Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ đã tác động đến nhiều loại hình tổ chức kinh tế ở Việt Nam, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Để bắt kịp xu hướng chung, nhiều HTXNN coi ứng dụng công nghệ cao (CNC) là giải pháp hữu hiệu đem lại thành công cho sự phát triển của nền nông nghiệp, thích ứng với những thay đổi của thị trường (Đỗ Kim Chung, 2021; Nguyễn Xuân Định & Nguyễn Mậu Dũng, 2021). Việc ứng dụng CNC đã và đang được các HTXNN triển khai với nhiều sản phẩm như nuôi gia súc áp dụng quy trình VietGAP; nuôi gà sinh sản áp dụng hệ thống thu gom trứng tự động và công nghệ xử lý môi trường; trồng rau hữu cơ, áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS); thâm canh lúa cải tiến giảm phát thải khí nhà kính SRI, bón phân khép kín; ứng dụng công nghệ kỹ thuật mô trong sản xuất hoa lan… nhưng điển hình và được nhân rộng nhất là ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau (Liên minh HTX thành phố Hà Nội, 2021). Căn cứ đặc điểm của giống cây rau, người sản xuất có thể lựa chọn CNC phù hợp như mô hình nhà lưới, nhà kính hoặc nhà màng, áp dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới thấm, tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón vi sinh hay công nghệ truy suất nguồn gốc sản phẩm (cấp mã số, mã vạch cho sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu rau) (Trần Trung & Minh Sáng, 2021). Ứng dụng CNC trong sản xuất rau tạo đà cho việc hình thành các vùng chuyên canh rau hàng hoá quy mô lớn, góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập của người sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
Huyện Đông Anh là vùng chuyên canh rau trọng điểm của Hà Nội. Ứng dụng CNC trong sản xuất rau đã được người sản xuất triển khai riêng lẻ từ sớm. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng khắp CNC trong sản xuất rau mới được triển khai gần đây, khi địa phương đẩy mạnh lồng ghép với chương trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (UBND huyện Đông Anh, 2022). Các công nghệ mới, tiến bộ được các HTXNN áp dụng trong sản xuất và tiêu thụ rau gồm xây dựng nhà lưới, nhà màng để trồng rau trái vụ, công nghệ tưới Israel, dán tem QR code các sản phẩm rau… đã góp phần thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã viên HTX theo hướng đa dạng sản phẩm với năng suất, chất lượng cao. Năm 2021, Đông Anh có khoảng 800 ha rau tập trung với 12 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế rau an toàn với diện tích nhà sơ chế 776m2, 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 33 HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, rau hữu cơ (Ngọc Quỳnh, 2019). Việc đẩy mạnh ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giúp giá trị sản xuất nông nghiệp huyện Đông Anh đạt bình quân trên 2.000 tỷ đồng/ năm giai đoạn 2015-2020 trong đó giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của huyện năm 2021 đạt 267 triệu đồng/ha/năm, vượt 117 triệu đồng so với mục tiêu bình quân giai đoạn 2015-2020 (Trung Hiếu, 2021).
Mặc dù vậy, việc ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau ở huyện Đông Anh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng quá lớn, việc giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc nên các HTX NN gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, đầu ra còn bấp bênh do ảnh hưởng dịch bệnh…Với sự tài trợ kinh phí từ dự án Việt Bỉ, năm 2021-2022, nhóm nghiên cứu do ThS Đặng Xuân Phi làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Giải pháp thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau ở huyện Đông Anh, Hà Nội” nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau của HTX NN ở huyện Đông Anh, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau cho các HTX NN trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các HTXNN ứng dụng CNC trong sản xuất rau chủ yếu ở khâu canh tác, trong đó việc sử dụng nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ tưới Israel được đa số HTXNN áp dụng. Tuy nhiên chỉ mới có 2/116 HTX áp dụng hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm do giá thành đầu tư công nghệ này hiện tương đối cao (khoảng 300 triệu đồng/1000m2). Công nghệ thuỷ canh và hệ thống lọc nước hiện đại được áp dụng rất ít do chi phí cao và nhu cầu của các HTXNN không cao trong ứng dụng công nghệ này. Hiện nay trên địa bàn Đông Anh chưa có HTX nào xây dựng kho lạnh cho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch do chi phí xây dựng khá cao (khoảng trên 13 tỷ/1.000 tấn rau), các HTXNN không có đủ nguồn lực để đầu tư. Việc áp dụng tem truy suất nguồn gốc (QR code) được các HTXNN áp dụng rộng rãi do yêu cầu của các đơn vị thu mua nhất là hệ thống cửa hàng, siêu thị có tên tuổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điểm đáng lưu ý là việc áp dụng QR code hiện còn hạn chế do chỉ cung cấp thông tin cơ bản của các HTX như website, thông tin HTX, thông tin sản phẩm, hộ thành viên cung ứng và chứng nhận chất lượng sản phẩm, kích thước, trọng lượng…Việc ứng dụng CNC trong các HTXNN có xu hướng tăng lên do nhu cầu về rau sạch, rau hữu cơ của người dân tăng, tuy nhiên hiện nay quy mô này còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung ở khu vực vùng chuyên canh, vùng quy hoạch rau an toàn của xã/ huyện. Kết quả ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ một số loại rau chủ yếu của các HTXNN cho thấy dù diện tích canh tác thấp hơn nhưng năng suất của các loại rau của hộ ứng dụng CNC cao hơn so với các hộ không ứng dụng CNC với sản phẩm cải bắp, cải ngọt, cà chua trong khi súp lơ lại có năng suất thấp hơn khá nhiều.
Việc ứng dụng CNC trong sản xuất rau và tiêu thụ rau, việc lựa chọn sử dụng các loại đầu vào khác đã khiến chi phí sản xuất rau của các hộ trồng rau CNC cao hơn so với các hộ truyền thống. Hộ ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau có các chi phí mua giống cao gấp 2,26 lần, chi phí phân bón (phân vi sinh) cao gấp 1,47 lần và khấu hao tài sản cao gấp 2,25 lần so với các hộ sản xuất thông thường. Một trong những hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng CNC của các hộ thành viên HTX đó là tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm tới 80% so với thông thường ở 2/8 HTXNN, việc tiết kiệm công lao động lên tới 30-40% ở 5/8 HTX và tiết kiệm chi phí phân bón, nước tưới 15% ở 4/8 HTXNN ứng dụng CNC đã tạo động lực mạnh mẽ cho các hộ thành viên HTX tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ với các đơn vị cung ứng đầu vào và thị trường đầu ra của 3/8 HTXNN ứng dụng CNC cũng giúp cho khâu tiêu thụ sản phẩm trở lên dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều, giá cả cao hơn so với giá rau thông thường (với 81,25% ý kiến xã viên đồng ý). Ứng dụng QR code giúp sản phẩm rau của các HTX được nhận diện tốt hơn trên thị trường, nhất là các thị trường khó tính đã giúp cho các HTXNN tăng thêm từ 5-10% sản lượng tiêu thụ qua các năm.
Hiện nay, việc ứng dụng CNC trong các HTXNN ở huyện Đông Anh trong sản xuất và tiêu thụ rau chịu ảnh hưởng một số yếu tố như: thị trường tiêu thụ còn nhiều bấp bênh; Trình độ, kinh nghiệm và tập huấn kỹ thuật phục vụ cho ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau còn chưa đúng, đủ, sát với nhu cầu thực tế của người dân; Lao động phục vụ cho ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau còn thiếu và yếu cả về trình độ và năng lực, dẫn tới hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; Cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để thúc đẩy các HTXNN ứng dụng CNC trong sản xuất rau, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp cần thiết sau: (1) Giải pháp về chính sách: Huyện Đông Anh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện cần đẩy nhanh quá trình triển khai cụ thể các chính sách hỗ trợ HTXNN, giảm độ trễ của chính sách. Một số văn bản khi mới ban hành cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể đi kèm để làm căn cứ triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tới từng HTX; (2) Giải pháp về quy hoạch và đất đai: trong vùng quy hoạch cần xây dựng rõ cơ chế, mức thuê, thời gian thuê đất, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để kêu gọi đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ rau CNC; (3) Giải pháp về tín dụng: Các tổ chức tín dụng cần xây dựng các hình thức thế chấp linh hoạt, đặc biệt có thể cho phép sử dụng định giá tài sản CNC đã được các HTXNN đầu tư trên đất là căn cứ cho việc thế chấp khi vay vốn; (4) Giải pháp về tập huấn: Thành phố cần xây dựng linh hoạt các chương trình tăng cường chất lượng nhân lực cho các HTXNN cả cán bộ quản lý và thành viên trong việc ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau thông qua việc thực hiện các hoạt động đào tạo nghề linh hoạt, gắn với các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn. (5) Giải pháp về chuyển giao công nghệ: việc ứng dụng công nghệ phù hợp từng HTXNN theo các giai đoạn, theo loại sản phẩm và theo mục đích kinh doanh cần được quan tâm từ chính bản thân HTX và các đơn vị hỗ trợ.
Một số hình ảnh về quá trình triển khai đề tài và nghiệm thu đề tài:
ThS Phạm Thị Thanh Thuý và nhóm nghiên cứu, Khoa Kinh tế và PTNT