Ứng dụng công nghệ trong chọn tạo và sản xuất giống ngô thức ăn xanh; Ứng dụng công nghệ trong canh tác ngô tại Việt Nam; Thực trạng và nhu cầu sản xuất ngô tại một số địa phương; Khả năng phát triển của các giống ngô chọn tạo trong nước: nhìn nhận từ một số doanh nghiệp và địa phương; và Các chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất ngô tại Việt Nam. 

leftcenterrightdel
 Điểm cầu trực tuyến tại Viện Nghiên cứu Ngô, Việt Nam
leftcenterrightdel
 TS. Lã Vĩnh Hoa, Viện Khoa học Nông Nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc trình bày tham luận
leftcenterrightdel
 TS. Dhandapani Raju, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ trình bày tham luận
leftcenterrightdel
 Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Nông nghiệp ADI trình bày tham luận
leftcenterrightdel
 GS.TS. Vũ Văn Liết phát biểu bế mạc Hội thảo
 

Phát biểu bế mạc và tổng kết tại Hội thảo, GS.TS. Vũ Văn Liết thay mặt cho Ban chủ trì Hội thảo bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp đã có các ý kiến tham luận, trao đổi, phản biện, đóng góp vô cùng quý báu cho Hội thảo. Tổng hợp các ý kiến quý báu này, như vậy để khai thác bền vững nguồn gen ngô và phát triển giống ngô thực phẩm và thức ăn xanh thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam cần: Tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ và khuyến nông trong canh tác cây ngô, tổ chức tốt khâu sản xuất hạt ngô lai F1, tập huấn nâng cao trình độ nông dân về quy trình canh tác, chế biến ngô từ các lò thủ công, đảm bảo chất lượng ngô nguyên liệu và giảm giá thành giống, công lao động, và phân bón. Song hành với đó, hợp tác đa ngành trong công tác thu thập, bảo tồn và số hoá toàn bộ nguồn gen ngô nội; áp dụng công nghệ hiện đại để chọn tạo giống ngô mới như: công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ cây kích tạo đơn bội thế hệ mới, giải trình tự nguồn gen ngô kết hợp đánh giá kiểu hình hiệu năng cao, áp dụng thuật toán máy tính học máy, học sâu, trí tuệ nhân tạo, xây dựng dữ liệu lớn có giá trị để tiến hành chọn lọc, thiết kế dựa trên bộ gen để nghiên cứu, phát triển bộ giống ngô năng suất, chất lượng cao, kháng sâu, chịu lạnh, chịu hạn, úng, phèn tốt, lựa chọn những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô ngọt, ngô nếp…) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất.

Nhóm Nghiên cứu mạnh Cây Màu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ban Khoa học và Công nghệ