Từ xưa đến nay, ngải cứu là vị thuốc phổ biến trong Đông  y, được người dân Việt Nam sử dụng trong các món ăn hàng ngày. Trong thân lá của ngải cứu có chứa tinh dầu, estrogenic flavonoid và ankaloid có tác dụng làm đẹp, lưu thông khí huyết. Tinh dầu ngải cứu có tác dụng diệt khuẩn, chữa đau nhức, điều hòa khí huyết và là nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên rất hiệu quả.

Do lợi ích quan trọng của cây ngải cứu với con người mà nhu cầu của xã hội đối với loài cây này ngày càng lớn. Tuy nhiên, nguồn cung chủ yếu dựa vào tự nhiên, khi thu hái không đúng kỹ thuật, chất lượng dược liệu và giá trị làm thuốc của ngải cứu đạt được chưa cao. TS. Ninh Thị Phíp và cộng sự khoa Nông học đã thực hiện đề tài: “Đánh giá sinh trưởng, năng suất và chất lượng dược liệu của một số mẫu giống ngải cứu trong điều kiện thu hái tại Gia Lâm - Hà Nội” là cơ sở tuyển chọn giống ngải cứu phù hợp cho các mục đích sử dụng.

Vật liệu nghiên cứu là các mẫu ngải cứu được thu thập từ năm 2010 tại các tỉnh, thành phố khác nhau. Địa điểm nghiên cứu tại khu thí nghiệm Khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thí nghiệm tiến hành trên 10 mẫu giống ngải cứu được ký hiệu riêng biệt và bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ với 3 lần nhắc lại, diện tích mỗi ô thí nghiệm là 10m2. Trước mỗi lứa cắt, trên mỗi ô thí nghiệm chọn ngẫu nhiên 5 cây, tiến hành đo đếm các chỉ tiêu: Chiều cao cây (cm); đường kính thân (cm); số lá trên cây; chỉ số hàm lượng diệp lục trong lá; số mầm tái sinh (mầm/m2); tỷ lệ tươi/khô; tỷ lệ lá/thân; tỷ lệ ngọn non (%); năng suất; tỷ lệ chất xơ (%). Các mẫu giống ngải cứu trong thí nghiệm được thu hái khi cây đạt chiều cao 30-35cm, thu hái cách mặt đất 5cm. Các mẫu giống ngải cứu thu thập được trồng, thu hoạch và phân tích hàm lượng tinh dầu tổng số tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Phân tích hàm lượng flavonoid tổng số tại Viện Dinh dưỡng theo phương pháp PPN.2H013a. Theo dõi mức độ nhiễm sâu bệnh hại theo quy chuẩn QCVN 01-38: 2010/BNNPTNT. Kỹ thuật trồng áp dụng theo quy trình kỹ thuật của Bộ môn Cây công nghiệp và cây thuốc.

 

Cây ngải cứu (hình minh họa)

Nghiên cứu cho thấy ngải cứu dễ mắc các bệnh như sùi cành lá; bệnh sâu xanh, bệnh rệp ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây. Nghiên cứu cũng đề cập đến năng suất cá thể của cây, là yếu tố cấu thành năng suất của cây trồng. Tất cả các mẫu giống ngải cứu thí nghiệm đều có mùi thơm tinh dầu, trong đó một số mẫu được đánh giá rất thơm.