Ứng dụng khoa học công nghệ, cơ gới hóa đồng bộ trong sản xuất đậu tương của các nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đây được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà.

leftcenterrightdel
Máy làm đất và lên luống
 Máy làm đất và lên luống

Theo số liệu thống kê, đậu tương đang được trồng tại 25 tỉnh thành cả nước, với diện tích khoảng 65% tại các khu vực phía Bắc và 35% tại các khu vực phía Nam. Các tỉnh thành có diện tích trồng đậu tương lớn nhất của Việt Nam có thể kể đến như Hà Giang, Hà Nội, Thanh Hóa… Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay sản xuất đậu tương của nước ta mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ. Hàng năm, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu khá nhiều đậu tương để phục vụ tiêu dùng nội địa và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Những năm gần đây, trên cơ sở ổn định diện tích lúa để phục vụ xuất khẩu, cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình 2 lúa – 1 màu có chiều hướng phát triển tốt, trong đó ngoài cây ngô thì đậu tương đang được quan tâm sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các khâu canh tác trong sản xuất cây đậu tương ở Việt Nam hiện nay chưa được cơ giới hóa.

Để khai thác tốt tiềm năng sản xuất cây đậu tương cần thiết phải cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất đậu tương. Và vấn đề đặt ra đối với cơ giới hóa đồng bộ cây đậu tương, đặc biệt đối với các vùng đất luân canh lúa – đậu tương là phải giải quyết các khó khăn như: Gốc rạ còn lại sau thu hoạch lúa có độ cao lớn (từ 30 cm đến 50 cm); nền đất sau thu hoạch lúa thường ẩm ướt gây cản trở lớn tới việc làm đất; chưa cơ giới hóa được khâu gieo hạt kết hợp với bón phân cho đậu tương…

leftcenterrightdel
Cây đậu tương đến ngày thu hoạch
 Cây đậu tương đến ngày thu hoạch

Với mục tiêu chế tạo được hệ thống máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa đồng bộ canh tác cây đậu tương, có khả năng ứng dụng rộng rãi, phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và tăng thu nhập cho người sản xuất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chủ trì thực hiện đề tài KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm hệ thống máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác cây đậu tương” do PGS.TS. Lê Minh Lư làm chủ nhiệm. Đề tài đã chế tạo thành công hệ thống máy phục vụ cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác và thu hoạch cây đậu tương và được triển khai, thử nghiệm tại nhiều vùng sản xuất đậu tương trong đó có thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Hệ thống máy được triển khai trong sản xuất đậu tương trong vụ Hè Thu 2018 tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội làm việc ổn định, phù hợp với thực tiễn sản xuất tại địa phương, hệ thống gồm các máy canh tác:

– Máy cắt băm gốc rạ với năng suất 0,3-0,5 (ha/h); chiều cao gốc rạ còn lại sau cắt 50-100 (mm); chiều dài đoạn cắt 50-150 (mm);

– Máy lên luống tạo rãnh với năng suất làm việc 0,3 – 0,5 (ha/h); bề rộng luống 80 – 120 cm; rãnh sâu 20 – 30 cm; độ rộng rãnh 20 – 30 cm;

– Máy gieo đậu tương kết hợp với bón phân có năng suất 0,3 – 0,5 (ha/h), số hàng gieo 4 hàng;

– Máy xới vun và làm cỏ chăm sóc cây đậu tương có năng suất 0,3 – 0,5 (ha/h);

– Máy thu hoạch đậu tương thực hiện liên hoàn các công việc cắt, gom cây rải hàng trên ruộng có năng suất 0,3 – 0,4 (ha/h), độ sót <5%;

– Máy đập tách hạt đậu tương có năng suất máy 0,5 – 1,0 (tấn/h), độ sạch lá 90 – 95%; độ hư hỏng hạt < 5%.

leftcenterrightdel
Trình diễn máy thu hoạch cây đậu tương
 Trình diễn máy thu hoạch cây đậu tương

Để góp phần nhân rộng mô hình trong sản xuất, giới thiệu tiến bộ khoa học đến với người sản xuất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã từng phối hợp UBND thị xã Sơn Tây tổ chức hội thảo đánh giá, tổng kết mô hình cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác, thu hoạch cây đậu tương tại xã Sơn Đông – thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Tại Hội thảo, đại biểu đã đánh giá cao các tính năng, hiệu quả làm việc của hệ thống máy, mức độ phù hợp khi áp dụng và đề nghị được nhân rộng mô hình này vào các vùng sản xuất đậu tương trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị còn đề nghị Học viện tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ đối với nhiều loại cây trồng khác, trước hết là cây trồng vụ đông.

Sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu này được chuyển giao rộng rãi trong sản xuất thì niềm vui của nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là niềm vui của bao người nông dân có nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

H.N-https://doanhnghiepvadautu.net.vn/