Trong bối cảnh ở Việt Nam cũng như toàn thế giới đang tiến tới sản xuất nông nghiệp thông minh thì những định hướng nghiên cứu khoa học tốt sẽ giúp các sản phẩm khoa học đến được với thực tế nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó việc công bố các kết quả nghiên cứu khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là một bản báo cáo về một công trình nghiên cứu, mà còn là một tri thức đóng góp cho một lĩnh vực của đời sống và xã hội.
Nhằm tạo cơ hội chia sẻ và cùng thảo luận về những vấn đề trên, khoa Cơ - Điện cùng nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ và Thiết bị trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phối hợp tổ chức buổi tư vấn khoa học với các chuyên gia: Định hướng nghiên cứu trong nông nghiệp thông minh và công bố kết quả. Tham dự buổi tư vấn khoa học online còn có TS. Vũ Ngọc Huyên – Phó giám đốc Học viện – phụ trách khoa Cơ - Điện cùng những nhà khoa học là PGS. TSKH. Trần Hoài Linh – Giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS. Bùi Đăng Thảnh - Viện kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá cùng Chi ủy, Ban Chủ nhiệm Khoa, Lãnh đạo các bộ môn, Xưởng và toàn thể cán bộ khoa Cơ - Điện.
|
|
Buổi tư vấn khoa học được tổ chức online qua phần mềm Zoom với sự tham gia của các chuyên gia, thầy cô giáo |
Mở đầu cho buổi tư vấn khoa học, TS. Vũ Ngọc Huyên đã gửi lời cảm ơn các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đã luôn đồng hành cùng Khoa Cơ - Điện để phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực còn nhiều dư địa cần khai thác, cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và thực tiễn. Đặc biệt với sự thân thiết và gắn bó lâu dài giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác về nghiên cứu và công bố quốc tế. Điều này nhằm phục vụ phát triển nền nông nghiệp của nước ta.
Mở đầu chuyên đề 1: “Báo cáo và trao đổi về kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế”, với kinh nghiệm viết và đăng các bài báo quốc tế, học giả Trần Hoài Linh chia sẻ kinh nghiệm về xu thế chung công bố bài báo quốc tế, hội nhập quốc tế và các chuẩn công bố khoa học quốc tế. Đầu tiên, học giả đưa ra nhận định về việc bài báo quốc tế sẽ đánh giá năng lực và chuyên môn của các tác giả, đơn vị thông qua số lượng, khối lượng kết quả đạt được về bài báo quốc tế. Những vấn đề được biết đến thông qua các hình thức chấm điểm, tạo được sự uy tín của các đơn vị.
Bên cạnh đó, học giả đã đưa ra các quy trình và lời khuyên để viết được bài báo quốc tế. Việc lựa chọn các tạp chí phù hợp, quy trình chung khi công bố trên tạp chí quốc tế hay giới thiệu một số tạp chí đều được học giả nhắc đến. Đặc biệt, học giả Trần Hoài Linh chia sẻ một số kinh nghiệm khi viết bài báo: Một tiêu đề hay đã khiến người đọc hứng thú, hay việc tóm tắt bài báo cần ngắn gọn, có đủ tính mới trong đó hay các vấn đề về dẫn nhập của một bài báo; Các cách trả lời phản biện và hoàn thiện bài báo cũng được tác giả đưa ra.
|
|
Học giả Bùi Đăng Thảnh trình bày chuyên đề thứ 2 |
Tại chuyên đề thứ 2: “Một số định hướng nghiên cứu trong nông nghiệp thông minh và kinh nghiệm công bố kết quả quốc tế”, học giả Bùi Đăng Thảnh đã chia sẻ về kinh nghiệm công bố quốc tế và hệ thống công bố quốc tế, đặc biệt là 9 lý do cần công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế: 1. Đây là nghĩa vụ của người làm khoa học; 2. Nó đóng góp vào kho tàng tri thức thế giới; 3. Nó nhằm bảo vệ luận án, nghiệm thu đề tài; 4. Đây là chứng cứ khoa học cho các tranh chấp; 5. Đây cũng là chuẩn mực khác quan và chất lượng để đánh giá người làm khoa học, đơn vị làm khoa học; 6. Cho phép xếp hạng của đơn vị GD&NCKH; 7. Đây là cơ hội hợp tác và giao lưu cho các tác giả và đơn vị làm NCKH; 8. Là tiêu chí đo lường NSLĐ giúp hội nhập với chuẩn mực khoa học quốc tế; 9. Khẳng định vị thế của người làm khoa học, một tổ chức khoa học. Bên cạnh đó, học giả Bùi Đăng Thành còn tập trung đưa ra các chỉ số đánh giá: 1. Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor – IF); 2. Chỉ số Scimago Journal Rank (SJR); 3. Chỉ số Hirsch Index (H). Những chỉ số đánh giá này có ảnh hưởng rất nhiều đến các tác giả bài báo.
|
|
9 lý do cần công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế |
Nội dung cuối cùng của buổi tư vấn khoa học: TS. Ngô Trí Dương đã chủ trì buổi thảo luận rất sôi nổi của các chuyên gia cùng các thầy cô trong khoa Cơ - Điện. Các xu hướng mới trong nghiên cứu về nông nghiệp thông minh: Công nghệ tưới, chăm sóc chính xác; quản lý điều khiển môi trường trong nhà kính; xây dựng nền tảng phần mềm; định vị địa điểm, khu vực (ứng dụng cho các cánh đồng lớn); hệ thống truyền thông dựa trên các công nghệ mới; robots; nền tảng phân tích và tối ưu hóa trong nông nghiệp thông minh cũng được đề cập đến. Đặc biệt, buổi thảo luận cũng đề cập tới những vấn đề khó khăn khi làm nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp tại nước ta; Các giải pháp được đưa ra và nhận định về một nền nông nghiệp thông minh trong tương lai gần.
Thông qua buổi tư vấn khoa học, các thầy cô khoa Cơ - Điện đã có dịp trao đổi và ghi nhận nhiều thông tin thực tế từ các chuyên gia. Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa giữa các thầy cô trong hai ngôi trường có bề dày lịch sử này.
Nguyễn Văn Điều
Công nghệ và Thiết bị trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao