Ngành chăn nuôi gia cầm ở khu vực miền núi nước ta vẫn tồn tại quy mô nhỏ với các sản phẩm địa phương đặc trưng, có chất lượng cao và là nguồn thu nhập quan trọng của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chăn nuôi gà bản địa hiện nay đang được các nhà quản lý quan tâm bởi ngoài giá trị kinh tế, phù hợp với tập quán văn hóa, đồng thời còn mang ý nghĩa bảo vệ sự đa dạng sinh học và đa dạng di truyền, giúp cho ngành chăn nuôi của Việt Nam phát triển bền vững. Gà nhiều ngón là giống gà quý hiếm có từ lâu đời, gắn liền với sinh kế và văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ, giống gà này tuy có năng suất thấp nhưng có nhiều đặc điểm di truyền tốt như có thể chịu được điều kiện nuôi kham khổ, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt, trứng và thịt có chất lượng thơm ngon.
Để có cơ sở khuyến cáo và định hướng phát triển chăn nuôi gà bản địa nói chung và gà nhiều ngón nói riêng, TS. Phạm Kim Đăng và cs Khoa Chăn nuôi đã có công trình nghiên cứu về một số đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất của giống gà nhiều ngón nuôi tại rừng quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ. Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng, phương thức chăn nuôi và một số đặc tính sinh học, khả năng sản xuất của giống gà nhiều ngón trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nghiên cứu được thực hiện trên 60 hộ người Dao, lựa chọn dựa trên tiêu chí có nuôi gà nhiều ngón thuộc 2 xã Xuân Sơn và Xuân Đài (30 hộ/xã), rừng quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2014.
Các chỉ tiêu theo dõi gồm tuổi đẻ quả trứng đầu (ngày), số trứng đẻ bình quân/lứa và sản lượng trứng/mái/năm. Tỉ lệ trứng có phôi; tỉ lệ nở/trứng ấp và tỉ lệ nở/trứng có phôi (%) được xác định khi theo dõi 50 ổ trứng được gà mái ấp bằng phương pháp tự nhiên. Xác định khả năng sản xuất thịt của gà nhiều ngón bằng việc nuôi thí nghiệm đàn gà thịt trong nông hộ với 60 con (30 trống và 30 mái) từ 0-16 tuần tuổi theo phương thức chăn thả, lặp lại 3 lần với các điều kiện tương tự nhau. Gà được cân hàng tuần vào ngày nhất định, trước khi cho ăn để đánh giá tăng trọng của đàn gà qua các tuần tuổi. Chế độ nuôi dưỡng được thực hiện theo TCVN 2265-2007 với các nguyên liệu có sẵn tại địa phương như ngô, thóc, đậu tương và premix. Giai đoạn từ 0 đến 3 tuần tuổi gà được nuôi nhốt và cho ăn tự do. Giai đoạn từ 4 đến 12 tuần tuổi gà được nuôi chăn thả và cho ăn theo nhu cầu 2 bữa/ngày. Mổ khảo sát đánh giá chất lượng thân thịt gà khi 16 tuần tuổi được tiến hành theo WPSA (1984). Số liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm Minitab 14.
Kết quả điều tra cho thấy, hiện nay gà nhiều ngón được nuôi nhiều nhất ở xã Kim Thượng 4.150 con, xã Xuân Đài 3.790 con và xã Xuân Sơn 3.120 con. Tại huyện Tân Sơn, giống gà Ri được nuôi với tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 69,14% và 66,85% ở 2 xã Xuân Sơn (17,95) và Xuân Đài (14,85%). Điều đó chứng tỏ gà nhiều ngón rất quý, có từ lâu đời nhưng ít được chú ý đầu tư chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng, do đó nguy cơ pha tạp và giảm dần về số lượng, hiện chúng chỉ được chăn nuôi như các giống gà thả đồi khác.
Hầu hết các giống gà đều được nuôi chăn thả tự do vào ban ngày và nhốt trong các chuồng thô sơ bằng tre nứa vào ban đêm (65,99%), còn lại 29,59% hộ chăn nuôi không làm chuồng nuôi gà. Việc chưa có chuồng trại và chăn nuôi tự do khiến cho việc quản lý cũng như chăm sóc phòng trừ bệnh cho gà gặp khá nhiều khó khăn. Khi có bệnh dịch thì không thể cách ly đàn gà để chống dịch.
Kết quả khảo sát về thức ăn cho thấy, đối với gà mái đang nuôi con, 100% được cho ăn thêm gạo, ngô xay. Bên cạnh đó, gà mẹ dẫn con đi kiếm mồi để bổ sung thêm thức ăn, chủ yếu là côn trùng, kiến, giun, mối,... Đối với gà trưởng thành, ban ngày được thả tự do trong vườn, đồi, nương rẫy xung quanh nhà; vào buổi tối, trước khi lên chuồng, người dân cho gà ăn thêm các thức ăn có sẵn như ngô, thóc, sắn, gạo... với lượng thức ăn trung bình 20,34 g/con/ngày, không dùng thức ăn công nghiệp. Vào mùa thu hoạch thóc, ngô gà có thể kiếm ăn gần các nương rẫy, người dân không cần bổ sung thêm thức ăn mà gà vẫn lớn, khỏe, ngoại hình đẹp.
Chân gà nhiều ngón
Về đặc điểm ngoại hình, nhìn chung đây là giống gà có khối lượng trung bình, thân hình cân đối, nhanh nhẹn. Đầu nhỏ, tròn, cổ cao, mắt linh hoạt, lông dày. Gà nhiều ngón có đặc điểm ngoại hình tương tự như gà Ri, con trống chủ yếu có màu nâu đỏ (95%), con mái có màu vàng nâu, vàng sẫm (56%), màu xám (20%). Giống gà có mào đơn là chính (trên 90%), còn lại một số ít có mào hoa hồng và mào khác. Chân của gà nhiều ngón có màu vàng là chủ yếu, chiếm 95% ở con mái và 97% ở con trống, còn lại là gà có màu chì (đen). Một đặc điểm ngoại hình đặc biệt của giống gà này đó là có nhiều ngón. Ngón của gà xuất hiện ngay từ khi gà con mới nở và tồn tại trong suốt cuộc đời. Số ngón của gà nhiều ngón cũng được coi như một tính trạng quan trọng nhất để xác định giá trị của con gà. Theo người dân thì gà càng nhiều ngón càng quý và có giá trị thương mại cao.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong quần thể theo dõi không có con gà trống nào có 5 ngón, chỉ có 1 con có 9 ngón, còn lại 98,8% gà trống có 6-8 ngón; Ở gà mái, có đến 90,16% gà có 5-7 ngón và 9,84% có 8 ngón, không có gà mái nào có 9 ngón. Theo tập quán của người dân bản địa, gà 9 ngón rất hiếm và được xem như một báu vật.
Một số hình ảnh khảo sát thân thịt gà
Về khả năng sinh sản, gà mái thành thục khi 28 tuần tuổi, khối lượng cơ thể 1,25 kg/con, sản lượng 76 trứng/mái/năm; khối lượng trứng 40 g/quả. Tỷ lệ trứng có phôi tương đối cao 94-95%, tỷ lệ nở/trứng ấp 84-85%; tỷ lệ nở/trứng có phôi 90-91%; Gà thịt có tỷ lệ nuôi sống đến 12 tuần tuổi đạt 90,2%, khối lượng 1,1 kg. Tỷ lệ thân thịt của gà khi 16 tuần tuổi thấp, chỉ 68,75% trong đó thịt đùi 18,05%; thịt ngực 17,12%.
Gà nhiều ngón là một giống gà mang nguồn gen hiếm, tài nguyên sinh học quý, gắn liền với sinh kế và văn hoá của đồng bào nhiều dân tộc thuộc khu vực rừng quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Bảo tồn và nhân giống giống gà này một cách bài bản sẽ góp phần nâng cao giá trị giống gà đặc sản cho Việt Nam, tăng giá trị kinh tế cho ngành chăn nuôi.