Sáng 9/1/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị Tổng kết công tác ngành năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị đã đánh giá những thành tựu đạt được trong năm qua cũng như hạn chế cần khắc phục của ngành trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tới dự, phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những tiến bộ của ngành KH&CN trong năm và cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục để KHCN có đóng góp hơn nữa cho phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng đề nghị ngành đáp ứng 4 yêu cầu chính: tính đổi mới, tính đột phá, tính thích ứng, tính bền vững trong chiến lược ngành.



Có 4 trụ cột, 3 đột phá và 5 lưu ý mà Thủ tướng nhấn mạnh Bộ KH&CN cần nghiên cứu triển khai.

Bám sát 4 trụ cột chính gồm:

- KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong khi phong trào sáng tạo khởi nghiệp mới đang ở bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn.

- Tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. “Một lần nữa chúng ta khẳng định, phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo” - Thủ tướng nhấn mạnh.

- KH&CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tập trung vào 3 đột phá:

- Đột phá về thể chế, chính sách.

- Đột phá về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KHCN; đổi mới chính sách trọng dụng các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng.

- Đột phá về nguồn nhân lực: “Cuối cùng thì con người vẫn là quan trọng nhất. Phải làm sao trí thức ủng hộ mình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”.

Lưu ý 5 điểm cần rà soát, triển khai hiệu quả:

- Trước tiên, cần phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN theo hướng hiện đại, đồng bộ.

- KH&CN cần tập trung nghiên cứu tốt hơn các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt các vùng có lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp.

- KH&CN cần gắn với yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế tri thức của thế giới.

- Bảo đảm tính bền vững trong hoạch định phát triển KH&CN, lộ trình, bước đi, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương các nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.

- Nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ KH&CN, làm sao để xây dựng Bộ, các đơn vị thuộc Bộ “khỏe mạnh” cả về tư chất và phẩm chất.

Bên cạnh đó, báo cáo tại hội nghị của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá năm 2017, ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực. Kết quả phục vụ của KHCN cho sự phát triển các ngành là đáng ghi nhận và nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà KH&CN đã có những đóng góp nhiều nhất (KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi). Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình, Bộ đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018:

- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017;

- Khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp;

- Triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH&CN;

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

- Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ phát triển và khai thác tài sản trí tuệ;

- Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

- Triển khai chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính;

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN...

Tham gia hội nghị tổng kết trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có bài tham luận báo cáo những đóng góp của Học viện trong sự nghiệp phát triển ngành KH&CN như: đã đào tạo cho đất nước hơn 80.000 kỹ sư và cử nhân, trên 5.000 thạc sĩ và gần 500 tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo chiếm 65% số cán bộ KHKT và quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả nước. Họ đang là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trên mặt trận KHKT và quản lý kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở khắp mọi miền Tổ quốc. Các nhà khoa học của Học viện đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống ưu thế lai, làm chủ công nghệ vi nhân giống, nhân giống lợn chất lượng cao, các giống lúa lai mang thương hiệu Việt lai, TH, các giống cà chua lai mang thương hiệu HT, phân viên nén nhả chậm, công nghệ khí canh, công nghệ enzyme xử lý và chế biến rác thải hữu cơ thành phân bón, công nghệ đất nhân tạo, công nghệ gốm xốp trồng cây công nghệ cao, công nghệ sản xuất một số vắc-xin, chẩn đoán và xác định virus gây bệnh nguy hiểm cho cây trồng, công nghệ chế biến phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, công nghệ chế tạo KIT chẩn đoán bệnh tai xanh trên lợn, ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quy hoạch sử dụng đất, trong quản lý tài nguyên và dự báo, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, đề xuất các chính sách và giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tham luận của Học viện cũng đã đưa ra một số kiến nghị:

- Bộ KH&CN nên tư vấn cho Chính phủ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển KH&CN, lấy các trường đại học làm trung tâm phối hợp gắn kết chặt chẽ với cơ quan quản lý, doanh nghiệp như các nước tiên tiến đã và đang làm; Ưu tiên phát triển khoa học ứng dụng, đồng thời coi trọng nghiên cứu cơ bản để tạo ra các công nghệ nguồn mang thương hiệu Việt Nam. Có như vậy, các trường đại học mới có thể thực sự trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo, nền KHCN của Việt Nam mới thực sự bền vững;

- Khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới, sáng tạo ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chế biến, marketing các sản phẩm nông lâm thủy sản, hình thành vườn ươm công nghệ và các công ty chuyển giao dạng spin-off để nhanh chóng nhân rộng các kết quả nghiên cứu ra thực tiễn sản xuất và đời sống.

- Có cơ chế, chính sách để gắn các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục với các chương trình phát triển KT-XH, các địa phương, các ngành kinh tế, các doanh nghiệp để khoa học và công nghệ sớm thực sự trở thành lực lượng vật chất trong suốt tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Chính phủ nên có chương trình nghiên cứu toàn diện về điều kiện, ảnh hưởng của CMCN4.0 để chúng ta có kiến thức vững vàng, giải pháp sẵn sàng đón nhận và chủ động phát huy lợi thế và khắc phục ảnh hưởng.

- Trong báo cáo của Bộ KH&CN có nói đến việc xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, đã chú trọng đến việc nâng cao năng lực đội ngũ KHCN. Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ, ngành đã dành kinh phí để cử cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên việc sử dụng, phát huy lực lượng được đào tạo này để đóng góp cho KHCN, cho đất nước thì chưa được triển khai bài bản, sâu rộng, chưa có nguồn kinh phí để nuôi dưỡng công nghệ.

Các kiến nghị được Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu Bộ KH&CN tổng hợp và trình Thủ tướng quyết định.

Hội nghị tổng kết ngành là cơ hội, điều kiện và thông tin quý báu để thày/trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng định hướng nghiên cứu cho năm 2018 và những năm tiếp theo nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.