Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành hàng rau quả gồm cả rau quả ôn đới và nhiệt đới. Trong những năm qua, sản xuất rau quả của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất mạnh cả về diện tích và sản lượng. Theo đó, tốc độ tăng diện tích trung bình trong 15 năm qua là 28%, năm 2005 chỉ đạt hơn 300 ngàn hecta, thì đến năm 2019 đạt trên 900 nghìn hecta. Năm 2010, sản lượng rau quả đạt 13 triệu tấn, đến 2019 đã đạt xấp xỉ 20 triệu tấn. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu rau quả trong những năm gần đây có sự tăng trưởng đột biến. Năm 2019, xuất khẩu rau, hoa quả đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2016, trong đó, xuất khẩu trái cây chiếm 80%, rau hoa chiếm 20%. Tuy vậy, theo Bộ NN&PTNT, công đoạn chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của mặt hàng rau quả. Hiện nay ở Việt Nam có 145 doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả, chiếm 2,19% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ chế biến chỉ đạt xấp xỉ 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Philippines, tỷ lệ này là 28%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%. Nhằm đánh giá đúng năng lực ngành hàng rau quả Việt Nam, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, và thách thức của ngành được phân tích dưới đây.
Điểm mạnh
- Nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
- Lực lượng lao động tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp dồi dào, giá nhân công rẻ. Gia tăng lực lượng lao động trẻ có tư duy mới muốn gắn bó lâu dài và phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.
- Thể chế chính trị và môi trường kinh doanh thuận lợi: Việt Nam là đất nước có thể chế chính trị tương đối ổn định, môi trường đầu tư, hệ thống luật pháp ngày càng được hoàn thiện, thích ứng với tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu.
- Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi nên Việt Nam là nước có thế mạnh về những mặt hàng nông sản nhiệt đới, đặc biệt là rau quả. Đồng thời vị trí địa lý trải dài qua nhiều vĩ độ, tạo nên sự đa dạng về chủng loại rau quả, đặc trưng cho vùng miền.
- Hệ thống bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển nhanh, đa dạng về thương hiệu.
Điểm yếu
- Các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng như: đất đai, lao động, vốn, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu và chưa đồng bộ.
- Vùng nguyên liệu cho chế biến chưa tập trung, dẫn đến khó khăn trong quá trình thu mua, giảm chất lượng của nguyên liệu đầu vào và thành phẩm, gia tăng tổn thất sau thu hoạch.
- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả còn thấp (2,19%), công nghệ còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm rau quả chế biến trên thị trường còn khiêm tốn, giá trị gia tăng không cao.
- Thiếu nguyên liệu cho chế biến, công suất hoạt động thực tế của nhiều nhà máy chỉ đạt 50-60%; nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng cho xuất khẩu.
- Chất lượng sản phẩm chế biến chưa cao, chủng loại chưa phong phú, rất ít các sản phẩm chế biến của Việt Nam có mặt tại các thị trường nước ngoài khó tính bởi chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu.
- Sản xuất nông nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
- Thị trường đầu ra cho nông sản không ổn định, khả năng kết nối thị trường yếu bởi tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ rau quả đều thiếu sự quy hoạch, thiếu tính chiến lược, thiếu sự đồng bộ và thiếu sự đầu tư thỏa đáng... gây ra những bất ổn và rủi ro đối với việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả.
- Tính cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến Việt Nam còn thấp. Sản phẩm nông sản nói chung và rau quả Việt Nam nói riêng phần lớn chưa có được thương hiệu, mới chỉ tập trung vào số lượng, chất lượng chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Cơ hội
- Thu nhập và nhận thức về sức khỏe của người dân tăng lên dẫn đến tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm rau quả tươi và chế biến.
- Mở rộng thị trường, xuất khẩu nông sản gia tăng: gần đây Việt Nam ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương EVFTA, CPTPP, AEC… đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lực đem lại thu nhập và giá trị gia tăng cao hơn.
- Đầu tư của Nhà nước, nước ngoài, khối tư nhân vào nông nghiệp ngày càng được chú trọng do cơ chế mở cửa, đầu tư kinh doanh. Cơ hội liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài cũng ngày càng được mở rộng.
- Các chính sách phát triển, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 được Chính phủ chú trọng triển khai.
Thách thức
- Cạnh tranh từ các nước xuất khẩu rau quả khác trên cả thị trường trong nước và nước ngoài.
- Các rào cản thương mại, hàng rào phi thuế quan, các tiêu chuẩn chất lượng đối với mặt hàng rau quả tươi và chế biến, các điều kiện thực hành sản xuất và chế biến tại cơ sở, nhãn hiệu, bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá… là những thách thức lớn với người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến do họ còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm.
Để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo sản xuất bền vững cho ngành hàng rau quả Việt Nam, một số giải pháp chiến lược được đề xuất như sau:
- Thực thi các chính sách cải cách ruộng đất nông nghiệp, khuyến khích dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, đồng thời ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
- Xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và sản xuất theo nhu cầu thị trường.
- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực.
- Mở rộng quy mô sản xuất để giảm chi phí và đồng nhất về chất lượng.
- Thúc đẩy xúc tiến thương mại.
- Hình thành mạng lưới liên kết 4 nhà (Nhà nước, người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học).
- Hình thành các chuỗi giá trị ngắn để giảm chi phí trung gian, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các bên tham gia, xây dựng niềm tin và trách nhiệm, từ đó đảm bảo chất lượng cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh về giá bán.
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật - công nghệ hiện đại, tiên tiến trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị rau quả: sản xuất, thu gom, chế biến, bảo quản và tiêu thụ để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Đồng thời ứng dụng thương mại điện tử để marketing các sản phẩm rau quả Việt Nam.
- Khai thác hiệu quả mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các nghiên cứu cơ bản về chế biến thực phẩm với các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc nhận chuyển giao công nghệ, học hỏi mô hình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất… đối với doanh nghiệp nước ngoài.
- Cân đối kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và sản xuất thử nghiệm.
- Phát huy vai trò của các hiệp hội (Hội Người tiêu dùng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hiệp hội các doanh nghiệp…) để có thể tư vấn, tham vấn, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan cũng như kiến nghị chính sách kịp thời cho Nhà nước.
- Hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xuất khẩu, thương mại sản phẩm.
Nhiều giải pháp chiến lược kể trên đã được các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với chuyên gia quốc tế để nghiên cứu và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho mặt hàng này, điển hình là phân tích và nâng cấp chuỗi giá trị rau, quả tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho vải, nhãn, xoài, thanh long, bơ, cà chua… cho tiêu dùng dạng tươi và xuất khẩu, đồng thời phát triển công nghệ chế biến sâu sử dụng nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và thậm chí nguyên liệu không đáp ứng tiêu chuẩn cho tiêu dùng dạng tươi và xuất khẩu để đa dạng hóa các sản phẩm chế biến trên thị trường như quả sấy khô, sấy dẻo, trà detox, nước quả, bia quả, rượu vang, mứt đông…
Sản phẩm chế biến từ trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ
|
|
Sản phẩm chế biến từ trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ |
|
|
Rượu vang đỏ sản xuất từ trái thanh long ruột đỏ |
|
|
Phân tích chuỗi giá trị rau Lâm Đồng |
Trần Thị Định, Nguyễn Thị Quyên, Trần Thị Lan Hương