Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc-xin bệnh dịch tả lợn châu Phi
Cập nhật lúc 09:00, Thứ hai, 08/04/2019 (GMT+7)
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cuộc họp bàn đề xuất nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế... được tổ chức chiều 5-4, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước làm hàng chục nghìn con lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Đến nay, 3 ổ dịch tại các tỉnh: Hưng Yên, TP Hà Nội, Hải Dương đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Đây là loại bệnh do vi-rút có độc tính rất cao lây lan nhanh, tỷ lệ lợn chết nhiều. Bệnh dịch này đã xuất hiện trên thế giới gần 100 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có vi-rút phòng, chống dịch bệnh này. Hiện trên thế giới có khoảng 60 quốc gia đang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện học viện đã phân lập thành công vi-rút dịch tả lợn châu Phi với 14 chủng vi-rút từ ổ dịch của 14 địa phương, giải trình tự gen được 20 chủng vi-rút... Đây là bước tiến quan trọng nhằm tiến tới việc tiếp tục nghiên cứu sản xuất vắc-xin.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Chăn nuôi lợn là một lĩnh vực quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc nghiên cứu vắc-xin để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi rất khó, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chùn bước, không làm. Trên thế giới đã có những tiền đề về việc nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi và hiện nay, Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu, phân lập vi-rút dịch tả lợn châu Phi. Do đó phải tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất vắc-xin phòng, chống dịch bệnh này trong thời gian tới, góp phần bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi.
PHÚC THÁI - https://www.qdnd.vn/